Ngành cá tra lại “ngồi trên lửa” khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại
(CL&CS) - Ngành hàng cá tra phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu nên cơ hội hồi phục phải chờ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của các nước. Thế nên, khi dịch bệnh “vẫn chưa thể nói trước”, thì tình hình sản xuất kinh doanh của ngành hàng cá tra vẫn là một bức tranh u ám…
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), tình trạng xuất khẩu ngành hàng cá tra 6 tháng đầu năm vẫn gặp khó. Giá xuất khẩu cá tra sụt giảm tại hầu hết các thị trường mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, với mức giá trị giảm sâu nhất trong nhóm ngành thủy sản, ở mức giảm 31% so cùng kỳ.
Doanh nghiệp “bốc hơi” cả doanh thu và lợi nhuận
Mới nhất, CTCP Tập đoàn PAN đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận mảng cá tra xuất khẩu tiếp tục đi xuống do giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thời vụ do tác động của Covid-19, về dài hạn, mảng cá tra của PAN có nhiều triển vọng nhờ năng lực sản xuất tối ưu với những sản phẩm giá trị gia tăng đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Câu chuyện về khó khăn trong xuất khẩu với các doanh nghiệp ngành cá tra liên tục được đề cập trong những ngày gân đây, khi phần lớn các báo cáo tài chính được công bố. Chẳng hạn, tại CTCP Nam Việt (Navico), trong quý 2/2020, doanh nghiệp này chỉ lãi 32 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ - đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua của Navico. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Navico đạt 1.695 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 75,5 tỷ đồng lần lượt giảm 14% và 78,6% so với nửa đầu năm 2019.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (IDI) cũng cho hay, trong quý 2, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.471,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 26,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 60,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, IDI ghi nhận doanh thu 2.934,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,2% và 82,1% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, dẫn đến diện tích nuôi mới, thu hoạch và sản lượng đều giảm so cùng kỳ 2019. Chưa kể, giá cá tra thương phẩm ở mức dưới giá thành kéo dài, người nuôi lỗ nặng, buộc phải “treo ao” hoặc cho ăn cầm chừng. Còn doanh nghiệp thì khó khăn về vốn, nợ xấu, lượng hàng tồn kho tăng…
“Bây giờ dịch Covid-19 lại bùng phát lần 2 không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc thì câu chuyện khó khăn của ngành cá tra trong năm 2020 sẽ tiếp tục kéo dài và chưa thể dự đoán được”, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.
Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho hay, ngành thủy sản năm 2020 chịu tác động kép bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn làm thiếu hụt nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long khiến tình hình nuôi bị động, không duy trì được sản lượng, thời gian nuôi. Mặt khác, về giá cả, sau khi lập đỉnh năm 2018, cá tra rớt giá kéo dài suốt cả năm 2019 cho đến nay khiến doanh nghiệp và người nuôi đều lao đao.
“Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đơn hàng xuất khẩu của công ty phải dừng, lùi thời gian, không liên lạc được với đối tác bởi việc hạn chế, cấm cảng ở một số nước châu Âu hay Nam Mỹ… Hàng hóa bị ùn ứ nhiều ở cảng, ảnh hưởng đến thanh toán, ách tắc dòng vốn của doanh nghiệp. Bây giờ, dịch bệnh lại bùng phát trở lại thì chắc chắn thời gian tới khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng cá tra của công ty sẽ tăng lên”, ông Võ Đông Đức lo lắng.
Nông dân cũng lao đao
Theo ghi nhận, hiện giá cá tra tại các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long dao động khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 21.500 - 22.000 đồng/kg; mỗi kg cá bán đi người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg, nên người nông dân phải nuôi cầm chừng, thậm chí phải đi bán lẻ ở chợ để “gỡ gạt” vì nếu cứ để nuôi thì càng nuôi càng lỗ.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ P. Thới Thuận, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) buồn rầu: "Từ đầu năm đến nay, giá cá tra sụt giảm thảm hại, vừa qua tui phải phải bấm bụng bán gần 20 tấn cá với giá 18.500 đồng/kg, lỗ gần 100 triệu đồng. Hiện tại giá đầu ra chưa biết thế nào, rồi dịch nữa nên thôi cứ treo ao đã, chờ tình hình ổn ổn rồi mới dám thả nuôi tiếp".
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), liên tục nhiều tháng nay, cá dưới ao càng lớn thì nông dân lại càng lo lắng. Bởi giá thành đã hơn 22.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg, lại vắng người mua.
“Với cá trong ao, giờ thì phải 2 - 3 ngày mới cho ăn 1 lần, thay vì đều đặn như trước. Đó là cách mà những hộ nuôi cá tra tự cứu mình. Còn ở doanh nghiệp, khi đầu ra bế tắc do Covid-19, họ cũng tự xoay bằng cách khai thác thị trường nội địa, nhất là phía Bắc. Tuy nhiên, thị trường gần 100 triệu dân cần có thời gian để chinh phục và cũng chỉ có thể giải quyết khoảng 10 - 15% tổng sản lượng cá tra. Thế nên, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang chờ cứu. Đó là những chính sách thông thoáng hơn về vốn, để họ có thể thu mua tạm trữ cá tra ngay trong thời điểm này”, đại diện VASEP thông tin.
Ông Dương Nghĩa Quốc cho biết, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2. Nếu giải pháp tự cứu và chờ cứu không còn khả thi, thì ngành hàng tỷ USD sẽ khó càng thêm khó trong năm 2020 này.
Còn theo ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông thì cho rằng, cá tra đang rơi vào chu kỳ khủng hoảng thừa nên rất khó tìm ra giải pháp trong ngắn hạn. "Chúng ta sản xuất nhiều lên trong khi tiêu thụ bị ách lại vì dịch Covid-19. Bây giờ chỉ biết chờ dịch bệnh được kiểm soát và lượng hàng tồn kho giảm thì mới hy vọng giá lên”, ông Ngô Quang Trường cho hay.
Bá Lâm
Bình luận
Nổi bật
Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động
sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09
Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.
Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải
sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57
Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.
Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời
sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00
(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.