Bắc Giang tăng cường đảm bảo đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

(CL&CS) - Tại Bắc Giang, công tác đảm bảo đo lường cho hàng đóng gói sẵn đang được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đo lường đang vượt ra khỏi vai trò thuần túy là công cụ kỹ thuật để trở thành một cấu phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý về đo lường được xây dựng bài bản thông qua Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Nghị định 105/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ cùng các thông tư hướng dẫn thi hành. Dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, mạng lưới đo lường trải dài từ Trung ương đến địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia.

Kiểm định phương tiên đo tại một doanh nghiệp. Ảnh: Báo Bắc Giang

Tại Bắc Giang, công tác đo lường đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ với những hoạt động cụ thể. Nhiều năm nay, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ  Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chỉ định thực hiện kiểm định đối với hàng loạt phương tiện đo như taximet, cân phân tích, cân kỹ thuật, cân bàn, cân đĩa, quả cân các loại, phương tiện đo dung tích, đồng hồ đo nước lạnh, công tơ điện… và hiệu chuẩn đo lường đối với quả cân từ 1-20 kg. Trong năm 2024 và quý I năm 2025, Trung tâm đã kiểm định gần 15.000 phương tiện đo, với tỷ lệ đạt yêu cầu khoảng 96%, đồng thời hiệu chuẩn hơn 5.000 quả cân tất cả đều đạt yêu cầu kỹ thuật.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bắc Giang, hiện nay địa phương đang đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 409/KH-UBND nhằm hiện thực hóa Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bắc Giang cho rằng, đảm bảo độ chính xác của phép đo không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật mà còn tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bảo vệ người tiêu dùng và góp phần xây dựng niềm tin thị trường.

Toàn cảnh hội thảo.

Thời gian qua, Chi cục đã phối hợp hỗ trợ 8 doanh nghiệp trên địa bàn gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường. Nhiều hoạt động đào tạo đã được tổ chức như cập nhật văn bản pháp luật, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý theo TCVN ISO/IEC 17025:2017, đảm bảo đo lường trong kinh doanh xăng dầu, ước lượng độ không đảm bảo đo, xác nhận giá trị sử dụng phương pháp thử, kiểm tra cân định lượng và lượng hàng đóng gói sẵn...

Theo các chuyên gia, những hỗ trợ này đã bước đầu làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và giá trị của đo lường. Không còn coi đó là yếu tố phụ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến quy trình, đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật nhằm bảo đảm tính chính xác trong từng khâu sản xuất và phân phối.

Trong bối cảnh chất lượng sản phẩm ngày càng được coi trọng, đảm bảo đo lường chính xác không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật, mà còn là lợi thế cạnh tranh quan trọng. Bắc Giang đang cho thấy nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp – bằng cách làm bài bản, thực chất và có tính thích ứng cao với bối cảnh mới của thị trường.

TIN LIÊN QUAN