Thứ hai, 05/10/2015, 07:10 AM

Volkswagen đứng trước nguy cơ phá sản

(NTD) - Với gần nửa triệu xe bị thu hồi tại Mỹ, Volkswagen đang bị gánh nặng tổn thất tài chính lên đến hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền Volkswagen phải chi có thể lớn hơn rất nhiều khi có đến 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel có gắn “thiết bị đánh lừa” chỉ số khí thải đang lưu hành trên toàn thế giới và điều này có thể khiến hãng sản xuất xe ô tô lớn nhất nhì thế giới này đứng trước nguy cơ phá sản.

Kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Mỹ phá sản

volkswagen
Martin Winterkorn, Giám đốc Điều hành Volkswagen, xin từ chức.

Vừa qua, Volkswagen bị buộc tội lừa dối về động cơ diesel. Hãng xe lớn nhất thế giới đến từ Đức đã thừa nhận hành vi qua mặt các bài kiểm tra khí thải của Mỹ. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), một số xe bán tại Mỹ đã được gắn thêm thiết bị ngoại vi để giúp hệ thống máy chạy diesel có thể nhận biết được xe có đang bị kiểm tra hay không để thay đổi hiệu suất hoạt động nhằm giảm lượng khí thải phù hợp với quy chuẩn của Mỹ. Thiết bị này được EPA cho biết có khả năng điều khiển tốc độ, hoạt động máy xe, áp lực và thậm chí cả vị trí của tay lái. Kết quả của những chiếc xe được loại bỏ thiết bị này có lượng khí thải NO và NO2 cao gấp 40 lần chuẩn cho phép tại Mỹ.

Dù là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Volkswagen vẫn chật vật để giành thị phần tại thị trường Mỹ trong suốt một thập kỷ qua. Trong khi doanh số dòng Crossover (xe lai giữa SUV và Sedan) của Honda và Ford đạt lần lượt khoảng 230.000 chiếc và 205.000 chiếc, Volkswagen chỉ bán được hơn 19.000 chiếc Tiguan (dòng Crossover). Tuy nhiên, hãng sản xuất của Đức dường như đã tìm ra giải pháp khả thi khi ra mắt mẫu xe SUV và Crossover mới (sang trọng hơn, lớn hơn và được trang bị nhiều công nghệ mới) công bố gần đây tại châu Âu với đích đến là những phân khúc đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại thị trường Mỹ.

Thế nhưng, scandal khí thải đã làm đảo lộn mọi toan tính của Volkswagen. Việc qua mặt kiểm tra khí thải của hãng xe Đức với 482.000 chiếc được sản xuất tại Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến doanh thu và danh tiếng trên toàn thế giới. Càng đáng nói hơn khi Volkswagen đã xây dựng chiến lược marketing nhấn mạnh vào ưu thế thân thiện với môi trường trong nhiều năm qua. Không chỉ gần nửa triệu chiếc sản xuất tại Mỹ (bao gồm cả những dòng xe Volkswagen lắp ráp cho Audi và những hãng con như Jetta, Bettle, Golf, Passat), ông lớn Đức cũng thừa nhận sử dụng “thiết bị đánh lừa” này trên khoảng 11 triệu chiếc đang lưu hành toàn thế giới.

Tuần trước, trong buổi tái công bố chiến lược của Volkswagen, ông Michael Horn, Giám đốc Điều hành của hãng tại Mỹ, đã mở đầu sự kiện bằng một lời xin lỗi: “Chúng tôi đã phá hỏng tất cả”. Với việc phải thu hồi gần nửa triệu chiếc đang lưu hành tại Mỹ, hãng sẽ tốn chi phí khí khoảng 7,4 tỷ USD. Không dừng ở đó, EPA có quyền phạt tối đa 37.500 USD cho mỗi chiếc xe có gắn “thiết bị đánh lừa” này, đồng nghĩa với việc Volkswagen có thể bị phạt lên đến 18 tỷ USD.

