Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Xôn xao thương vụ Tập đoàn FLC bán trụ sở 265 Cầu Giấy cho Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng
(CL&CS) - Tập đoàn FLC bán trụ sở ở 265 Cầu Giấy cho Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng; Hà Nội công khai 23 dự án chậm tiến độ bị thu hồi; Bình Dương giao thêm gần 60ha đất cho 9 dự án của Becamex IDC; Tuyến Metro Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đội vốn thêm 16.000 tỉ đồng; Bình Thuận công khai 43 dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất; Hà Nội giao 5 huyện lập đề án lên quận; Quảng Ngãi đề xuất hủy phê duyệt 5 dự án khu dân cư, khu đô thị là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Xôn xao thương vụ Tập đoàn FLC bán trụ sở 265 Cầu Giấy cho Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng
Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLC Homes (FLC Homes) vừa cho biết đã cùng với CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) ký hợp đồng về việc mua bán công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy, Hà Nội với Công ty CP Gateway Hà Nội (Gateway Hà Nội).
Hợp đồng giữa các bên được ký kết vào ngày 20/10/2022.
Theo đó, giá bán công trình xây dựng là 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán).
Được biết, dự án tòa nhà văn phòng, căn hộ tại số 265 Cầu Giấy do FLC làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2015 và đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 4 tầng hầm và 38 tầng nổi; tổng diện tích mặt sàn là 101.108 m2.
Đến tháng 11/2020, FLC đã sử dụng tòa nhà này để cấn trừ nghĩa vụ trả nợ của mình và một số công ty cùng nhóm (gồm FLC Homes, FLC Faros, FLC Stone và Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, FLC và FLC Homes nhiều lần bày tỏ quyết tâm chuộc lại tòa tháp 265 Cầu Giấy.
Đây cũng là một trong những tài sản chính được FLC dùng để thế chấp cho các nghĩa vụ trả nợ của các công ty thành viên phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trước đó. Tháng 11/2020, HĐQT FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng này để gán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của FLC, FLC Faros, FLC Homes, Bamboo Airways phát sinh tại OCB. Đến nay, tòa nhà trụ sở chính này đã thuộc sở hữu của OCB khoảng 1,5 năm.
Đến cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với FLC Homes mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ OCB.
Hà Nội công khai 23 dự án chậm tiến độ bị thu hồi
Sở TN&MT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP, đặc biệt 23 dự án đã bị công khai danh tính trong đợt này.
Trong số 23 dự án mà UBND TP đã có quyết định thu hồi đất, địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty CP An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại quốc tế Như Thành.
Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty CP Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty CP Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.
Tiếp đó là huyện Mê Linh, gồm: Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh – Thanh Lâm – Tráng Việt), Công ty CP Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư;
Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty CP Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.
Dự án khu dịch vụ và đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Công ty CP thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án trụ sở làm việc, Số 150, ngõ 72 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Công ty CP xây lắp và sản xuất công nghiệp làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ đầu tư.
Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Anh; Dự án Nam Đoàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê út làm chủ đầu tư.
Bình Dương giao thêm gần 60ha đất cho 9 dự án của Becamex IDC
UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định điều chỉnh, bổ sung công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 TP. Thủ Dầu Một.
Theo đó, tỉnh Bình Dương đã bổ sung 26 công trình, dự án với tổng diện tích bổ sung 89,55ha, gồm 2 công trình thực hiện theo hình thức thu hồi đất, 15 công trình theo hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và 9 công trình thực hiện giao đất, cho thuê đất.
Trong đó 2 công trình thực hiện theo hình thức thu hồi đất gồm dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. HCM tại phường Phú Hoà, TP. Thủ Dầu Một với diện tích thu hồi đất 14ha và xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến tại phường Hiệp Thành 0,71ha.
9 công trình thực hiện giao đất, cho thuê đất được bổ sung thêm gần 59ha đất. Cả 9 công trình này đều là các dự án của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã CK: BCM).
Trong đó, Khu dân cư Hoà Lợi tại phường Hoà Phú được bổ sung thêm 0,82ha lên 163,9ha; khu tái định cư Hoà Lợi tại phường Hoà Phú được bổ sung thêm 3,89ha lên 141,1ha; khu tái định cư Phú Mỹ tại phường Phú Tân tăng 3,85ha lên 71,7ha; khu tái định cư Tân Vĩnh Hiệp tại phường Phú Tân tăng 11,15ha lên 104ha.
