Dữ liệu cũ
Thứ hai, 13/04/2015, 13:58 PM

TS.BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM: Phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết

(NTD) - Từ lâu nay, chất lượng vệ sinh thực phẩm đường phố luôn là đề tài gây nhiều bận tâm. Dù chẳng mấy an toàn, thực phẩm vỉa hè, đường phố vẫn nghiễm nhiên trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Với thực trạng đó, ắt hẳn không ít người tiêu dùng cần thêm một thông tin đa chiều hơn về việc quản lý loại thực phẩm này.

Đồng hành cùng bạn đọc, Báo Người tiêu dùng đã có cuộc trao đổi cùng TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM - một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về mảng thực phẩm đường phố tại Việt Nam…

TS BS Le Truong Giang
TS.BS Lê Trường Giang - Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM.

PV: Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong tháng 2/2015, đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 143 người mắc, 138 người nhập viện và 1 trường hợp tử vong. Theo ông, con số này nói lên điều gì?

TS.BS Lê Trường Giang

Rõ ràng, con số trên cho thấy tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước đây. Tín hiệu khả quan này là kết quả của nhiều hoạt động cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm xuyên suốt một chặng đường dài. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ, ngộ độc thực phẩm có đến 2 dạng: ngộ độc tập thể và ngộ độc cá thể (ngộ độc đối với một người - PV). Điều mà người tiêu dùng cần biết là hiện nay, nước ta chỉ có con số thống kê về số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể chứ chưa thống kê được ngộ độc cá thể và bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trên từng cá thể. Chính điều đó đã gây khó khăn trong việc đánh giá thực trạng chi tiết về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, chúng ta cần sớm lấp đầy “lỗ hổng” vừa nêu để phục vụ tốt công tác quản lý.

PV: Với phong tục, tập quán và nhu cầu xã hội hiện tại, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố có phải là điều “vượt sức” đối với nhà chức trách? Theo ông, hiện nay công tác quản lý về vấn đề này có đang bị vướng mắc?

TS.BS Lê Trường Giang

Khẳng định ngay rằng, thực phẩm đường phố là một nhu cầu có thật của xã hội, không chỉ ở nước ta mà hầu như trên toàn thế giới. Ở Việt Nam và một số nước khác, thực phẩm đường phố phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp. Trên thực tế, nó còn là nét văn hóa và hình ảnh đất nước.

Một khi đã là nhu cầu chính đáng của xã hội thì loại thực phẩm này phải được thừa nhận. Như vậy, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm quản lý để phục vụ xã hội, đồng thời khắc phục những hạn chế, tác hại của nó đối với cộng đồng. Làm sao để thực phẩm đường phố tốt hơn đối với người tiêu dùng và xã hội.

Trong mấy năm qua, thực trạng thực phẩm đường phố, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, người bán đã có kiến thức và ý thức hơn; cách bán thực phẩm văn minh hơn, trang thiết bị buôn bán cũng an toàn, hiện đại hơn. Tất cả điều đó phần nào mang lại bộ mặt mới cho thực phẩm đường phố, với nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tự ngẫm lại, liệu rằng những sự đổi thay ấy đã đủ chưa? Thẳng thắn mà nói là… chưa! Bởi như những gì chúng ta đã đề cập, ngoài việc an toàn vệ sinh thực phẩm, nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề: đó là nét văn hóa của xã hội, ảnh hưởng đến an toàn trật tự đô thị…

Khi nhìn trên bình diện đó, chúng ta đừng nói đến chuyện có vượt tầm quản lý hay không? Dù có “vượt” hay không “vượt”, một khi đã để tồn tại thì chúng ta phải có trách nhiệm. Quan trọng nhất, chúng ta thấy ra được nhiều việc cần làm phía trước. Và, phải có giải pháp xử lý vướng mắc hiện hữu, nhằm cải thiện tình hình thực phẩm đường phố, làm cho nó không những chuyển biến tích cực mà còn… chuyển biến đầy đủ. Để đạt được điều này, cần lộ trình cụ thể, dài hơi, cùng sự đồng thuận cao giữa cơ quan quản lý và người dân.

