Bàn về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

(CL&CS) - Năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. Có nhiều động lực để nâng cao năng suất, chất lượng lao động trong đó phải kể đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Nâng cao năng suất chất lượng cả nền kinh tế

Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh năng suất lao động là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Nhà Lãnh tụ Cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định, năng suất lao động là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác.

Nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả”. Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như Việt Nam chúng ta.

Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chia sẻ, “Xuyên suốt là con người, là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động. Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động. Chúng ta không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo cái tăng trưởng đơn thuần”. Năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. 

Thúc đẩy năng suất chất lượng ngành chế biến chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính nâng cao năng suất chất lượng cả nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo  là một bộ phận của khu vực công nghiệp - xây dựng, là những ngành tham gia vào việc biến đổi hàng hoá, nguyên liệu hoặc các chất liệu khác nhau thành những sản phẩm mới. Đó là những hoạt động kinh tế với quy mô sản xuất lớn, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ công nghệ, khoa học và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.

Tạo nguồn cung ứng và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo lớn mạnh là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ và nông nghiệp và ngược lại, phát triển hiệu quả các ngành nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất chính là góp phần tạo nguồn cung ứng và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành.

Diện tích gieo cấy lúa thu đông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 489,1 nghìn ha và cho mùa bội thu

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/8/2024 diện tích gieo cấy lúa thu đông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 489,1 nghìn ha, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; giá lúa ổn định nên tiến độ gieo trồng được đẩy nhanh. Tổng đàn lợn tại thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn gia cầm tăng 3,4%.

Thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác rừng đến tuổi thu hoạch. Sản lượng gỗ khai thác tháng 8/2024 ước đạt 2.086,4 nghìn m3, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung tám tháng năm 2024 đạt 14.033,2 nghìn m3, tăng 7,2%.

Một số loại thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nước lợ đang vào mùa thu hoạch; đơn hàng các loại sản phẩm thủy sản phục vụ dịp lễ hội cuối năm tại các thị trường nhập khẩu lớn tăng nên sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8/2024 ước đạt 522,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra ước đạt 148,2 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm thẻ chân trắng đạt 119,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm sú đạt 30 nghìn tấn, tăng 1,7%. Tính chung tám tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446,5 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá tra đạt 1.119 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm thẻ chân trắng đạt 547,3 nghìn tấn, tăng 5%; tôm sú đạt 181,2 nghìn tấn, tăng 2,3%.

Trong 8 tháng năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 31%; thép cán tăng 17,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; đường kính tăng 14,2%; xăng, dầu các loại tăng 12,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 10,9%; thủy hải sản chế biến tăng 10,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hóa lỏng LPG giảm 15,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 5,2%; bia giảm 3,7%; than sạch giảm 3,4%; alumin giảm 2,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp khi số lượng đơn đặt hàng tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng lao động tăng.

Ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cựcSo với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 9,5%; 8 tháng năm 2024 tăng 8,6% (cùng kỳ năm trước giảm 0,2%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm trước giảm 0,4%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6% (cùng kỳ năm trước tăng 2%), nhờ đó đáp ứng đầy đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (%), (ảnh nguồn Tổng cục Thống kê)

Lý giải vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các chuyên gia cho biết, khi xét theo cấu trúc toàn chuỗi giá trị, mọi hoạt động kinh tế đều có mối quan hệ gắn bó, ràng buộc với nhau và công nghiệp chế biến chế tạo là trọng tâm trong mối quan hệ đó.

Cụ thể, các ngành dịch vụ thường đóng góp 15-20% GDP, phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển hoạt động sản xuất; dịch vụ bán buôn, bán lẻ chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất ra.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 8 tháng các năm 2020-2024 (ảnh nguồn Tổng cục Thống kê)

Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng 7,9%; vận chuyển hành khách tăng 13,2% và luân chuyển tăng 16,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,2% và luân chuyển tăng 10,5%. Tính chung tám tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,5% và luân chuyển tăng 12,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 13% và luân chuyển tăng 11,8%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng phục hồi và tăng trưởng khởi sắcTính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu đạt ở nhiều mặt hàng chủ yếu, trong đó, 18 mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tám tháng cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước; 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%. Đây là tín hiệu khả quan để cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 đạt kỷ lục mới về xuất siêu.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng các năm 2020-2024 (ảnh nguồn Tổng cục Thống kê)

Cán cân thương mại hàng hóa tám tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 19,07  tỷ USD, nhờ đó góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 2.247 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tám tháng năm 2024 đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 8 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD), (ảnh nguồn Tổng cục Thống Kê)

Tại Quyết định số 1305 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động từ nay đến năm 2030 cũng nêu rõ, mục tiêu cụ thể của chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

 Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Mỗi người dân Việt Nam sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…

Hiện nay, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp chế biến, chế tạo là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp…

Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), để ngành sản xuất chế biến, chế tạo phát triển bền vững, trở thành động lực chính nâng cao năng suất chất lượng nền kinh tế cần tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất/nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp:

Một là, cần tập trung cải tiến công nghệ, quản lý năng lực sản xuất và nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hai là, tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghệ trung bình và cao, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp công nghệ thấp, có năng suất lao động thấp.

Ba là, khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn đi đầu trong phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị nội địa, hỗ trợ cho chiến lược cạnh tranh thị trường quốc tế của các sản phẩm thế mạnh mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ cải tiến năng suất khác nhau tùy theo thực trạng năng suất của từng tiểu ngành để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Việc hỗ trợ cần tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hệ thống quản trị; đào tạo nhân lực thích ứng với công nghệ mới; áp dụng các hệ thống, tiêu chuẩn, mô hình cải tiến năng suất, áp dụng các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Có thể nói, ngành sản xuất chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng nền kinh tế. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với ổn định sản xuất cho doanh nghiệp sẽ là cơ hội nâng cao năng suất ngành sản xuất chế biến, chế tạo để ngành này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính lâu dài, như: Nâng cao năng lực cạnh tranh: Đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển thương hiệu. Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu. Sản xuất xanh và bền vững: Áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế và xử lý chất thải. Thúc đẩy chuyển đổi số: Đầu tư vào công nghệ số, tự động hóa, robot, AI, IoT, Big Data, xây dựng nhà máy thông minh. Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng: Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với các đối tác tin cậy.

TIN LIÊN QUAN