10 doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho lớn nhất năm 2016

(NTD) - Năm 2016, tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp này đã tăng 15%, ở mức hơn 105.000 tỷ đồng. Hai tập đoàn BĐS lớn đều có tên trong danh sách Top 10 DN này.

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến ngày 9/2/2017, đã có 52/55 doanh nghiệp bất động sản công bố báo cáo tài chính quý 4/2016. Trong đó, 46 doanh nghiệp báo lãi (25 doanh nghiệp lãi tăng trưởng so với năm 2015 và 19 doanh nghiệp giảm lãi) và 6 doanh nghiệp báo lỗ.

Vingroup vẫn đứng đầu các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có doanh thu lớn nhất với hơn 58.500 tỷ đồng trong năm 2016. Ảnh: Khánh Chi.

Theo đó, tổng lợi nhuận toàn ngành đạt gần 8.555 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với năm 2015. Đáng chú ý là đã có sự thay đổi lớn về vị trí quán quân lợi nhuận ngành trong năm vừa qua.

Trong đó, sau khi lên sàn vào những ngày cuối năm 2016, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) công bố kết quả lãi ròng cả năm 2016 gần 1.662 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 và trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có lợi nhuận 2016 lớn nhất.

Nếu xét về doanh thu, Vingroup vẫn đứng đầu Top các doanh nghiệp bất động sản niêm yết với giá trị hơn 58.500 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gần 72%. Vingroup cho biết doanh thu tăng ở tất cả các thương hiệu, từ Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinpearlland, Vinschool, Vinmec, VinMart, Vinmart+ đến VinPro.

Lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 3.505 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng của công ty mẹ ghi nhận gần 1.554 tỷ đồng, tăng 28%.

Trong năm qua, Tập đoàn FLC đạt tổng doanh thu 6.348 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015 và tương đương 91% kế hoạch năm; lãi trước thuế ghi nhận 1.293 tỷ đồng, tăng trưởng 9% và vượt 8% chỉ tiêu đề ra; lãi ròng đạt hơn 987 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Bên cạnh các con số báo lãi tăng mạnh thì lượng hạng tồn kho của nhiều “ông lớn” bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tăng cao không kém. Tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp này đã tăng 15% trong năm 2016, ở mức hơn 105.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vingroup dẫn đầu với hơn 32.133 tỷ đồng, tiếp theo là Tập đoàn Novaland với hơn 15.636 tỷ đồng hàng tồn kho. Trong khi vào cuối năm 2015 thì hàng tồn kho của Novaland chỉ hơn 7.158 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup có con số tồn kho là hơn 32 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 của Vingroup, trong số đó bất động sản đang xây dựng chiếm tới 28,7 nghìn tỷ đồng mà phần lớn BĐS này được người mua ứng tiền trước (BĐS đã bán, hoàn toàn không phải BĐS tồn kho chưa bán được).

Xếp sau Novaland là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) với lượng hàng tồn kho lên đến 8.243 tỷ đồng. CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đứng thứ 4 với số lượng tồn kho là 7.316 tỷ đồng; CTCP Phát Triển Hạ tầng Kỹ thuật - Becamex IJC có giá trị hàng tồn kho đạt 5.020 tỷ đồng. Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Hà Đô có mức tăng trưởng hàng tồn kho nhiều nhất. Từ chỗ chỉ có 985 tỷ đồng hàng tồn kho cuối năm 2015 nhưng đến cuối năm 2016, lượng hàng tồn kho của công ty này đã tăng “chóng mặt” lên 2.442 tỷ đồng, tăng 248%.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên thì trong 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn nhất cả nước còn có CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với 3.606 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền 4.672 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Nam Long 3.698 tỷ đồng, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) 2.855 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) 1.619 tỷ đồng.

Khánh Chi

Nên đọc