Dữ liệu cũ
Thứ ba, 08/10/2019, 10:39 AM

Thổ cẩm làng Teng

(NTD) - Thổ cẩm làng Teng ở Quảng Ngãi dường như đã “ngủ quên” sau ngọn nương, con rẫy. Tiếng khung cửi như tỉnh lại và tràn đầy sức sống sau khi thổ cẩm của người H’rê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tấm thổ cẩm khó nhọc

Tối 25/9, UBND huyện Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa vật thể quốc gia với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành.

Cụ bà Phạm Thị Triều, 63 tuổi cho biết nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở đây đã có từ thời xa xưa. Những năm chiến tranh, nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây đã bị mai một rất nhiều. Nhiều khung cửi cất giữ lâu ngày bị mối mọt không dùng được nữa. Trong khi đó nguồn nguyên liệu đặc trưng để dệt thổ cẩm của người H’rê ngày càng hiếm.

Ngày xưa, để có tấm thổ cẩm, đồng bào phải tận dụng bãi bồi ven sông Liêng trồng cây vải lấy bông se sợi, rồi vào núi tìm rễ cây về nhuộm vải. Còn bây giờ, cây bông vải đã nhường chỗ cho một số loại cây kinh tế như mì, bắp, đậu, mía nên bà con muốn dệt vải phải mua chỉ sợi, không hợp với thổ cẩm truyền thống nữa.

Làng không còn mấy ai theo được nghề truyền thống, nhưng một số người già trong làng vẫn kiên quyết không bỏ khung cửi.

Thổ cẩm dệt xong, dân làng phải đi bộ đến làng bản khác để bán. Ban ngày mọi người đi làm nên phải đi bán vào buổi tối, trời sáng mới trở về nhà, vất vả vô cùng.

Vừa luôn tay luồn chỉ sợi vào khung cửi, già Triều cởi mở: “Hồi mới dệt trở lại, để bán được một tấm thổ cẩm thì cái chân phải đi nhiều nhưng mình vui vì nhiều đồng bào mình vẫn còn yêu thổ cẩm lắm. Họ còn thích mặc đồ truyền thống của dân tộc nhất là khi lên rừng lên rẫy hay đến mùa lễ hội. Bán thổ cẩm cũng có tiền nên mình mua được nhiều bò và nhiều heo nhờ thổ cẩm đấy. Nay mình hết đói, hết nghèo rồi”. Còn chồng già Triều thì cười: “Giàng cho nó cái chân khỏe, cái tay khéo và cái bụng tốt nên nó dệt đẹp và đưa thổ cẩm làng mình đi khắp nơi, cái bụng nó lúc nào cũng chỉ có thổ cẩm thôi. Nhưng người làng khác cũng thích thổ cẩm lắm đấy!”.

Để dệt được tấm thổ cẩm, bà con nơi đây phải đến các quầy bán hàng tạp hóa mua chỉ màu. Mỗi kg chỉ màu đen có giá 125.000 đồng, cộng 1-2 lạng chỉ màu khác có thể dệt được 2 tấm kàtu. Để có một tấm kàtu thành phẩm, phải mất thời gian từ 2-3 ngày dệt liên lục. Vất vả nhiều nhưng mỗi tấm kàtu bán được từ 300.000-350.000 đồng. Giá thành tính ra cũng khá đắt, nhưng cuộc sống của đồng bào vùng cao Ba Tơ hôm nay khá giả hơn trước, nên bà con ai cũng muốn mình có một chiếc váy đẹp mặc trong dịp Tết cổ truyền dân dộc hay ngày lễ, ngày hội.

a
Nghề dệt thổ cẩm đã được hồi sinh và tạo việc làm cho nhiều người dân H’rê nơi đây.

Giữ nghề dệt truyền thống

Chị Phạm Thị Sinh là người H’rê đưa những tấm thổ cẩm đi khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Chị chia sẻ: “Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách... để dễ bán hơn!”

Phụ nữ ở Làng Teng hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì hầu hết từ già đến trẻ đều biết nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau vụ mùa thu hoạch có thời gian nhàn rỗi thì bà con bắt tay vào việc dệt thổ cẩm.

Thời xưa và cả bây giờ, với người H’rê thì con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải biết trước khi đi lấy chồng. Mỗi người con gái trước khi có chồng, thường được thừa hưởng nghề dệt từ bà ngoại, bà nội và từ mẹ. Ngày trước khi chưa có điện như bây giờ, sau những ngày mùa hoặc những đêm trăng thanh, con gái trong làng quây quần bên nhà những người già để học lấy nghề.

Bản làng có nhiều người dệt nên rất nên thơ. Hình ảnh người con gái H’rê ngồi dệt thật duyên dáng, khéo léo. Những chàng trai H’rê muốn chọn vợ cũng tìm đến lân la se vải, trộn màu...

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào H’rê hiện nay chỉ có duy nhất ở làng Teng. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi mở các lớp học nhằm ngăn chặn sự mai một của nghề truyền thống, góp phần ổn định đời sống của người H’rê. Tuy vậy, việc sản xuất và mua bán vẫn còn mang tính chất tự phát, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.

Sắp tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với các tour du lịch, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc H’rê vừa thúc đẩy phát triển đời sống dân địa phương.

Tiêu Dao - Thế Sơn

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.