Tích cực tăng tốc trong cuộc đua hạ tầng tại Đồng bằng sông Cửu Long

(CL&CS) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực đẩy mạnh đầu tư, triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn bởi so với các vùng lân cận, ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc kết nối hạ tầng.

Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá sau nhiệm kỳ này, khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

ĐBSCL có diện tích hơn 39.000 km2, gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Những năm qua, hạ tầng giao thông khu vực này đã có nhiều chuyển biến với loạt dự án được xây dựng như mở rộng quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Cần Thơ; xây dựng cao tốc TP HCM - Trung Lương; tuyến đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp...

Nơi đây cũng đã có nhiều cầu lớn vượt sông trên quốc lộ 1, xây mới như cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền, cầu Cần Thơ vượt sông Hậu, cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với tỉnh Bến Tre.

Mặc dù vậy, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và nhận thấy giao thông của vùng hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Trung ương đã rất tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông, vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn là do trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.

Trước bối cảnh đó, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định, đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km của cả nước; đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.

Cuộc đua hạ tầng tại các địa phương

Về phía các địa phương, từ đầu năm, các dự án hạ tầng giao thông cũng ghi nhận nhiều chuyển động mới. Cần Thơ hiện đang là địa phương có nhiều chuyển động hạ tầng nhất vùng ĐBSCL.

Trong năm nay, Cần Thơ đã và sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn như quyết định mới phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang được triển khai trên địa phận quận Cái Răng, TP. Cần Thơ và các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Với tổng mức đầu tư dự án là 10.370 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 7, UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND TP Cần Thơ về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm nay. Trong đó, có 2 dự án hạ tầng giao thông lớn là đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ và ĐT.921 đoạn tuyến thẳng. Tổng diện tích đất cần thu hồi cho 2 dự án này là 180 ha.

Hay như hồi cuối tháng 5 vừa qua, thành phố cũng đồng ý bố trí 1.061 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn Cần Thơ.

Ngoài ra, tại Cần Thơ còn đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) giai đoạn 2, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ; dự án đường sắt trọng điểm là đường sắt TP HCM - Cần Thơ…

Tại Hậu Giang, cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, xây dựng các công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua bố trí ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang). Ngoài ra, hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản chấp thuận UBND tỉnh Hậu Giang chuyển mục đích sử dụng 29,32 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đường tỉnh 926B.

Tháng 2, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (nay là quốc lộ 61C), đoạn từ km10 + 200 (ranh giới giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) đến km47 + 352 (điểm cuối dự án quốc lộ 61C).

Đối với tỉnh Sóc Trăng, tháng 6 vừa qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã nghe báo cáo về đề xuất dự án đường ven biển nối Trà Vinh, Bạc Liêu với tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2.

Sóc Trăng cũng là một trong ba địa phương có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn, hồi tháng 5, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Nghị quyết bố trí 1.000 tỷ đồng (tương đương 50%) để giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng có 5 công trình trọng điểm liên vùng là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cầu Đại Ngãi và cảng Trần Đề.

Mới đây, tỉnh Long An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương với quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp (đầu tư thêm 4 làn cao tốc). tháng 4, HĐND tỉnh Long An cũng đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM, đoạn qua tỉnh Long An. Cuối tháng 1, UBND tỉnh Long An cũng đã tổ chức khởi công dự án cầu bắc qua sông Cần Giuộc nối liền bờ sông thuộc địa phận xã Phước Lại với thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Đối với Cà Mauthời gian qua, đây cũng là một trong các địa phương thuộc ĐBSCL có nhiều sự chuyển biến về hạ tầng, trong năm nay, Cà Mau đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.152 tỷ đồng.

Với nguồn vốn trên, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư vào 10 dự án trọng điểm, trong đó, có 7 dự án hạ tầng giao thông.

Cụ thể, hai dự án do Trung ương đầu tư gồm: Tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Cà Mau và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc địa bàn huyện Thới Bình.

5 dự án giao thông do địa phương đầu tư gồm: Cầu sông Ông Đốc; tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường.

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.