Bên cạnh đó, khu tái định cư Định Hoà tại phường Phú Tân tăng 11,15ha lên 92,89ha; khu tái định cư Phú Chánh tại phường Hoà Phú, Hoà Tân tăng 7,8ha lên 233,8ha; khu đô thị mới - khu 4, 5, 6 tại phường Hoà Phú tăng 10,8ha lên 153ha; khu dân cư Chánh Nghĩa tại phường Chánh Nghĩa tăng 0,5ha lên 31,1ha; khu đô thị mới - khu 1 tại phường Hoà Phú, Phú Tân tăng 3,2 ha lên 709,6 ha.
Tuyến Metro Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đội vốn thêm 16.000 tỉ đồng
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo .
MRB cho biết, do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm nên cần điều chỉnh đoạn tuyến của dự án. Cụ thể, đoạn đi ngầm thành 8,9km và đoạn trên cao thành 2,6km
Việc điều chỉnh thiết kế cũng sẽ tăng nhu cầu sử dụng đất của dự án từ 49,06ha lên 92,04ha. Diện tích bổ sung sẽ được sử dụng để thực hiện hành lang bảo vệ tuyến cho đoạn đi cao và ranh giới tuyến đoạn đi ngầm.
Đổi với kinh phí thực hiện, MRB đề xuất nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 35.679 tỉ đồng, tăng 16.124 tỉ đồng (82%) so với quyết định được phê duyệt.
MRB giải trình quá trình phân bổ kinh phí: thay đổi về quy mô đầu tư, làm tổng mức đầu tư tăng 3.807 tỉ đồng; thay đổi tỉ giá quy đổi, làm tổng mức đầu tư tăng 11 tỉ đồng; các nguyên nhân về giá làm tổng mức đầu tư tăng 5.769 tỉ đồng, thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư tăng 6.536 tỉ đồng
Căn cứ vào đề xuất điều chỉnh quy mô, MRB cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án lên 2009 - 2034. Trong đó, hoàn thành xây dựng vào năm 2029, và thêm 5 năm đào tạo vận hành bảo. Như vậy, so với mốc tiến độ ban đầu (2009 - 2015), dự án đã xin lùi thời gian hoàn thành thêm 14 năm.
Được biết, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2008. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km. Trong đó, 8,5 km đường đi ngầm, 3 km trên cao.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2009 - 2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỉ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP.Hà Nội là 3.079 tỉ đồng.
Chủ đầu tư dự án lý giải, dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007 - 2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên cần có điều chỉnh.
Bình Thuận công khai 43 dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận vừa phát đi Công văn số 4241 về việc công bố công khai danh sách các dự án có vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, TP. Phan Thiết có có 13 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, như: Khu du lịch sinh thái Oscar (6,35ha); Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An-Mũi Né (2,69ha); Khách sạn du lịch Hữu Lợi (1,82ha); Dự án Sentosa Villa (15,37ha); Dự án The Balé (11,37ha); Khu biệt thự Revera Park (9,4ha); Khu du lịch Minh Sơn (4,57ha); Khu du lịch Thành Hưng (4,82ha); Khu du lịch Mũi Né Infity (28,9ha); Khu du lịch Ngọc Khánh (2,65ha); Dự án Resort Hotel Lamuine 2 (4,37ha); Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (55,4ha); Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang (1,07ha).
Tại thị xã Lagi có 8 dự án gồm: Khu du lịch sinh thái Whale Hill, Khu du lịch E DEN, Khu du lịch Thu Hằng, Khu du lịch Làng Tre La Gi, Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân, Khu du lịch Song Thành, Khu du lịch Mũi Đá, Khu du lịch Việt Chăm.
Tại huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án gồm: Khu du lịch Huy Hoàng (1,85ha); Khu du lịch Cẩm Thái; Khu du lịch Honey Beach; Khu du lịch Đại Tây Dương (7,9ha); Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết (4ha); Khu du lịch sinh thái Kê Gà (18,8ha); Khu du lịch Thuận Quý I (5,08ha); Khu du lịch Liên Hương - Sài Gòn 911,63ha); Khu du lịch Ngọn Hải Đăng (52,8ha); Khu du lịch Hòn Lan (Golden Orchid – 9,8ha).
Huyện Bắc Bình có 8 dự án gồm: Khu du lịch Hawaii (9,8ha); Dự án du lịch Hòn Nghề 1 (7,7ha); Khu du lịch sinh thái Francisco Bay; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Cát (4,4ha); Khu du lịch Tazon Resort (95,5ha); Khu du lịch sinh thái Delverton; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bàu Trắng - Hòn Hồng; Khu du lịch sinh thái Hồng Quang - Phan Thiết 91,2ha).
