Xuân Trường lấy tiền đâu làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, ông chủ là Nguyễn Văn Trường, đang muốn xin Hà Nội làm dự án tâm linh có vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. Đề xuất táo bạo này không chỉ khiến người dân Hà Nội phập phồng mà còn làm cả nước nghi ngại. Bên cạnh không ít tai tiếng liên quan đến tính hiệu quả dự án, đề xuất của ông Trường còn làm dấy lên nghi vấn lớn: ông dùng tiền túi hay lại mang tiền thuế của dân ra làm dự án?

 

Thêm một dự án kiếm tiền nhờ vào Thần Phật

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã lâu. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc này. Dự án có quy mô khoảng 1.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trọng tâm của dự án là một tháp mang tầm cỡ quốc tế, cao 100m để thờ Xá Phật Lợi. Xuân Trường cũng muốn nạo vét các dòng chảy để  tạo đường thủy khoảng 20 km. Để phục vụ mục tiêu kinh doanh, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch xây hàng loạt nhà hàng, khách sạn và hệ thống dịch vụ kèm theo để thu tiền.

CVXT2
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, ông chủ là Nguyễn Văn Trường, đang muốn xin Hà Nội làm dự án tâm linh có vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp này hứa, nếu được triển khai, Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa và đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Cùng với Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), ông sẽ xây dựng hồ sơ để đưa khu du lịch Hương Sơn trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2028.

Dù hướng đến chuyện tâm linh và công trình văn hóa là mục tiêu chính, nhưng đi kèm với các hạng mục thờ cúng, Xuân Trường cũng xây kèm hàng loạt nhà hàng, khách sạn để kinh doanh. Như vậy, đây là dự án kinh doanh kiếm lời, chuyện tâm linh chỉ là cái cớ. Bởi vậy mới có chuyện, dù là xây chùa xây tháp, nhưng Xuân Trường xây trạm bịt kín hai hướng vào dự án để thu tiền. Hiện tại, doanh nghiệp này đã xây hai chốt chặn ở hai đầu dự án Tam Chúc và khu vực động Am Tiên (thuộc dự án Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính, Ninh Bình) để thu tiền. Đồng thời, người dân địa phương muốn viếng chùa cũng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân, rất phản cảm.

Dự án chục nghìn tỷ đồng nào cũng dở dang

Ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông Trường từng đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Dù có tên tuổi lớn nhưng ông rất kín tiếng. Hình ảnh ông mỗi khi xuất hiện đều gắn liền với việc ăn chay và xây dựng công trình để lại cho đời.

Năm 2004, ông Trường khởi công xây dựng Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700 ha với 20 hạng mục. Số vốn đầu tư không được công bố. Đến giữa năm 2008, khi khánh thành giai đoạn 1, dự án xác nhận nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam như rộng nhất, có chuông đồng lớn nhất, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có số cây bồ đề nhiều nhất… Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong.

TamChuc 2

Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao mới hoàn thành những hạng mục thuộc vốn nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.

Trong khi đang xây dự án trên, năm 2006, ông Trường tiếp tục xin xây siêu dự án khác là Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao tại Hà Nam. Cũng lại là một dự án về văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí trên diện tích hơn 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng (đường, cống thoát nước, trồng cây…), các công trình thờ cúng đang hoàn thiện. Đó là những hạng mục thuộc vốn nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.

Giữa năm 2015, ông Trường lại xin tỉnh Thái Nguyên xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của dự án là có Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150 m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000 m2. Được khởi công từ đầu năm 2016, Xuân Trường đã dùng gần 2.000 tỷ đồng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng. Do thiếu vốn, dự án được dời sang năm 2020 mới triển khai tiếp.

Với “chiêu bài” cũ, vừa lấy được dự án Hồ Núi Cốc, khi chưa làm được đến đâu thì ông Trường lập tức xin tiếp dự án khác. Cuối năm 2015, ông chủ Xuân Trường lại tiếp tục có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng cho phép đầu tư dự án Khu du lịch đảo Cái Tráp. Trên tổng diện tích đất hơn 450 ha của đảo Cái Tráp, doanh nghiệp Xuân Trường dự kiến đầu tư 9.800 tỷ đồng, phát triển đảo Cái Tráp thành quần thể du lịch tổng hợp. Ngoài tượng phật cao 150 m, ông Trường dự tính xây thêm nhiều khách sạn 5 sao, thậm chí có cả casino. Dù vậy, dự án này đến nay vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Ông Trường lấy tiền đâu làm dự án khủng?