PV: Với góc nhìn một chuyên gia kinh nghiệm về mảng này, theo ông, chúng ta cần giải pháp gì để cải thiện thực trạng thực phẩm đường phố theo hướng vĩ mô hơn trong tương lai?

TS.BS Lê Trường Giang

Thứ nhất, như tôi nói ở trên, mục tiêu trước mắt của cơ quan quản lý là đánh giá chính xác về tình hình ngộ độc thực phẩm cá thể. Để làm việc này, các đơn vị có trách nhiệm liên quan cần tổ chức hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, xác định những tiêu chí cho việc chẩn đoán một ca ngộ độc thực phẩm cá thể gây ra. Một khi có được tiêu chí rõ ràng để chẩn đoán, chúng ta sẽ không nhầm lẫn và kết luận được loại ngộ độc xảy ra ở con người trong từng trường hợp là gì, tập thể hay cá thể. Từ đó, có những biện pháp hạ thấp tình trạng ngộ độc khi sử dụng thực phẩm đường phố.

Các chuyên gia đánh giá, những vụ ngộ độc xảy ra khi sử dụng thực phẩm đường phố này đa phần là cá thể. Do vậy, việc thống nhất được các tiêu chí sẽ càng trở nên quan trọng hơn đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố, vì khi đó chúng ta mới dễ dàng phân loại và đánh giá được thực trạng thực phẩm đường phố hiện nay.

Thứ hai, chúng ta biết rằng thực phẩm đường phố hiện nay có 2 loại, gồm: cố định - là hàng, quán có địa điểm kinh doanh, buôn bán ổn định; và di chuyển - hay còn gọi là hàng rong, xe đẩy. Đối với thực phẩm đường phố cố định, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý một cách nghiêm khắc. Tuyệt đối tránh tâm lý nể nang. Chúng ta cứ nghĩ rằng đối tượng kinh doanh, buôn bán thực phẩm đường phố đa phần là bà con nghèo khổ, nên “vướng cái tình” trong khâu xử phạt khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, phải nghĩ xa hơn và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết, vì đó không phải là một, hai cá nhân, mà là sức khỏe của cả cộng đồng.

Ngoài ra, chúng ta phải phối hợp chặt với các lực lượng khác như công an, quản lý đô thị… đẩy mạnh tuần tra, nhắc nhở và xử lý đồng bộ. Những phương án ấy giúp cho bộ mặt thực phẩm đường phố có sự chuyển biến tích cực: sạch hơn, đẹp hơn, ngăn nắp và văn minh hơn. Khi điều này đi vào nề nếp, nó sẽ trở thành ý thức hệ cho cả người bán lẫn người mua về sau.

Đối với thực phẩm đường phố di chuyển, tôi thấy kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới có hàng rong, người ta tổ chức quy hoạch tất cả lại một khu vực nhất định. Nơi quy hoạch được trang bị đầy đủ trang thiết bị, điều kiện buôn bán tốt nhất, với chất lượng an toàn vệ sinh cao nhất; kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của cả người bán và người mua là rất tốt. Mức xử phạt khi phát hiện vi phạm của họ cũng rất cao và rất nghiêm! Đó là điều mà chúng ta nên học hỏi.

Thứ ba, cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn công tác tuyên truyền. Công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh thì hệ quả tất yếu là nhận thức người dân sẽ nâng cao.

Hiện nay, thực hiện chức năng của mình, chúng tôi tăng cường hoạt động truyền thông, đưa ngày càng nhiều thông tin đúng dựa trên cơ sở khoa học, có tính chuyên sâu đến với cộng đồng. Mới đây, Hội Y tế Công cộng TP.HCM cũng vừa cho ra đời kênh truyền hình chuyên về y tế qua mạng với tên miền: www.ittv.vn. Đây là địa điểm hội tụ nhiều chuyên gia y tế hàng đầu tại TP.HCM, sẽ giải đáp mọi thắc mắc của người dân về sức khỏe, không những trên lý thuyết mà còn cả mặt thực hành. Trong đó, chắc chắn sẽ có nhiều chuyên đề về thực phẩm đường phố. Mục tiêu cuối cùng là góp phần mang lại sức khỏe tốt nhất cho người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Văn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.