Thứ tư, 12/12/2018, 14:33 PM

Xem tranh của các họa sĩ Hà Nội - Sài Gòn

(NTD) - Sáng 12/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc triển lãm tranh “Tứ diện cũ” của 4 họa sĩ Hà Nội. Trước đó một ngày (11/12) cũng tại đây đã diễn ra triển lãm “Hẻm & những miền ký ức” của 5 họa sĩ Sài Gòn.

Mot goc phong tranh
Một góc triển lãm.

“Tứ diện cũ” có nghĩa là 4 khuôn mặt… đã cũ! Trong 4 người này, trẻ nhất là Phạm Tô Chiêm (sinh năm 1965) còn lại là thế hệ 5X gồm Phạm Xuân Dung, Ngô Thành Nhân và Bùi Việt Dũng. Tuy “già” nhưng họ vẫn lao động, sáng tạo theo cách riêng của mỗi người, đều đặn cho ra những tác phẩm nghệ thuật để “không bị lạc hậu với cuộc sống hiện đại”.

nhóm HS Hà Nội
Nhóm HS Hà Nội: Bùi Việt Dũng, Phạm Xuân Dung, Ngô Thành Nhân và Phạm Tô Chiêm.

4 người xuất thân khác nhau, có gia cảnh cuộc sống khác nhau nhưng vì “duyên nghề” mà trở thành thân thiết. Từ Hà Nội, họ rủ nhau đem hơn 70 tác phẩm của mình vào phương Nam, bày ra chơi với bạn bè đồng hương cũng như với giới thưởng lãm Sài Gòn.

Ngô Thành Nhân vẫn cuồng nhiệt với chất liệu sơn mài như trước đây, những đề tài của ông tưởng chừng như không mới nhưng đã được tiếp cận với con mắt từng trải hơn. Tranh sơn mài của ông luôn toát lên vẻ nồng ấm (chiều Hạ Long, Hạ Long, Đường cày, Phơi cá…), còn những bức Acrylic (Phơi lưới, Đầm Chuồn – Phá Tam Giang…) thì lung linh huyền ảo…

Chieu Ha Long NTN
Chiều Hạ Long - sơn mài của Ngô Thành Nhân. 

Nữ họa sĩ Phạm Xuân Dung luôn nhìn cuộc sống bằng nhãn quan của một kẻ yêu đời và chị đã thăng hoa cùng các tác phẩm của mình qua chất liệu Acrylic tươi tắn, hồn nhiên (Cọ, Cuộc sống, Mùa hoàng yến, Mảnh vỡ, Nắng thủy tinh…).

Pham Xuan Dung
Nữ họa sĩ Phạm Xuân Dung bên tác phẩm.

Bùi Việt Dũng mơ mộng với giấy dó, những tác phẩm của ông có một chút ngẫu hứng phương Đông và duy lý của phương Tây. Có cảm tưởng như Bùi Việt Dũng “làm thơ” trên giấy dó, ở đó có chút luyến láy bằng sắc màu đậm nhạt, tương phản… (Tắm, Bình minh, Thu sang, Vượt thác, Đồng hoa…).

Thu sang BVD
Tác phẩm "Thu sang" của Bùi Việt Dũng.

Phạm Tô Chiêm thì dùng sơn dầu làm chất liệu để ưu tư về thân phận con người, sự cô đơn và cả những hoài niệm. Phạm Tô Chiêm thường đưa yếu tố âm nhạc vào tranh nên đứng trước tranh của ông, có cảm giác như nắm bắt được cả những giai điệu… (Điệu đàn cô độc, Nỗi niềm thương nhớ, Vũ điệu, Gió bên song, Ảo ảnh xanh…).

Dieu dan co doc
Tác phẩm "Điệu đàn cô độc" của Phạm Tô Chiêm.

Với nhóm 4 người, những tác phẩm đang triển lãm đều là những cảm xúc chân thành, hết sức mới mẻ đã được họ nâng niu, chọn lọc để gửi tặng những người yêu cái đẹp.

Phạm Tô Chiêm
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm bên tác phẩm.

Trước đó, ngày 11/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đã diễn ra triển lãm “Hẻm & những miền ký ức” của 5 họa sĩ Sài Gòn: Mai Nam, Nam Anh, Nguyễn Duy Nhựt, Thống Nguyễn và Nguyễn Thanh Thủy với 47 tác phẩm.