Huyện Tuy Phong có 5 dự án gồm: Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (2,9ha); Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys (4,5ha); Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông (28,6ha); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê (1,9ha); Khu du lịch Hải Yến (2,2ha).
Hà Nội giao 5 huyện lập đề án lên quận
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký quyết định về việc ủy quyền cho UBND các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện việc lập đề án thành lập quận, phường của 5 huyện.
Theo quyết định, UBND TP Hà Nội giao 5 huyện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án. Sở Tài chính bố trí vốn lập đề án và hướng dẫn các huyện thủ tục, trình tự thanh quyết toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ theo dõi, tham mưu thành phố giải quyết vướng mắc trong quá trình lập đề án.
Thời hạn UBND TP Hà Nội ủy quyền cho các huyện trên lập đề án lên quận từ nay đến hết 31/12/2025.
Trong 5 huyện định hướng lên quận, Đông Anh có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn. Tiếp đến là Gia Lâm gần 115 km2, dân số 280.000, 20 xã và 2 thị trấn.
Hoài Đức có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000, gồm 19 xã và một thị trấn. Đan Phượng rộng hơn 77 km2, dân số trên 174.000, gồm 15 xã và một thị trấn. Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất trong số 18 huyện, thị xã của Hà Nội, với hơn 63 km2, dân số trên 200.000, gồm 15 xã và một thị trấn.
Quảng Ngãi đề xuất hủy phê duyệt 5 dự án khu dân cư, khu đô thị
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản giải trình các nội dung liên quan đến đề xuất hủy bỏ các đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Sở Xây dựng cho rằng, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định “quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn” tại khoản 1 Điều 46 và tại khoản 11 điều 3 quy định “Thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc hủy bỏ”.
Tại Công văn số 4358 (ngày 13/7/2022) của Chính phủ cũng nêu rõ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Do đó, theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, các đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500: Khu đô thị Bàu Giang, tỉnh Quảng Ngãi; Khu dân cư bờ Bắc kết hợp chỉnh trang đô thị, TP. Quảng Ngãi; Khu đô thị mới Nam Trường Chinh; Khu đô thị thương mại - dịch vụ Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi; Khu đô thị bờ Nam sông Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi, được các nhà đầu tư lập theo quyết định chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt.
Tuy nhiên, nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động đầu tư dự án và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý đối với các quyết định chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, hủy bỏ các đồ án quy hoạch chi tiết đối với 5 dự án khu dân cư, khu đô thị này. Đồng thời, hủy bỏ các quyết định đã ban hành cùng với hủy bỏ quy hoạch đã phê duyệt…
Ngoài ra, Sở Xây dựng nhận thấy, không cần giữ lại hiệu lực 2 đồ án Quy hoạch chi tiết lệ 1/500 của 2 Khu đô thị: Bàu Giang và Nam Trường Chinh, theo kiến nghị của UBND huyện Tư Nghĩa. Vì nội dung này không hợp lý, không có tính khả thi (do không còn chủ đầu tư).
Bảo Châu (t/h)
Bình luận
Nổi bật
Giá bán nhà trong ngõ “ngang ngửa” nhà mặt phố nhưng giao dịch lại “ảm đạm”
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 20:10
Sau chung cư, thị trường bất động sản chứng kiến nhà trong ngõ tăng giá đến "chóng mặt". Thậm chí nhiều căn được rao bán giá cao ngang nhà mặt phố, song giao dịch thực tế lại khá chậm, thậm chí không có thanh khoản.
Giá chung cư tăng cao vượt xa thu nhập, giới trẻ ngày càng khó mua nhà?
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 20:09
Giấc mơ mua nhà đã vượt xa ngoài tầm với của nhiều người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ khi giá nhà đất thời gian gần đây liên tục tăng, đã “bỏ xa” thu nhập.
TS Đinh Trọng Thịnh: Quyền lực thị trường nằm trong tay người bán, cầu lớn nhưng cung hạn chế
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 20:09
Hiện nay thị trường bất động sản, quyền lực đang nằm trong tay người bán. Giá nhà liên tục tăng bởi việc giảm giá nhà là rất khó khi chủ đầu tư dùng vốn huy động để thực hiện các dự án nhà ở, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.