Thứ năm, 31/01/2019, 07:48 AM

Vườn mai tiền tỷ của lão nông vùng rốn lũ

(NTD) - Ở tuổi 63, ông Lê Me được người dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, Quảng Nam phong tặng danh hiệu lão “nghệ nhân mai cổ”...

Có lúc, ông Lê Me dường như trắng tay vì vườn mai bị lũ nhấn chìm. Ông lại muốn bỏ cái thú trồng mai tao nhã để trở về làm lão nông trồng rau ở vùng đất chuyên canh hoa màu lớn nhất tỉnh. Nhưng niềm đam mê đã khiến cả đời ông lão chỉ “say” với việc trồng thanh mai.

Ở vùng đất Đại Lộc này, mỗi mùa mưa là nước ngập lênh láng khắp cánh đồng. Cứ thế cái nghèo đeo bám riết lấy người dân vùng rốn lũ, nhưng không ngăn được tình yêu cây mai của ông Lê Me. Giờ trong vườn mai của ông lúc nào cũng có gần ngàn gốc mai nở đúng dịp Tết, giá tiền tỷ. Thế nhưng, ông không cho mình là đại gia chơi mai cảnh giàu bậc nhất xứ Quảng mà luôn chân chất với chất giọng quê kể chuyện nghề…

Ngoài hàng ngàn mai chậu, trong vườn còn có hơn 20 gốc mai cổ lâu năm, cũng có giá hàng tỷ đồng. Có những cây mai cổ gần 200 tuổi được ông chăm bẵm kỹ lưỡng. Ông không bán, chỉ để cho những ai mê mai muốn thuê về chưng trong mấy ngày xuân, với giá 20 triệu đồng/gốc. Ông bảo, cả đời ông yêu và mê cây mai hơn bất cứ điều gì. Có nghèo mấy cũng giữ lại những gốc mai đẹp nhất làm “của để dành” cho mình. Ông kể, hồi chỉ mới 10 tuổi, nhưng mỗi dịp xuân đến ông đã biết theo ba vào rừng tìm cho bằng được nhành mai để trên bàn. Cứ sáng mùng một mở cửa ra, mùi hương của hoa mai, quyện với khói hương trầm, khiến ông ngây ngất. Rồi cái “nghiệp” yêu cây mai cũng bắt đầu từ đó.

01
Lão nghệ nhân Lê Me bên gốc mai cổ lâu năm của mình.

“Duyên số run rủi, hồi mới 20 tuổi, tôi gặp bà Thu cũng mê mẩn mai giống mình nên tụi tui bén duyên. Hai cái nết khùng giống nhau. Cưới xong rồi cùng lội bộ, băng rừng để tìm cho được những gốc mai đẹp mang về chưng trong nhà, rồi cùng nhau chăm bẵm như con” - ông Me chia sẻ.

Ông kể, hồi năm 2001, ở vùng Đại Lộc không tìm được vùng đất rộng lớn để ông thỏa sức trồng mai. Hai vợ chồng dắt díu nhau ra tận đèo Hải Vân (thành phố Đà Nẵng) để tự khai hoang 3ha đất hoang hóa. Hơn một năm ròng, gần 8 ngàn gốc mai đã nhú lá chờ ông chăm sóc. Nhưng lúc đó, cha ông ở quê ngã bệnh nặng. Do dự mãi, cuối cùng hai vợ chồng quyết định bỏ tất cả để quay trở về Đại Lộc bắt đầu lại từ đầu. Trời không phụ công người, từ vài chục cây mai trong vườn, đến thời điểm cao nhất lên đến 2 ngàn cây mai.

Không chỉ nổi tiếng là lão nghệ nhân mai vàng ở vùng “rốn lũ”, ông Lê Me còn được nhiều người chơi mai ở các vùng khác biết đến. Ông bắt đầu chuyển mai đi bán ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi rồi Hà Nội theo đơn đặt hàng của khách. Vườn mai cổ trong nhà cũng bắt đầu xuất hiện những cây mai loại “độc nhất”. “Mai cổ đẹp phải hội đủ các yếu tố, vừa có dáng dấp cổ thụ, bộ đế đều, thân cây vuốt từ gốc đến ngọn, lại vừa có nét bonsai. Cánh hoa nở phải đều màu vàng óng ánh” - ông cho biết.

Năm 2006, cây mai cổ “Ngọc Cốt Thiên Chân” của ông đã nổi tiếng khắp vùng với thế dáng đẹp tuyệt đối. Nhưng lúc đó, gia đình túng tiền, ông đành bán mai cổ với giá 300 triệu đồng: “Nhìn cây mai theo chủ mới ra đi, tôi không cầm được nước mắt. Nhưng tôi nghĩ, đam mê còn thì sẽ còn có nhiều cơ hội để tìm thấy những gốc mai đẹp hơn”. Ông nói quan niệm của dân miền Trung là ngày Tết trong nhà ai cũng đều có một cây mai để lấy lộc hên đầu năm. Đó như một sự cầu mong may mắn, hanh thông cho gia chủ. Ông chọn trồng mai, cũng vừa thỏa mãn cái thú vui lắm công phu của mình, vừa thỏa mãn phần nào thú chơi của những người dân quê mình.

Thời tiết năm nay rất khó để chăm cây mai ra hoa đúng dịp Tết. Nhưng gần ngàn gốc mai của vườn ông Lê Me vẫn đều tăm tắp các nụ mai vàng. Ông bảo, vẫn chưa dám gật đầu nhận đặt hàng của các chủ mua bởi “với thời tiết này thì rất khó biết được mai sẽ bán được giá hay mất mùa”…

Bài & ảnh: Hoàng Tân

7
 

Bình luận

Nổi bật

Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng: Tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ

Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng: Tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS) - Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng (đơn vị trực thuộc Sở KHCN) đã ghi dấu ấn 20 năm khẳng định là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KHCN và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành khoa học và công nghệ sẽ có nhiều cống hiến để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam

Ngành khoa học và công nghệ sẽ có nhiều cống hiến để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS) - Những nghiên cứu khoa học, công nghệ trên nhiều lĩnh vực đã được ứng dụng hiệu quả, góp phần hiện thực hóa khát vọng Quảng Nam trong thời kỳ mới.

Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:18

(CL&CS) - Đây là một trong những hoạt động của Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, và là hoạt động ý nghĩa của Phụ nữ Thủ đô hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.