Không ít người đặt dấu hỏi về khả năng thực hiện dự án của ông Trường. Bởi lẽ ngoài các dự án dở dang, ông Trường từng được nhắc đến là “ông vua đội vốn” là cũng dính nghi án nợ thuế.

Tháng 9/2018, Cục thuế Thanh Hóa công bố danh sách những doanh nghiệp nợ thuế từ tháng 2/2018. Trong đó, doanh nghiệp Xuân Trường của ông Trường nợ hơn 230 triệu đồng tiền thuế. Sau khi ông Trường phản đối, Cục Thuế Thanh Hóa sau đó đã xóa tên Công ty Xuân Trường khỏi danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Không chỉ vậy, hồi tháng 4/2018, tỉnh Ninh Bình quê hương ông cũng thông báo doanh nghiệp Xuân Trường nợ gần 1 tỷ đồng tiền thuế. Tất nhiên ông Trường cũng phủ nhận điều này.

Tai tiếng khác của ông Trường là kỷ lục đội vốn dự án. Năm 2014, doanh nghiệp Xuân Trường trúng thầu dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê do UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng. Qua 4 lần điều chỉnh, đến năm 2010, tổng mức đầu tư của dự án này đã được điều chỉnh tăng lên gần 2.600 tỷ đồng (gấp 36 lần số vốn ban đầu). Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu, giá trị thanh toán thực tế của Xuân Trường chỉ đạt 3 tỷ đồng!

Xuân Trường vẫn chưa nói rõ dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) sẽ được đầu tư dưới hình thức nào. Tuy nhiên, nếu nhìn lại dự án Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng dễ thấy, nguồn vốn rất có thể là do ngân sách nhà nước rót xuống.

Duan Ho Nui Coc

Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Hiện Xuân Trường mới bồi thường giải phóng mặt bằng cho 20 ha trong tổng diện tích 2.500 ha. 

 

Với đam mê “nhiều cái nhất”, ông Trường dự tính bỏ ra 15.000 tỷ đồng để làm dự án Hồ Núi Cốc. Điểm nhấn của dự án là Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150 m. Thực tế, tháng 10/2017, tỉnh Thái Nguyên đã đưa 3 công trình ra khỏi danh mục đầu tư để thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT. Quy mô còn lại khoảng 10.000 tỷ đồng được giảm xuống còn khoảng hơn 6.800 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương. Như vậy, dự án này chủ yếu là dùng tiền ngân sách nhà nước. Mặt khác, khởi công từ năm 2016, Xuân Trường đã lấy gần 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng.

Như vậy, phải chăng ông Trường muốn tiếp tục xin vốn nhà nước – mà thực ra là từ tiền thuế của hơn 95 triệu dân Việt Nam, để làm dự án kinh doanh riêng và thỏa đam mê xây dựng các công trình tâm linh lập kỷ lục nhiều cái nhất ở Việt Nam?

Nếu thực sự là dùng tiền ngân sách nhà nước, rất mong các cơ quan có thẩm quyền cao nhất hãy cân nhắc kĩ trước khi quyết định rót vốn, đồng thời xem lại quyết định cấp phép đã thông qua trước đây. Vì số tiền 15.000 tỷ đồng không phải con số nhỏ.  Con số đó tương đương với nỗ lực của cả ngành Hải quan thu thuế của hơn 3.200 doanh nghiệp qua hệ thống điện tử trong năm 2018.

Hoàng Yến 

Bình luận

Nổi bật

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử, mục tiêu 2024 tăng 22% và chia cổ tức 18%

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử, mục tiêu 2024 tăng 22% và chia cổ tức 18%

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 16:32

(CL&CS) - Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.

Chiêm ngưỡng pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024

Chiêm ngưỡng pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 15:47

(CL&CS) - Chào đón mùa Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 mới với những màn pháo hoa mãn nhãn bên sông Hàn, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đặc biệt dành tặng 100 cặp vé xem DIFF 2024 cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bứt phá cơ hội kinh doanh tại “đảo thượng lưu” Vinhomes Royal Island

Bứt phá cơ hội kinh doanh tại “đảo thượng lưu” Vinhomes Royal Island

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 15:16

(CL&CS) - Giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào Vinhomes Royal Island - đại đô thị đẳng cấp bậc nhất khu vực giữa trung tâm thành phố cảng Hải Phòng sôi động, nơi sở hữu phố đi bộ bờ sông dài và đẹp nhất Việt Nam cùng các tổ hợp thương mại dịch vụ sầm uất, hứa hẹn mang đến tiềm năng kinh doanh bứt phá.