Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều lĩnh vực quản lý của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã đạt được kết quả khả quan.
Thầy Then thực hành nghi lễ. Ảnh: Hồ sơ đệ trình UNESCO
Theo số liệu của Bộ VHTT&DL, đến nay đã có 12 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Các mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian được xây dựng nhằm duy trì, phát triển các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống và phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngành VHTT&DL chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương khảo sát và mở hàng trăm lớp truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số. Các lớp học này do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ngành VHTT&DL cũng tổ chức nhiều khoá tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó là nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, dịch vụ thư viện cho trẻ em và phát triển văn hóa đọc, đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học để đưa di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số vào danh mục di sản quốc gia…
Cho đến nay, đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được UNESCO ghi danh là: Thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Đối với hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, Cục Di sản văn hóa cũng đang trong quá trình phối hợp, hương dẫn các địa phương có di sản hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mo Mường đang được lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2023, đã có 121 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại 29 tỉnh/thành phố được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di sản văn hóa đã được xây dựng Đề án, Dự án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị trong Danh sách của UNESCO cũng như Danh mục quốc gia.