Dữ liệu cũ
Thứ ba, 14/03/2017, 21:45 PM

Về nơi Tây Nguyên hoang dã

(NTD) - Tháng Ba, mùa Lễ hội cà phê ở Tây Nguyên, cũng là dịp để du khách đi thăm thú ở nhiều nơi còn rất hoang dã với đầy những bất ngờ và thú vị…

Nơi đến đầu tiên đoàn chúng tôi chọn là Trung tâm Du lịch văn hóa sinh thái bản Đôn (Bandontour). Nói đến bản Đôn, người ta nghĩ ngay đến những cuộc đua voi hoành tráng, hoặc nhớ đến bài hát: “Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ thơ. Từ rừng già chú đến với người…(Chú voi con - Phạm Tuyên).

Nằm giữa hai ngọn núi Chư Mar hùng vĩ và Đăk Mil điệp trùng Bandontour là một thung lũng rộng khoảng 1.500 ha (trong đó có hồ Đăk Mil rộng 200 ha) với những căn nhà sàn dựng rải rác trong rừng khộp để du khách lưu trú. Ở Bản Đôn có đến 45 dân tộc cộng cư, trong đó có 3 dân tộc chính là Lào, Êđê và M’nông (bản Đôn là cách gọi của người Lào còn người Êđê, M’nông gọi là buôn Đôn).

30
Hàng ngàn ngọn nến lung linh trong hoa viên Hồ Tây huyện Đắk Mil

Đêm văn nghệ giao lưu bên tháp lửa trại, cây nêu và những ché rượu cần… Đoàn chúng tôi là khách mời đặc biệt của những vòng xoang, điệu múa lâm vông. Những giai điệu thô mộc của bộ gõ tre nứa, dàn đàn T’rưng và những chiếc cồng chiêng luôn thôi thúc, giục giã. Những bài hát Buôn Đôn ngày mùa (âm hưởng M’nông), Chung dòng sữa mẹ, Mưa đá (Êđê), Hoa Chămpa (Lào), Bài ca bên đồi (Đức Trí)… được chính các chàng trai, cô gái sơn cước thể hiện, đậm chất đơn sơ mộc mạc hòa cùng những giọng hát không chuyên trong đoàn chúng tôi càng làm cho tình người thêm gắn kết… Lửa đêm bập bùng, rượu cần ngòn ngọt, cay nồng nhưng lời ca nghe sao da diết quá: “Anh vít cần, vít cần mà không dám uống. Điệu xoang rộn ràng, lòng người sóng sánh. Anh chỉ sợ mình lạc nhau thôi…” (Nhịp xoang Tây Nguyên).

Đêm về khuya, lửa cháy tàn, các cô gái Sáo Kim, Sáo Mai, Thom Bay, San Ra (Lào) Bun Kom (Êđê) rủ chúng tôi ra hồ Đăk Mil thả hoa đăng. Các cô gái ngồi trên những chiếc thuyền độc mộc (đẽo từ nguyên khối một thân cây), nhẹ nhàng thả xuống mặt hồ những con thuyền giấy đủ màu, mỗi thuyền giấy chở theo một ngọn nến nhỏ. Ánh đèn nhấp nhô, lan tỏa trên mặt hồ mang theo những điều ước rất riêng tư, thầm kín của các sơn nữ đẹp như trong truyện liêu trai…

Hôm sau, chúng tôi được một nữ hướng dẫn viên của Bandontour dẫn đi thăm nhiều nơi còn rất hoang dã và thú vị. Đó là khu lăng mộ của “vua” Khunjunob. Ông tên thật là Y’thu K’nul, là người khai phá và sáng lập Buôn Đôn. Ông săn bắt được 400 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng (voi trắng) tặng cho vua Xiêm (Thái Lan) và được vua này phong là “Khunjunob” (vua săn voi). Thế nên dân Buôn Đôn gọi ông là “vua”. Ông thọ đến 110 tuổi nhưng không có con cái. Một người cháu tên là R’leo cũng là một “Grư” (dũng sĩ săn voi). Ông này cũng bắt được một con bạch tượng và tặng cho vua Bảo Đại. Mộ của R’leo hình tháp chóp (kiểu Campuchia) nằm cạnh mộ Khunjunob.

31
Giao lưu văn nghệ.

Đoàn còn được đi trên chiếc cầu treo dài 500 m, làm bằng tre nứa, luồn lách dưới tán rừng cây si, bắc ngang qua dòng sông Sêrêpok (dòng sông duy nhất của Việt Nam không chảy ra biển mà chảy ngược sang Campuchia). Mỗi bước đi là chiếc cầu lại đong đưa, chao đảo khiến người đi chới với, hồi hộp. Quả là… cảm giác mạnh!

