Năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động về kinh tế của một quốc gia, được tính bằng tổng giá trị GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. Vừa qua, tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" đã được tổ chức tại Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam là 2.400 USD, còn kém xa nhiều nước trong khu vực châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam gần nhất với Phillipines, kém xa các nước hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ bằng 1/3 so với Malaysia và đặc biệt là chỉ bằng 1/10 so với Singapore.
Gia công dệt may, da giầy là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năng suất lao động thực ra so với những năm trước đã tăng lên nhưng nghịch lý là sản lượng các ngành này làm ra rất lớn, người lao động thường xuyên phải tăng ca trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động vẫn thấp.
Để cải thiện tình trạng này không có cách nào khác là đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của người lao động để nâng cao năng suất lao động cả về chất và lượng. Đầu tư vào phân khúc sản phẩm cao hơn, không chỉ bán sức lao động mà bán cả các ý tưởng sáng tạo là cách làm mang lại hiệu quả rõ rệt ở công ty may.
Cùng với việc bán thiết kế, doanh nghiệp sẽ dẫn dắt được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho đối tác, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng phụ trợ cho sản xuất như dệt may, hóa chất, bao bì, in ấn…
Từ chỗ chỉ gia công đơn thuần, đến nay rất nhiều doanh nghiệp dệt may, da giầy túi xách đã bắt đầu chuyển sang thiết kế để tăng thêm lợi nhuận. Vẫn là thương hiệu của nước ngoài nhưng những chiếc túi này là sản phẩm thiết kế của người Việt.
Tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 26/5 đã nhận được nhiều ý kiến tham luận. Từ người lao động - người trực tiếp tham gia sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, tổ chức công đoàn…đã đưa ra ý tưởng về những giải pháp để nâng cao năng suất lao động.
Các chuyên gia tại diễn đàn đánh giá, sở dĩ năng suất lao động Việt Nam thấp là do phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế.
Hiện nay, 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước như ngành nông lâm thủy sản, ngành bán buôn bán lẻ… Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp, chỉ chiếm 10,28% trên tổng số lao động có việc làm.
Để tăng năng suất lao động, việc cần làm là dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn mà đang thiếu lao động.
Đến dự và chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "Con người là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động. Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động".
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ đang phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.