Tin tốt duy nhất của Volkswagen là những mẫu xe mới của hãng sẽ ra mắt sớm nhất vào năm sau, tạo cơ hội cho những thông tin này lắng xuống. Tuy nhiên, nếu Volkswagen bị cấm lưu hành những dòng xe này tại Mỹ, đây có thể là dấu chấm hết cho hãng sản xuất xe lớn nhất thế giới này.

Hàng loạt nhân sự cấp cao từ chức

volkswagen 1
Hàng loạt các mẫu xe chạy diesel của Volkswagen bị thu hồi tại Mỹ do sử dụng “thiết bị đánh lừa” chỉ số khí thải.

Việc điều hành hoạt động của Volkswagen cũng đứng trước nhiều thử thách khi hàng loạt nhân sự cấp cao của công ty mẹ từ chức. Ông Martin Winterkorn, Giám đốc Điều hành hãng, dù phủ nhận trách nhiệm nhưng đã xin từ chức ngay sau khi scandal xảy ra. Ông Christian Klingler, thành viên hội đồng quản trị kiêm giám đốc bán hàng, cũng được cho là cũng sắp rời Công ty. Tuy nhiên, việc sử dụng “thiết bị đánh lừa” yêu cầu có một hệ thống được vận hành bài bản. Do đó, nhiều khả năng trong thời gian tới nhiều nhân sự cấp cao khác cũng sẽ đối mặt với quyết định từ chức hoặc bị sa thải. Về phía Volkswagen, hãng xe này cho biết việc thay đổi một số các nhân sự cấp cao gần đây nằm trong chiến lược chung của Hãng và không liên quan đến những sự kiện vừa qua.

Lan rộng toàn thế giới

Sau khi thông tin được công bố rộng rãi, chính quyền Anh, Ý, Pháp, Hàn Quốc, Canada và Đức cùng mở những cuộc điều tra trên diện rộng đối với những dòng xe đang lưu hành của Volkswagen. Các nhà chức trách, chính trị gia trên toàn thế giới đặt dấu hỏi lớn về độ chính xác của quy trình kiểm tra khí thải. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, ông Michel Sapin đã cho biết cần tổ chức một cuộc điều tra quy mô toàn Châu Âu để trấn an công chúng. Tính đến thời điểm ngày 30/9, chỉ có thị trường Mỹ yêu cầu thu hồi những chiếc xe của Volkswagen.

Tuy nhiên, với khoảng 11 triệu chiếc Volkswagen chạy động cơ diesel trên thế giới, chi phí thu hồi dòng xe này sẽ là đòn giáng mạnh vào doanh thu cũng như lợi nhuận những năm sắp tới. Những lo ngại này đã khiến cổ phiếu của Volkswagen mất hơn 30% giá trị chỉ trong 3 ngày sau scandal. Với lợi nhuận trong năm 2014 đạt 12,3 tỷ USD, Volkswagen sẽ đối mặt với mối nguy khổng lồ nếu các quốc gia Châu Âu ra lệnh phạt giống như Mỹ. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Volkswagen có thể sẽ phá sản.

Scandal khí thải của Volkwagen là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều doanh nghiệp đã và đang đặt lợi nhuận trên đạo đức trong kinh doanh. Scandal này cũng cho thấy việc kiểm soát các hãng xe của Châu Âu đang gặp vấn đề lớn. “Những chiếc xe chạy động cơ diesel tại Châu Âu hoạt động với công nghệ tệ hơn so với mức trung bình tại Mỹ”, ông Jos Dings, đại diện Tập đoàn T&E cho biết. Các báo cáo gần đây nhất của Đơn vị này cũng cho thấy 90% phương tiện giao thông tại Châu Âu không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng Châu Âu cần thay đổi biện pháp kiểm tra khí thải và cần cứng rắn hơn trong việc xử phạt các hãng sản xuất vi phạm điều luật này.

Sau scandal của Volkswagen, nhiều hãng xe có trụ sở tại Mỹ cũng đang được cho vào tầm ngắm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Ford, BMW, Renault-Nissan khẳng định không sử dụng những “thiết bị đánh lừa” này trong khi những hãng sản xuất khác vẫn chưa có phản hồi cụ thể.

 Quân Vũ

Bình luận

Nổi bật

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:24

(CL&CS) - Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn;...