Nói về chủ đề của triển lãm tranh này, họa sĩ Mai Nam bày tỏ: “Hẻm Sài Gòn – chứng nhân của một giai đoạn hình thành và phát triển của một vùng đất phương Nam với những con hẻm ngoằn ngoèo, những căn nhà xưa cũ với những mảng tường vôi đã hằn in dấu và những con người Sài Gòn ngày ấy… Tất cả rồi cũng nhạt phai, thay đổi theo dòng đời, theo thăng trầm của lịch sử… hoặc biến đổi bởi những cách tân, hiện đại… Tất cả đang dần mai một, chỉ còn lại trong miền ký ức, trong muôn vàn hoài niệm, một thời, một đời…”. Họa sĩ Mai Nam tuy sử dụng thể loại Collages (xé giấy dán), nhưng trong tranh của ông vẫn thể hiện được những mảng tường với “con mộc vuông” khoan cắt bê-tông, hoặc dòng chữ “Chú ý chạy chậm” rất đặc trưng của những con hẻm Sài Gòn (Dấu ấn thời gian, Hẻm đường rầy Sài Gòn…).

Hem duong ray SG MN
Hẻm đường rầy Sài Gòn - tranh xé giấy dán của Mai Nam.

“Hẻm” là một tên gọi thân thương của những người cư trú trong lòng nó. Sài Gòn có đến hàng vạn con hẻm như thế và là nơi sinh sống của rất nhiều lớp người trong xã hội. Có thể nói rằng “Hẻm” chính là bức họa chân dung đa diện của Sài Gòn với nhiều góc cạnh tính cách, về nhịp sống đô thị, theo nhiều cách riêng…”, họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt đã bộc bạch như vậy và anh đã đưa cái sự đa diện, hỗn độn trong các con hẻm với nhiều thế hệ sống trong đó vào tranh của mình bằng bút pháp siêu thực qua các bức tranh sơn dầu: Góc suy tư, Thế hệ …

Goc suy tu NDN
Góc suy tư - sơn dầu của Nguyễn Duy Nhựt. 


Họa sĩ Nam Anh thì ngắn gọn: “Ký ức tuổi thơ qua những con hẻm Sài Gòn, trong những khoảng trời hẹp đó luôn là những cảm xúc dạt dào trong từng tác phẩm của tôi”. Tranh của ông nhìn từ những mái phố nhấp nhô, xô lệch xuống các con hẻm ngoằn ngoèo như những bức tĩnh vật nhưng chứa đựng trong lòng muôn vàn điều bức bối…

Giac ngu trua N A
Giấc ngủ trưa - của họa sĩ Nam  Anh.

Những bức tranh sơn dầu của Thống Nguyễn được vẽ theo lối hiện thực với sắc màu tươi tắn, tranh của anh trái ngược hẳn với vẻ ảm đạm của Nam Anh cho nên những “Chợ trưa”, “Chung cư cũ”… như bừng reo dưới cái nắng Sài Gòn…

Chung cư cũ TN
Chung cư cũ - sơn dầu của Thống Nguyễn.

Họa sĩ nữ duy nhất trong nhóm - Nguyễn Thu Thủy lại sử dụng chất liệu sơn mài để thể hiện những khoảng trời rất hẹp hắt ánh nắng xuống từng con hẻm nhỏ len giữa những bức tường cao trổ những ô cửa sổ trên tầng lầu… Cảm giác như, nếu những ô cửa số này mà không bung mở ra thì sự bức bối (trong tranh) cũng không có cách gì giải tỏa…

Loi ve xom nho NTT
Lối về xóm nhỏ - sơn mài của Nguyễn Thanh Thủy. 


Hai cuộc triển lãm rất đáng để thưởng ngoạn. Thời gian kéo dài đến hết ngày 22/12.

                                                                                                                                                                    Bài và ảnh: Hà Đình Nguyên

 

 

Bình luận

Nổi bật

Saigon Co.op trao tặng nước sinh hoạt cho bà con vùng hạn mặn Gò Công

Saigon Co.op trao tặng nước sinh hoạt cho bà con vùng hạn mặn Gò Công

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 08:37

(CL&CS) - Ngày 18/5/2024, Saigon Co.op phối hợp cùng Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công cùng hai nhà tài trợ là nhãn hàng nước giặt Ariel, CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) đã trao tặng nước uống, nước sinh hoạt và bồn nước cho bà con vùng hạn mặn xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

iSTAMEQ map - thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

iSTAMEQ map - thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 08:36

(CL&CS) - Bản đồ số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (iSTAMEQ map) được xây dựng dựa trên kỹ thuật về Quản trị tinh gọn Lean để tối ưu hóa, giúp chủ động quá trình chuyển đổi số và thực hiện công việc.

Khoa học - công nghệ: Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Khoa học - công nghệ: Động lực thúc đẩy tăng trưởng

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 08:36

(CL&CS) - Cách đây 65 năm, ngày 4/3/1959, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 016/SL về việc thành lập Ủy ban Khoa học nhà nước, tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đánh dấu sự ra đời, phát triển và đóng góp quan trọng của ngành KH&CN vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua, lấy ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.