Bàn về Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam

(CL&CS)- Sáng 19/6 tại Hà Nội, Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam”.

Diễn đàn sẽ có sự tham gia trao đổi của đại diện các Bộ, ban ngành... cùng với các bài nghiên cứu, phân tích xu hướng ngành hàng tiêu dùng Việt Nam và quốc tế đến từ những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu như NielsenIQ, Kantar. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn về ngành hàng tiêu dùng trong nước và quốc tế ...

Trong bối cảnh chung nhiều biến động, việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm cũng như dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỗi doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.

Chia sẻ tại diễn đàn sáng nay, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam cho biết các nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của NielsenIQ cho thấy người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu.

Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam

Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. Người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

“Duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là một thách thức vào năm 2024”, bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.

“Bên cạnh việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì thị trường có rất nhiều sản phẩm mới được tung ra, cùng với sự năng động của các nhãn hiệu nhỏ khiến người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, ảnh hưởng tới thị phần của các nhãn hiệu lớn. Các thương hiệu lớn và nhỏ giờ đây có cơ hội ngang nhau. Những ai từng tự tin rằng tôi bán rất tốt ở thành thị hay ở nông thôn thì trong tương lai gần sẽ không còn nữa”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối Kinh doanh Kantar Việt Nam, nhận định.

Cũng theo vị này, những nỗ lực trong truyền thông và mở cửa hàng của các nhà bán lẻ chủ chốt sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hàng hơn. Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân người mua hàng, duy trì mức độ trung thành của người mua hàng vẫn là thử thách vô cùng lớn.

Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích đánh giá một cách tổng quan về thị trường hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua, cùng xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong giai đoạn hiện nay từ đó tìm kiếm giải pháp phát triển ngành tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và xác định xu hướng tiêu dùng. Qua đó, kết nối doanh nghiệp với các Bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài tạo mạng lưới thúc đẩy phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

TIN LIÊN QUAN