Bánh mì "giải cứu"
Thời điểm hiện tại, "dịch COVID-19" là vấn đề nhức nhối của cả cộng đồng. Xoay quanh những tổn thất do dịch bệnh mang lại, đặc biệt là tổn thất cho ngành nông nghiệp với hàng loạt nông sản phải "giải cứu", vẫn có những câu chuyện là điểm sáng đầy nhân văn. Điển hình như việc giải cứu thanh long bằng việc ra mắt "bánh mì thanh long" của chuỗi cửa hàng ABC.
Giải cứu dưa hấu tại siêu thị Lotte Mart quận 7 |
Dưa hấu và thanh long "giải cứu" tại Vinmart |
Đợt thử nghiệm đầu tiên cho bánh mì thanh long là vào ngày 8/2, tiệm bánh ABC (chi nhánh Nguyễn Trãi, P1, Quận 5) sản xuất tầm chỉ 300 ổ, và sau đó mỗi ngày sản xuất tầm 3.000 ổ, đến nay mỗi ngày đang sản xuất tầm 20.000 ổ để phục vụ nhu cầu ngày một tăng. Trước đó, số lượng thanh long dùng để sản xuất bánh mì chỉ tầm 250-300 kg/ngày, nhưng hiện tại con số này đã lên đến 1 tấn/ngày.
Bánh mì thanh long của cửa hàng ABC |
Bánh mì có giá 6.000 đồng/ổ, mỗi người được mua tối đa 5 ổ vì số lượng có hạn. Hình ảnh người mua xếp hàng dài để chờ đợi tại các chi nhánh để mua bánh mì thanh long đã phản ánh sự quan tâm của người dân đối với mặt hàng này. Được biết, bánh mì thanh long tạo nên hiện tượng không chỉ vì hương vị hay sự mới lạ mà còn vì tính nhân văn trong mỗi chiếc bánh. Đây là một hướng đi mới giúp tiêu thụ thanh long vốn đang trong tình trạng "giải cứu" khẩn cấp.
Hình ảnh người dân xếp hàng dài để mua bánh mì thanh long tại cửa hàng ABC |
Chị Thu Quỳnh (Quận 7) cho biết "Thực ra bánh mì thanh long có màu sắc đẹp với vị chua ngọt nhẹ chứ không khác gì nhiều so với bánh mì thường hết, nhưng chủ yếu là mình ủng hộ người dân bán thanh long. Mà với tình hình này có khi mai mốt lại có thêm bánh mì dưa hấu, sầu riêng cũng nên."
Được biết, bánh mì thanh long được chủ hệ thống cửa hàng ABC, ông Kao Siêu Lực nghiên cứu và sản xuất. Ông cũng chia sẻ công khai công thức với nguyện vọng sản phẩm bánh mì sẽ giúp trái thanh long có thêm "đầu ra". Hiện tại, bánh mì thanh long cũng đã được các siêu thị như Vinmart, Big C đưa vào sản xuất và bán tại các siêu thị.
Bánh mì thanh long tại Vinmart |
Hình ảnh một quán ăn sử dụng bánh mì thanh long và nước ép dưa hấu để ủng hộ nông sản Việt |
Nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn nếu chế biến sâu
Ổ bánh mì gánh trên mình bài toán "giải cứu" phần nào giải quyết được một phần nhỏ trong cánh đồng thanh long bạt ngàn. Tuy nhiên, đó không phải là hướng đi lâu dài vì không phải nông sản nào cũng có thể "sáng tạo" và trông chờ vào hiện tượng giải cứu. Khi cán cân cung cầu không cân bằng thì việc thanh long bị đổ bỏ cho bò ăn, nho trên giàn không được hái, hồ tiêu tại Bình Phước bị bỏ dù chín đỏ cây vì giá thuê nhân công cao mà giá thành phẩm quá thấp vẫn sẽ tái diễn.
Điều này thể hiện vai trò quy hoạch và quản lý sản xuất của Nhà nước vẫn rất yếu và thậm chí giữ nguyên trạng suốt hàng chục năm qua. Một loại nông sản được giá thì nông dân cả nước đều đổ xô đi trồng. Kết quả là những đợt khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu diễn ra "đều đặn". Rõ nhất là hạt tiêu khi giá cao điểm lên đến hơn 200.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg. Trong khi cuộc khủng hoảng này cũng đã từng diễn ra cách đây hơn 10 năm. Người nông dân cứ phải tự mò mẫm tìm hướng đi mới cho chính mình để rồi khóc ròng vì "mất giá", trong khi người mua lại mệt mỏi vì "giải cứu" từ năm này qua năm khác.
Hình ảnh vườn tiêu bị vàng lá không người chăm sóc tại thủ phủ tiêu Bình Phước |
Ngoài ra, nông sản Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất tươi và gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu. Trong khi đó, nếu chế biến, giá trị nông sản cao hơn gấp 3 - 4 lần, đồng thời giải quyết được tình trạng "được mùa mất giá". Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 22 triệu tấn rau, củ, quả, với tốc độ tăng trưởng trên 40%/năm. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là sơ chế, chỉ có khoảng 9% sản phẩm được chế biến sâu. Trong khi đó, nếu tăng được tỷ lệ chế biến sâu sẽ giúp giá trị nông sản tăng 10 - 20 lần.
Dự báo đến năm 2021, thị trường trái cây chế biến trên thế giới sẽ đạt 317 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị rau, củ, quả Việt Nam cung cấp chưa đến 1% con số này, mà sản phẩm chế biến sâu thậm chí còn ít ỏi hơn.
Trên thực tế, 1kg hạt tiêu sấy lạnh có giá trị gấp 6 lần hạt tiêu đen. Giá quả hồng treo Đà Lạt theo công nghệ Nhật Bản cao gấp 3 - 4 lần hồng sấy truyền thống và được ưa chuộng đến mức hơn 20 tấn hồng thành phẩm mỗi năm của các cơ sở vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Tỏi đen có giá 1 triệu đồng/kg trong khi tỏi thường chỉ có mức giá từ 60-70.000 VNĐ/kg. Hay như mít sấy dẻo, thanh long sấy dẻo, sầu riêng sấy khô cũng là mặt hàng được ưa chuộng tại các siêu thị.
Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung và cả ngành nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, áp lực này cũng chính là cơ hội để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở chuỗi liên kết. Giải cứu không thể được sử dụng như giải pháp lâu dài. Cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới hơn.
Bài và ảnh: Hoài Viễn