TP Hồ Chí Minh: Kinh doanh bất động sản là ngành duy nhất tăng trưởng âm

(CL&CS) - Trong khi các ngành khác tại TP Hồ Chí Minh cho thấy tín hiệu phục hồi và tăng trưởng hết sức lạc quan thì ngành bất động sản lại cho thấy một bức tranh đầy những gam màu u ám khi chỉ duy nhất ngành này tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2022.

1

Các ngành đều tăng, chỉ bất động sản giảm

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Theo báo cáo này, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong nửa đầu năm 2022 ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. So sánh với mức tăng trưởng âm sâu trong quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, có thể thấy GRDP của TP.HCM đang phục hồi và tăng trưởng tương đối ổn định. Chỉ tính riêng trong quý II/2022, GRDP của thành phố tăng 5,73%. 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, những số liệu này đã cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của thành phố đang đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch. 

Đáng chú ý, có 5/9 ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ, bao gồm: Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46% và ngành y tế tăng 6,85% so với cùng kỳ. 

Có 3/9 ngành đạt mức tăng trưởng dưới 6% là ngành bán buôn, bán lẻ tăng 3,10% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08% so với cùng kỳ; giáo dục và đào tạo tăng 4,99% so với cùng kỳ. 

Cá biệt, chỉ có duy nhất 1 ngành trong 9 ngành được đề cập trong báo cáo ghi nhận tăng trưởng âm là ngành bất động sản, giảm 5,82% so với cùng kỳ. 

Vướng mắc pháp lý kìm hãm bất động sản

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng “lệch pha” của ngành bất động sản so với các ngành khác trên địa bàn thành phố, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, do  thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất phát từ những vướng mắc, ách tắc về mặt pháp lý khiến nguồn cung mới sụt giảm. 

Ông Châu dẫn chứng, vừa qua HoREA đã có báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền về các vướng mắc để tháo gỡ cho hơn 100 dự án bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cá biệt có những dự án  “đắp chiếu” 10 năm ròng chỉ vì vướng một thủ tục hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại hay vướng cơ chế “hoán đổi”… mà đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, một số dự án đã được chính quyền sở tại chấp thuận đầu tư với công năng là chung cư cao tầng, đã xây dựng xong móng và hầm nhưng sau đó, các dự án này được chuyển nhượng cho đối tác và cũng đã được thành phố chấp thuận cho nhận quyền chuyển nhượng toàn bộ dự án và “sổ đỏ” đất ở. Thế nhưng, những dự án này vẫn chưa thể triển khai do vướng quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch. Đơn vị sở hữu đã nhiều lần kiến nghị thành phố xin chấm dứt dự án để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nhằm thu hồi vốn nhưng chưa có cơ chế để giải quyết. 

“Thị trường bất động sản ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn như hiện nay thì doanh nghiệp bất động sản còn gặp khó khăn, nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính”, ông Châu nói.

2

Vị chủ tịch HoREA cho rằng, sự chậm trễ trong việc tháo gỡ, xử lý vướng mắc tồn tại nhiều năm tại các dự án phát triển nhà ở là do sự bất cập trong quy định pháp luật. Đặc biệt là các quy định tréo ngoe về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn thành phố bế tắc, điều này khiến không ít doanh nghiệp mang tiếng bội tín với khách hàng. 

Bên cạnh đó, tại số cơ quan, ban ngành liên quan và các địa phương diễn ra hiện tượng “sợ ký, sợ trình” khiến cho hồ sơ dự án bị kéo dài hoặc bị “đá qua đá lại” giữa các cơ quan mà không bên nào chịu “xắn tay” vào giải quyết dứt điểm.

“Sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng nào trong vòng 5 năm nữa”

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong quý I và quý II năm 2022, ngành xây dựng nhìn chung có sự tăng trưởng đáng chú ý sau những tác động của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, phần doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đề ra ban đầu. Cụ thể, 10 doanh nghiệp xây dựng thuộc top đầu chỉ đạt khoảng 28 - 40% kế hoạch cả năm.

Theo VACC, do giá nguyên vật liệu tăng chóng mặt nên các doanh nghiệp xây dựng “ngại” thực hiện các dự án đầu tư công. Thay vào đó, doanh nghiệp “chuộng” thực hiện dự án nước ngoài hoặc làm “kép phụ” cho dự án FDI. 

Số liệu thống kê cho thấy, từ quý IV/2020 đến nay, giá dầu diesel đã tăng tới 240%, từ mức 12.000 - 12.600 đồng/lít lên tận 30.000 đồng/lít. Tương tự, giá thép đã tăng trung bình từ 20 - 60% so với thời điểm đầu năm 2021. Giá cát xây dựng cuối năm 2020 dao động từ 300.000 - 320.000 đồng/m2, đến năm nay đã tăng vọt lên 360.000 đồng/m3, tăng hơn 20%. Giá nhựa đường trong 3 tháng cuối năm 2020 ở mức 11.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 15.500 đồng/kg, tăng gần 41%.  Giá xi măng cũng tăng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg, tăng hơn 41%.  

“Không có loại vật liệu xây dựng nào không tăng. Nếu tính theo %, giá thành của các dự án xây dựng trong năm 2022 tăng 18 - 30%. Nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào nữa”, Chủ tịch VACC cảm thán. 

Đạt Trần

Bình luận

Nổi bật

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:35

Nhìn tổng quan thị trường bất động sản quý I đầu năm nay đã có tín hiệu khởi sắc khi hàng loạt động thái trợ lực giúp thị trường bất động sản khởi sắc như chính sách ưu đãi, lãi suất ngân hàng giảm, cùng với đó, thị trường cũng ghi nhận sự tái khởi động của hàng loạt dự án cũ và nhiều chủ đầu tư rốt ráo “bung hàng.”

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:34

Đã hết quý I/2024 nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt là vẫn còn, trong đó dòng tiền vẫn là vấn đề đâu đầu với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức cũng đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực khi trải qua giai đoạn khó khăn này.

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:31

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường bất động sản đó là thu nhập của người dân vẫn không “đuổi kịp” giá nhà. Trong khi ai cũng có tâm lý chờ giá giảm rồi mới mua nhưng trong suốt thời gian qua “càng chờ giá lại càng tăng cao”. Và cứ như thế khi tiền để dành mua nhà thì khi đó giá nhà đã ở mức cao ngất ngưởng rồi.