Dữ liệu cũ
Thứ ba, 02/06/2015, 11:29 AM

Việt Nam xếp thứ 12 giáo dục toàn cầu: Nên mừng hay lo?

(NTD) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu về năng lực của học sinh phổ thông tuổi 15 ở 2 lĩnh vực toán và khoa học, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, trong khi Anh xếp thứ 20, Pháp 23 và Mỹ xếp thứ 28.

Tiền thân OECD là Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC) có mục đích tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi người dân. Hiện OECD quy tụ 34 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao. Trụ sở của tổ chức hiện nằm ở lâu đài La Muette ở Paris.

Theo BBC dẫn lời ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của OECD: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu thật sự. Ý tưởng là giúp cho các nước, dù là giàu hay nghèo, có thể tự so sánh mình với những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của mình và để xem việc nâng cao chất lượng giáo dục có thể đem đến lợi ích kinh tế gì về dài hạn cho họ”.

VN xep thu 12 giao duc toan cau
Ảnh minh họa

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Kết quả khảo sát từ OECD là một thông tin đáng mừng và tôi nghĩ đáng tin cậy. Tất nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tự tin cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông của mình được lọt vào thứ hạng cao của thế giới. Mừng trước sự ghi nhận khách quan của quốc tế, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn vào thực trạng để thấy học sinh chúng ta còn yếu chỗ nào để khắc phục. Dù trình độ phát triển kinh tế xã hội của chúng ta chưa cao, nhưng giáo dục phổ thông đã đạt được một số thành tựu có phần nhỉnh hơn và nên lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu.

Bà Đặng Thị Thùy Linh, thành viên giám sát chất lượng PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) cho OECD năm 2015, cho biết xếp hạng này của OECD dựa trên kết quả khảo sát PISA dành cho học sinh độ tuổi 15 qua các lĩnh vực toán, khoa học, đọc hiểu. Việt Nam đã tham dự khảo sát 2 lần, lần 1 năm 2012, lần 2 năm 2015 (chu kỳ PISA 3 năm/lần) cùng 70 quốc gia khác. Kết quả trên là số liệu năm 2012 và đây là kết quả đáng tự hào cho giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

GS.TS. Hà Huy Bằng, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: Việt Nam có truyền thống thi đạt điểm cao, điều này thể hiện rõ trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt với môn toán. Trong các kỳ kiểm tra - thi tại các trường phổ thông cũng vậy, với những câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn thuần, HS mình trả lời rất tốt. Các nhà khoa học quốc tế đều đánh giá cao tố chất thông minh của người VN. Vì thế, không cần phải quá ngạc nhiên với kết quả khảo sát của OECD cũng như khảo sát PISA 2012. Không nên có thái độ tự ti, cho rằng mình không đáng khen ngợi nhưng càng không nên cho rằng đó là thành tựu xuất sắc của giáo dục phổ thông VN. Học trò của chúng ta thông minh, các thầy cô cũng đã cố gắng dạy tốt nhất ở mức có thể. Nhưng đúng là cách dạy của chúng ta hiện còn bất cập với xu hướng phát triển của thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng giáo dục phổ thông ở Việt Nam không đáng lo ngại. Đây là tổ chức có uy tín, cách thức tiến hành tin cậy, được công nhận rộng rãi thì chúng ta nên tin vào kết quả này, nhưng trước tiên hãy tiếp nhận một cách bình tĩnh.

Trái với những ý kiến tuy còn thận trọng nhưng đầy lạc quan và vui mừng trên, một số giáo sư, tiến sĩ đã tỏ ra lo lắng thực sự với kết quả xếp hạng của OECD.

PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) còn tỏ ra rất ngạc nhiên. Theo ông, các tiêu chí mà tổ chức này đánh giá thực sự chưa rõ ràng, cụ thể; đây chỉ là tổng hợp kết quả điểm thi các kỳ thi toán và khoa học ở độ tuổi 15 mà gọi là “xếp hạng giáo dục toàn cầu” thì thực sự chưa chính xác. Đánh giá toàn diện nền giáo dục phải căn cứ xem nền giáo dục đó góp phần thế nào cho sự tăng trưởng GDP.

GS. Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang giảng dạy tại Đại học New South Wales, Úc cũng bất ngờ với kết quả trên. Ông cho rằng: “Việt Nam xếp hạng 12 trên thế giới về chất lượng giáo dục có lẽ là một “liều thuốc an thần” cho rất nhiều người trong ngành giáo dục”. Tiêu chí và cách thu thập số liệu của OECD thiếu tính thuyết phục, cách thực hiện thống kê chỉ ở dạng “thực tập” chứ chưa thể có sự chuẩn mực. Theo ông, đánh giá và xếp hạng một nền giáo dục phải đánh giá ở tất cả cấp học, từ tiểu học đến trung học, chứ không thể dựa vào kết quả kiểm tra môn toán và khoa học.

Trưởng dự án Công nghệ giáo dục, Đại học FPT Dương Trọng Tấn cũng cho rằng chỉ nên tin vào kết quả đánh giá một phần, cần hết sức thận trọng khi nhìn vào bảng xếp hạng kẻo lại rơi vào tình trạng “tự sướng”, lợi bất cập hại. Theo ông Tấn thật khó để tin ngay được khi chỉ qua đánh giá của OECD mà khẳng định giáo dục Anh, Mỹ kém Việt Nam. Bởi giáo dục phổ thông là để chuẩn bị nền tảng tri thức đủ rộng cho mỗi công dân tham gia vào xã hội. Toán và khoa học không đại diện cho cả một nền giáo dục. Nhìn vào hiện trạng phổ thông trung học, đại học và sáng tạo khoa học kỹ thuật, thật khó để nhìn ra một thứ hạng cao như thế, ngay cả trong hai môn toán và khoa học, chứ chưa nói đến cả nền giáo dục, lạc quan lắm cũng chỉ có thể nghĩ rằng trong giai đoạn trước tuổi 15, một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam đang giảng dạy toán và khoa học hiệu quả hơn mức trung bình của thế giới, chiếu theo tiêu chí của PISA.

Giang Nam

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.