Cách chiếc cầu treo vài chục mét là ngôi nhà cổ hơn 130 năm tuổi của Ama Kông. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là được làm hoàn toàn bằng gỗ (kể cả mái lợp, mộng, đinh vít…). Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian theo kiểu Lào do con gái của Ama Kông là Me Lĩnh trông coi. Trong ngôi nhà còn lưu giữ chiếc mâm đồng chạm trổ rất tinh xảo, nó được đưa từ Lào vào Việt Nam năm 1859, dùng để đựng lễ vật cúng tế voi nhà trước khi xuất quân đi săn bắt voi rừng. Bên cạnh mâm đồng là thanh kiếm do vua Bảo Đại tặng cho Ama Kông.

Bản thân Ama Kông (1910-2012) cũng là một huyền thoại. Ông tên thật là Y Prông Êban, tên Lào là Khăm Proong. Vì có con đầu lòng tên Kông nên theo tập tục của người M’nông, gọi ông là Ama Kông (cha của thằng Kông). Ông là cháu của Khunjunob. Ông cao lớn vạm vỡ, đẹp trai, sống phóng túng, hoang dã một cách dữ dội và… đào hoa. Ông bắt được gần 300 con voi rừng, trong đó có những con bạch tượng được tặng cho vua Thái Lan, vua Lào, vua Bảo Đại (theo luật tục của người M’nông, voi trắng chỉ có bậc vua chúa mới được sử dụng).

Ông cũng được xưng tụng là “Vua săn voi”. Ama Kông từng là bạn đi săn với tổng thống Ngô Đình Diệm, cũng tặng ông Diệm một con voi trắng, và được tổng thống tặng lại 3 cây súng và rất nhiều đạn. Khoảng năm 1958-1960, ông từng đi máy bay từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn đánh bạc, chỉ trong 3 ngày đã thua hết… một con voi trị giá bằng 10 căn nhà sàn dài, gỗ tốt…

Tên Ama Kông còn là thương hiệu của một loại rượu quý chế xuất từ dược thảo. Rượu Ama Công (Việt hóa chữ Kông) trị nhức mỏi, tăng lực, cường dương được bày bán tràn lan khắp Buôn Ma Thuột. Khách vào tham quan ngôi nhà cổ, Me Lĩnh bán thuốc ngâm rượu mỏi tay, vì mua ở đây không lo… hàng giả! Nghe nói nhờ thứ rượu này mà vào năm 82 tuổi, Ama Kông còn đủ sức cưới một bà vợ 25 tuổi và có thêm một đứa con đáng tuổi… chắt, chít của mình!

Ngày thứ 3, chúng tôi đi thăm hồ Lắk (cách Buôn Ma Thuột 50 km), thấy nhiều du khách người nước ngoài cỡi voi… lội nước. Hóa ra ngoài thuyền độc mộc, người dân bản địa còn có một phương tiện đi lại dưới nước rất “độc chiêu”. Ở Lắk, tộc người M’nông Lăm có một đội cồng chiêng rất chuyên nghiệp. Qua đội cồng chiêng này, chúng tôi được nhạc sĩ Vũ Lân giới thiệu những giai điệu, tiết tấu rất đặc trưng, không trùng lặp với các tộc người Tây Nguyên khác trong các nghi lễ mang màu sắc tâm linh: Chưng ngăn, lễ cúng bếp lửa, múa vui quanh cột lễ (goong pế)…

Đặc biệt, lần đầu tiên chúng tôi được xem biểu diễn cồng đá (goong lú) gồm 3 mảnh đá hình dẹt treo dưới một khúc tre do hai người gánh (2 người này đánh 2 cồng đá treo sát mình, còn chiếc cồng ở giữa do một người khác đánh, hình thức tam tấu). Cồng đá chỉ có 2 “bài” để biểu diễn: Penal Pach và… ngược lại Pach Penal (tên đặt theo âm thanh cồng đá phát ra khi đánh) - chứng tỏ cồng đá đã có từ rất xa xưa…

Đặc biệt chúng tôi còn “mục sở thị” các nghệ nhân của buôn Sọ Sier, buôn lâu đời nhất của Đắk Lắk. Các thành viên đều là các lão nghệ nhân, họ biểu diễn với trình độ bậc thầy. Âm thanh của dàn chiêng Knah với các bài Wit H’gum, Chi ri ri a, Tưng gết… hoặc âm thanh tre nứa của Cing K’ram qua bài Pliêr (Mưa đá), Mừng mùa gặt mới (hòa tấu Cing Kôk) mà họ diễn tấu đã thoát ra khỏi nhà dài, vượt qua không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để đến biểu diễn trên khắp đất nước Thụy Điển và nhiều nước khác. Xem rồi mới hiểu tại sao Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên lại được UNESCO công nhận là “Di sản phi vật thể của nhân loại”. Quả là một chuyến đi để lại nhiều ấn tượng!

Hà Đình Nguyên

_Bao NTD_So 312- 9
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.