Ngành chăn nuôi phát triển ổn định
Thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó, phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường. Nhờ đó, nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến và giá thịt heo hơi ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm, giá thịt heo hơi có xu hướng tăng khá khiến tâm lý người chăn nuôi lạc quan hơn. Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi heo của người sản xuất (PPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, quý II năm 2024 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi Việt Nam được dự báo sẽ khả quan hơn và hướng tới phát triển bền vững, chú trọng năng suất, chất lượng sản phấm
Giá thịt heo hơi cả nước dao động trong khoảng 63.000-68.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương, ở mức giá này người chăn nuôi có lãi và yên tâm sản xuất. Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 1241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Với chăn nuôi gia cầm, nhìn chung đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt; dịch bệnh được kiểm soát tốt, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2024 tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.212,1 nghìn tấn, tăng 4,9% (quý II ước đạt 615,5 nghìn tấn, tăng 4,2%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1% (quý II ước đạt 5,0 tỷ quả, tăng 5,0%).
Theo đánh giá của Hội Chăn nuôi Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định. Năm 2024, giá heo hơi trong nước sẽ cao hơn giá bình quân của năm 2023 khoảng 12%. Với giá bình quân khoảng 62 ngàn đồng/kg heo hơi, người chăn nuôi đạt lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/con heo khi bán ra thị trường. Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do nguồn cung sụt giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng lên. Theo đó, dự báo, nhập khẩu heo sẽ tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Trần Ngọc Yến, Công ty Agromonitor trong báo cáo “Triển vọng ngành chăn nuôi Việt Nam 2024” đưa ra một số thông tin như sau: Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp khiến tổng đàn heo nái sụt giảm 11%, trong đó các công ty giảm khoảng 5-7%, heo dân giảm 12-15%. Tổng hoà của việc đàn nái giảm, heo bán chạy dịch từ biểu nhỏ, hao hụt từ heo con tới xuất chuồng cao hơn khiến sản lượng thịt heo xuất bán của Việt Nam giảm trên dưới 20%, đẩy giá heo hơi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Các trại vốn bị dịch tả trước đó tranh thủ lúc giá heo nái loại cao thì đẩy bán hết heo và bắt đầu vào lại từ giữa/cuối quý II/2024. Giá heo hơi cao mang lại lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi nhưng do ảnh hưởng của Dịch tả heo châu Phi (ASF) nên nhiều trại bỏ nuôi nái, chuyển sang nuôi heo gột để giảm rủi ro.
Đà tăng trưởng ổn định thể hiện ngành chăn nuôi vẫn có tiềm năng phát triển khá rộng và phản ánh những chuyển biến từ trong cơ cấu thị trường sau các chính sách hướng tới hỗ trợ phát triển quy mô doanh nghiệp thay vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm qua, số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm 15-20%. Tỉ trọng sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, trang trại chiếm 60-65%. Đây là hệ quả tất yếu khi ngành chăn nuôi phải thay đổi, thích nghi sau nhiều biến cố kể từ dịch COVID-19. Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết khép kín là giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn đi qua cũng làm lộ rõ những khó khăn mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt, khi các doanh nghiệp ngoại vẫn đang dẫn đầu đường đua và ngày càng có ưu thế hơn. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, nước ta có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tỉ lệ 32% nhưng lại nắm giữ 65% thị phần.
Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp nước ngoài thường có chiến lược kinh doanh bài bản và áp dụng chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín, giúp tối ưu hóa hiệu quả. Ngoài ra, một yếu tố khác khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước kém cạnh tranh là sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn khiến các doanh nghiệp nội địa khó có thể cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp nước ngoài có chuỗi cung ứng ổn định và chi phí thấp hơn.
Cơ hội và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu, cần tập trung vào việc cải thiện tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi, giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch bệnh và giết mổ, đồng thời đẩy mạnh áp dụng an toàn sinh học và mở rộng thị trường xuất khẩu. Những nỗ lực này sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), để hướng đến xuất khẩu, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu cấp thiết. Việc này bao gồm việc đảm bảo an toàn sinh học ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, từ vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản đến phân phối. Cần mở rộng nghiên cứu và phát triển thêm các thị trường ngách để gia tăng cơ hội xuất khẩu cho ngành chăn nuôi.
Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Quốc Đạt, thông tin, Việt Nam gần như đứng đầu Đông Nam Á về chăn nuôi heo, chăn nuôi thủy cầm. Với hơn 100 triệu dân và đông đảo khách du lịch đến Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt ở thị trường trong nước còn rất lớn. Vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần vào sự ổn định của thị trường tiêu thụ.
Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng đầu tiên là phải có quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi. Ngành chăn nuôi cũng cần tổ chức lại khâu sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và có sự liên kết với các hộ chăn nuôi. Một tín hiệu đáng mừng về con giống là Việt Nam đã nhập về những bộ giống tốt nhất trên thế giới. Chăn nuôi trong nước cũng đã ứng dụng những công nghệ hiện đại trong các khâu, từ đầu tư trang trại đến quy trình chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn trải qua quá nhiều khâu trung gian. Vì thế, phải quản lý được hệ thống giết mổ, chế biến, rút ngắn các khâu trung gian. Như vậy sẽ tăng lợi nhuận cho ngành chăn nuôi. Nếu ứng dụng đồng bộ về công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, tăng nội địa hóa trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam sẽ từng bước tăng được năng suất tiệm cận với các nước hiện đại. Các nước ở châu Á tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất lớn. Khi an toàn dịch bệnh được đảm bảo, giá thành chăn nuôi cạnh tranh, đầu tư chế biến sâu thì Việt Nam sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu để chăn nuôi phát triển bền vững hơn.
Dịch bệnh vẫn là thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi, đặc biệt là Dịch tả heo châu Phi. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 10/7/2024, cả nước đã xảy ra 645 ổ dịch tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 41.742 con heo, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. ASF xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp và nặng nề nhất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, tiếp đến là các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An.
Cùng với đó, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục tăng trong quý II/2024. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý II/2024, Việt Nam nhập khẩu 202,27 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 393,85 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 14% về trị giá so với quý I/2024; So với quý II/2023 tăng 22,5% về lượng và tăng 20,5% về trị giá. Trong quý II/2024, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trừ Ấn Độ, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ các thị trường còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 35,7 nghìn tấn, trị giá 121,39 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 39,1% về trị giá so với quý II/2023.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhận xét, Đồng Nai đang đẩy mạnh hoạt động kiểm tra về môi trường, di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khiến nhiều trang trại phải tạm ngừng hoặc ngưng chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng đến tổng đàn, khiến nguồn cung thịt giảm. Theo đó, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá heo hơi tăng lên.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn là giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao do phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam có đường biên giới quá dài, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi từ các nước vẫn khó kiểm soát, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong ngành chăn nuôi lớn. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển, việc cần làm ngay là xây dựng hàng rào thương mại, đặc biệt là tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu, nhất là thịt không rõ nguồn gốc, kém chất chất lượng với giá rất rẻ.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam, để ứng phó với tình trạng chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, các doanh nghiệp cần thực hiện một số biện pháp quan trọng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm nguồn cung mới và thay đổi công thức cám để sử dụng các sản phẩm thay thế khi giá nguyên liệu tăng. Ví dụ, có thể sử dụng lúa mì hoặc sắn lát thay thế ngô. Việc này giúp giảm sự phụ thuộc vào một loại nguyên liệu duy nhất và linh hoạt hơn trong sản xuất.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào các nhà máy ép dầu để chủ động chuỗi cung ứng khô đậu tương, một nguyên liệu có giá trị cao và khó thay thế. Việt Nam có thể nhập khẩu đậu tương hạt để ép dầu, tạo ra các sản phẩm như khô đậu cho thức ăn chăn nuôi, dầu đậu phục vụ cho thực phẩm và vỏ đậu tương cho sản xuất thức ăn cho bò sữa. Điều này không chỉ giúp ổn định nguồn cung mà còn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong nước.
Thứ ba, để giảm thiểu rủi ro chi phí nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging) trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việc áp dụng các công cụ tài chính này giúp doanh nghiệp ổn định chi phí đầu vào trước những biến động trên thị trường quốc tế.