Dữ liệu cũ
Thứ hai, 06/04/2015, 11:00 AM

“Xóm đường tàu”: Chơi giỡn với tử thần

(NTD) - "Xóm đường tàu" là cái tên mà nhiều người gọi những hộ dân cư sinh sống sát hai bên đường tàu tại phố Khâm Thiên, phố Điện Biên Phủ bởi lẽ đường ray tàu là nơi họ sinh hoạt, kinh doanh, thậm chí chơi đùa, hóng mát.

Nguy hiểm luôn rình rập

Có  lẽ ai cũng sẽ “nổi da gà” với cảnh tượng tàu hỏa chui ra từ con ngõ chật chội rộng chỉ vài mét. Đoạn đường sắt lạ lùng này thuộc khu phố Khâm thiên đoạn giao cắt với Lê Duẩn, có chiều dài gần 1km. Không gian và diện tích chật hẹp đã khiến mọi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của người dân từ chuyện nấu nướng, giặt giũ đến làm ăn đều diễn ra  cạnh hoặc ngay trên đường ray.  Những nguy hiểm, tai nạn vẫn luôn tiềm tàng và có thể đến với họ bất cứ lúc nào.

ảnh 1

Hàng trăm hộ dân sinh sống sát hai bên đường ray tàu suốt hàng chục năm 

 Cô Hương, một người dân sống ở ngõ này cho hay: “Ngày trước ở đây có xảy ra tai nạn vì bị tàu chẹt, rồi buôn lậu, trốn  vé sẵn sàng nhảy từ trên tàu xuống dưới này, cực kỳ nguy hiểm. Bây giờ thì đỡ hơn nhưng ở đây thì vẫn cứ lo sợ, nhất là với tụi trẻ con.”

Theo Luật đường sắt, phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được xác định mỗi bên là 15m tính từ mép ray ngoài cùng đối với những đoạn đường bằng phẳng trong khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề); đối với những đoạn đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào thì khoảng cách mỗi bên là 2m.. Thế nhưng ở đây, cửa nhà chỉ cách đường ray tàu tầm 1,5m, thậm chí 1m. Và không gian ấy đáng lẽ phải được dùng để làm hành lang an toàn thì lại trở thành nơi người dân nấu nướng, rửa chén bát, nói chuyện hóng gió.

ảnh 3

Người dân tận  dụng hai bên đường ray để làm nơi sinh hoạt

Cô Hương cũng phản ánh thêm:  “Sống ở đây bất tiện đủ bề. Ngày nào tàu cũng chạy hàng chục chuyến, mà chủ yếu lại là tàu đêm, nửa đêm tiếng ầm ầm của động cơ rồi đến tiếng rít của còi làm lũ trẻ không sao ngủ được. Trẻ con mới sinh toàn phải gửi ở nhà người quen nơi khác, chừng nào cứng cáp rồi mới cho về đây sống.”

Lâu dần, người ta quen với hình ảnh dân trong xóm đường tàu mang bếp núc ra giữa đường ray nấu nướng, hoặc dùng đường ray tàu làm ghế ngồi tán chuyện, thậm chí một số người làm nghề ve chai sống trong xóm còn mang cả bì phế liệu ra giữa đường tàu để phân loại. Trẻ em chơi đùa trên ray tàu cũng trở thành “chuyện thường ở huyện”.

ảnh 1
Trẻ em vô tư vui chơi ngay trên đường ray tàu

 Đó là bởi người dân ở đây đã biết rõ thời gian những đoàn tàu chạy qua, nên họ sinh hoạt và buôn bán rất thoải mái ngay trên đường ray. Mỗi khi tàu chuẩn bị chạy qua, người dân lại hối hả dọn dẹp hàng quán và vật dụng gia đình khỏi đường ray và mọi việc trở lại bình thường sau đó.

Bác Hà, một người dân đã sống ở đây hàng chục năm cho biết: “ Trong nhà chật hẹp nóng nực như thế nên mọi người đành mang ra đường tàu để làm thôi. Bao nhiêu năm  rồi nên phản xạ nhanh lắm.”

Sống lâu trong cái khổ nên quen rồi

Hầu hết những gia đình ở “xóm đường tàu” có người làm trong ngành đường sắt, được cấp nhà và sinh sống qua nhiều thế hệ. Họ đều là những người đã sống ở đây hàng chục năm, thế nên đôi khi, tiếng hú còi giữa đêm hay cảnh tán loạn chạy dạt sang hai bên mỗi khi tàu đến lại trở thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên đối với họ.

Bác Tám sống ở xóm tàu Khâm Thiên từ những năm của thập niên 70 kể: “Đường tàu chạy qua khu dân cư này đã rất lâu rồi,  đây là đường sắt do người Pháp xây dựng.  Bác ở đây chứng kiến nhiều người nước ngoài đến quay phim chụp ảnh, họ có vẻ rất ngỡ ngàng , thậm chí thích thú với cảnh quan ở đây. Còn về cuộc sống, có lẽ vì sống ở đây quá lâu rồi nên bản thân bác không cảm thấy phiền hà gì, mặc dù bây giờ không còn xảy ra tai nạn chết người nữa, nhưng vẫn có những tai nạn đáng tiếc do ý thức của người dân. Cách đây mấy tháng, có hộ dựng xe máy quá gần đường ray, bị tàu quệt và kéo đi dẫn đến hàng chục chiếc xe khác cùng đổ. ”

ảnh 2
Khoảng cách rất gần giữa đầu máy xe lửa và nhà dân hai bên đường ray.

Một số hộ  dân có điều kiện mua đất nơi khác ở thì tu sửa nhà xóm này cho thuê. Vì giá thuê phòng ở đây khá rẻ so với mặt bằng chung nên có nhiều người, từ sinh viên, người lượm ve chai cho đến những lao động ngoại tỉnh đều đến đây làm ăn, sinh sống, khiến “xóm đường tàu” mỗi lúc một đông đúc.  

Tuy nhiên, dự án di dời đoạn đường tàu từ năm 2000 cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Dân ở "xóm đường tàu" này cũng mong mỏi Nhà nước có giải pháp  hợp lý để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân cư khu vực này.

Tin tức mới nhất về xã hội mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Thùy Dương

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.