Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) tiếp tục kiến nghị giải pháp sản xuất an toàn trong làn sóng Covid-19

(CL&CS) - Tháo gỡ các quy định đang không phù hợp, thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp xanh là giải pháp để sản xuất an toàn giữa làn sóng dịch Covid-19.

Như các bài viết trước, Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống đã phản ánh thực trạng phần lớn các doanh nghiệp ở 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách đã áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ đều đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, khó cầm cự được lâu hơn.

Doanh nghiệp cũng không thực hiện được phương án “1 cung đường - 2 địa điểm" (chỉ dịch chuyển công nhân tập trung từ nơi ở ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung đến nơi sản xuất) do ở nhiều nơi, công nhân ở tản mát trên nhiều phường quận khác nhau.

Vấn đề lúng túng hiện nay là có phương án tổ chức sản xuất thế nào tốt hơn để an toàn để sản xuất và sản xuất vẫn an toàn. Đây cũng là vấn để nóng và liên tục được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc hội nghị và tọa đàm. Vấn đề này cũng đã dược nêu lên tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để bàn về các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh hôm 08/08/2021 vừa qua.

Phát triển doanh nghiệp sản xuất sản xuất không đình trệ, chuỗi cung không đứt gãy và sẽ phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng

Mọi ý kiến đều cho rằng vaccine là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người dân, để khôi phục sản xuất kinh doanh, để Vaccine là tiền đề của “bình thường mới”.

Bên cạnh đó cũng cần sớm có những giải pháp linh hoạt hơn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Và một giải pháp để sản xuất an toàn giữa dịch Covid-19 đã được Ban IV đã đề xuất với Chính phủ, đó là thực hiện một chiến lược phát triển “Doanh nghiệp xanh”.

Trước mắt sẽ phát triển doanh nghiệp sản xuất xanh, doanh nghiệp vận tải/logistics xanh, tiến tới doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, trang trại xanh... Như vậy sẽ sản xuất không đình trệ, chuỗi cung không đứt gãy và sẽ phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này.

Doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp có toàn bộ lái xe, nhân viên, người lao động được tiêm đủ vắc-xin. Mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với bên ngoài doanh nghiệp; Quy trình ứng xử với Covid-19 tại đây áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất.

Để thực hiện chiến dịch phát triển doanh nghiệp xanh, Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vaccine  để tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu... nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.

Việc tiêm vaccine có thể thực hiện tại các nhà máy thay vì chỉ ở trung tâm y tế, hay cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của Sở Y tế tỉnh, thành...

Để phát triển doanh nghiệp xanh thì Ban IV cũng mong Chính phủ chỉ đạo các Bộ rà soát khẩn trương và tháo gỡ các quy định đang không phù hợp để tạo nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp vận hành hoạt động, song song với việc phấn đấu trở thành doanh nghiệp xanh.

Các quy định không phù hợp đó là phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 để được nhận hỗ trợ vay trả lương; quy định về thời gian làm thêm trong tuần, trong ngày; hay yêu cầu người lao động phải không còn đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận hỗ trợ ngừng việc của nhà nước trong khi do giãn cách, phong tỏa kéo dài, hàng nghìn hàng triệu lao động phải ngừng việc, không có lương nhưng chủ sử dụng lao động vẫn nỗ lực hết sức để đóng tiền duy trì bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động...

Riêng đối với việc cho doanh nghiệp vay trả lương, nhìn vào các số liệu tương đối đáng quan ngại khi khảo sát người lao động, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét để mạnh dạn áp dụng cơ chế nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay gói vay trả lương tại các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trong 3 năm như là 1 cách làm hết sức nhân đạo lúc này, cho dù có một phần rủi ro về khả năng thanh khoản nhưng xét tổng thể, đây là cách nhà nước cho doanh nghiệp ứng trước một phần nguồn lực mà họ sẽ đóng cho nhà nước để doanh nghiệp cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này.

Ban IV đề nghị huy động giám sát toàn dân kết hợp chế tài nghiêm để đảm bảo mọi việc trong những giai đoạn khó khăn này không diễn biến bất cập như những ngày qua. 

Ban IV khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp nguồn lực công - tư nhằm chống dịch hiệu quả, bảo vệ nguồn lực chung của xã hội, bảo vệ các lợi thế đã và đang có để duy trì vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. 

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). 

TIN LIÊN QUAN