“Bom nổ chậm” BaoViet Bank: Cổ đông sáng lập thoái vốn cổ phiếu giá bèo

(NTD) - BaoViet Bank đang như quả “bom nổ chậm” khi cổ đông sáng lập cố gắng thoái vốn, chiếc ghế quyền tổng giám đốc 3 năm vẫn chưa ổn định nổi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thị giá của BaoViet Bank chỉ loanh quanh mức 3.500 đồng/cổ phiếu.

Cổ đông sáng lập thoái vốn

Ngày 19/9/2019, HĐQT CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC đã thông qua Nghị quyết số 43/2019/NQ-HĐQT về việc hoàn tất việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank).

BaoViet Bank được thành lập đầu năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm Tập đoàn Bảo Việt, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Công nghệ CMC.

Như vậy, CMC là cổ đông sáng lập đầu tiên muốn thoái vốn hoàn toàn khỏi BaoViet Bank. Tuy nhiên, trong nghị quyết được công bố, CMC chỉ nói về việc “chuyển nhượng toàn bộ cổ phần BaoViet Bank” nhưng không nói con số chính xác.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 của CMC, danh sách công ty con và công ty liên kết không có tên BaoViet Bank. Chỉ trong phần “Chi tiết vốn góp của chủ sở hữu” ghi rõ CMC đang góp gần 36,3 tỷ đồng vào Tập đoàn Bảo Việt, tương ứng tỷ lệ 5,04%.

Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 của BaoViet Bank, cái tên CMC cũng không được nhắc đến. 3 cổ đông xuất hiện trong phần “Chi tiết vốn góp của chủ sở hữu” là Tập đoàn Bảo Việt (1.560 tỷ đồng), Vinamilk (442 tỷ đồng) và CTCP Tập đoàn HIPT (72 tỷ đồng). Các cổ đông khác góp tổng cộng 1.076 tỷ đồng. Có thể phần vốn góp của CMC tại BaoViet Bank nằm trong 1.076 tỷ đồng này.

BaoViet Bank đang có nợ xấu cao ngất ngưởng, lên đến 4%.

 

Cổ phiếu giá bèo

Giữa tháng 9, BaoViet Bank thông báo việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hường đảm nhận chức vụ quyền Tổng Giám đốc ngân hàng, kể từ ngày 13/9. Bà Hường sinh năm 1970, là thạc sĩ Tài chính Ngân hàng của trường Đại học Paris Dauphine và có 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.

Chiếc ghế quyền Tổng Giám đốc BaoViet Bank tỏ ra khá “mong manh”. Trong 2 năm, bà Hường là người thứ ba ngồi vào vị trí này. Trước đó, từ 2017 đến tháng 11/2018 ông Tôn Quốc Bình được bổ nhiệm. Sau đó, ông Phạm Nguyễn Thế Phong ngồi vào “ghế nóng” từ tháng 11/2018.

Vị trí lãnh đạo cấp cao không ổn định nên không ngạc nhiên khi BaoViet Bank có kết quả thua kém so với rất nhiều đối thủ trên thị trường. Lợi nhuận kinh doanh èo uột (thậm chí có thể thua lỗ) khiến cổ phiếu BaoViet Bank trên thị trường OTC nằm ở top các cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất.

Hiện tại, trên sàn OTC, giá chào mua cổ phiếu BaoViet Bank dao động từ 3.500-5.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá xuất hiện trong ngày 3/10 là 4.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, ở chiều bán, giá cao hơn một chút, dao động từ 4.500-6.000 đồng/cổ phiếu. Vì giá mua và bán tương đối xa nhau nên rất ít giao dịch diễn ra thành công.

Nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu BaoViet Bank vì ngân hàng này có kết quả kinh doanh không được tốt. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 7,8 tỷ đồng, tương ứng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức giảm tới 42,3% là tin không vui của nhà đầu tư. Nhưng nhà đầu tư có thể sẽ “không vui” hơn nữa vì BaoViet Bank hoàn toàn có thể thua lỗ nếu ngân hàng không cắt giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại BaoViet Bank chỉ là 122 tỷ đồng, giảm 167 tỷ đồng, tương ứng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nợ xấu là 994 tỷ đồng, chiếm tới 4% tổng dư nợ tín dụng. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu chỉ là 3%.

Có lẽ BaoViet Bank lọt vào top các ngân hàng có nợ xấu cao nhất. Với tỷ lệ lên tới 4%, BaoViet Bank còn rất nhiều việc phải làm với nợ xấu nhưng ngân hàng này lại mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nếu chi phí này được giữ nguyên so với 6 tháng đầu năm 2018, thì BaoViet Bank đã thua lỗ 156,4 tỷ đồng.

Cổ đông sáng lập CMC muốn thoái toàn bộ vốn khỏi BaoViet Bank.

Bảo Linh

Nên đọc