Thứ năm, 11/12/2014, 15:09 PM

Thủ tướng chính phủ ban hành điều lệ trường Đại học

(NTD) - Thủ tướng chính phủ mới ban hành điều lệ trường Đại học và qui định nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Ban Quản lý KCN cao Hòa Lạc

Ban hành Điều lệ trường đại học

Điều lệ trường đại học vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều lệ này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trường đại học, gia đình và xã hội; tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học.

Điều lệ này áp dụng đối với trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (trường đại học) thuộc các loại hình công lập, tư thục trong hệ thống đào tạo giáo dục quốc dân. Các trường đại học thành viên của đại học quốc gia áp dụng Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các trường đại học thành viên của đại học vùng áp dụng Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các quy định về hoạt động của trường đại học, quyền lợi của người học tại Điều lệ này; các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác đầu tư, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học, riêng về tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà trường không được thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Điều lệ này.

Cơ cấu tổ chức của trường đại học

Trường đại học có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 14 của Luật Giáo dục đại học. Việc thành lập, giải thể các đơn vị thuộc trường đại học; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật, của Điều lệ này và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ về cơ cấu tổ chức; có trách nhiệm công bố công khai và báo cáo về cơ cấu tổ chức, người đại diện của nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

Nhiệm vụ, quyền hạn của trường đại học

Trường đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 28 của Luật Giáo dục đại học. Quyền tự chủ của trường đại học thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể như quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường; thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí tương ứng với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường đại học; tuyển sinh và phát triển chương trình đào tạo...

Trách nhiệm xã hội của trường đại học thể hiện ở các hoạt động: Báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ này.

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Ban Quản lý KCN cao Hòa Lạc

Thủ tướng Chính phủ vừa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ban Quản lý) là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy định của pháp luật. Ban Quản lý (tổ chức tương đương Tổng cục) có tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu hình Quốc huy, là đơn vị dự toán cấp 1, là đầu mối được giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Ban Quản lý có nhiệm vụ xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao.

Ban Quản lý còn có nhiệm vụ quản lý quy hoạch và xây dựng; quản lý nguồn vốn và kế hoạch phát triển như: Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao quản lý theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao...; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá trong nước và nước ngoài để thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Công nghệ cao; quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao... 

Về tổ chức và quản lý hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; quản lý và thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, Ban Quản lý sẽ quyết định các lĩnh vực công nghệ ươm tạo, đối tượng ươm tạo và hình thức ươm tạo; quyết định các hình thức hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, nhóm nghiên cứu tham gia ươm tạo phù hợp với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình hỗ trợ, hưởng các chính sách ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, thương mại hóa sản phẩm tại Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật...

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm 9 đơn vị: Văn phòng; Ban Kế hoạch ­ Tài chính; Ban Hỗ trợ đầu tư; Ban Quy hoạch, Xây dựng và Môi trường; Ban Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Đào tạo; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Dịch vụ tổng hợp; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển, điều động theo quy định của pháp luật.

Công bố danh mục hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương công bố danh mục hàng hóa và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành cần khẩn trương rà soát, xây dựng và công bố danh mục hàng hóa và ghi mã số HS đối với các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục hàng hóa tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ­CP theo đúng quy định.

Đồng thời công bố danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ­CP.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương làm việc với các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường để rà soát tiến độ, có các giải pháp cụ thể mở rộng việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống, kết nối Cơ chế một cửa quốc gia theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 56/QĐ­BCĐASW ngày 11/8/2014 của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quản lý tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại đơn vị quốc phòng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, các khoản thu được từ việc sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng gồm: Tiền thu từ bán nhà và tài sản khác gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Tiền thu từ chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng vào mục đích quốc phòng (đất quốc phòng) sang sử dụng vào mục đích khác; Tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích khác. 

Toàn bộ số tiền thu được theo quy định nêu trên được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ tài khoản. Bộ Quốc phòng được sử dụng số tiền thu được nêu trên để chi trả các chi phí liên quan đến xử lý nhà, đất, gồm: Kiểm kê, đo vẽ nhà, đất; xác định giá, thẩm địnhgiá và chi phí tổ chức bán đấu giá; tiêu huỷ (tháo dỡ, hủy bỏ, làm biến dạng tài sản); di dời (tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt máy móc, thiết bị (nếu phải di chuyển); chi phí hỗ trợ để di dời các hộ dân đang ở tại vị trí cũ (nếu có) và chi phí khác có liên quan.

Số tiền còn lại sau khi đã chi trả cho các chi phí nêu trên được sử dụng cho các nhiệm vụ: Nâng cao tiềm lực quốc phòng; đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; đầu tư xây dựng doanh trại, cơ sở sản xuất quốc phòng và các nhiệm vụ quốc phòng quan trọng, cấp bách theo các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép sử dụng tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/1/2015.

Thảo Hiền

Bình luận

Nổi bật

Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm

Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 12:20

(CL&CS) - Armenia thông báo Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…