Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ phát triển mô hình nông nghiệp xanh
(CL&CS) - Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm," đã giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
Tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương trên cả nước đã tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản.... Nhờ vậy, ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thu hoạch 3,48 triệu héc-ta, tăng 0,5%; năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch là 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%. Đối với cây ăn quả chủ lực, sản lượng cũng tăng, như: Sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; xoài 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%... Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi phát triển ổn định, đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại. Tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2,9%; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 2,6 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%...
Phát triển nông nghiệp bền vững
Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,83%, tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53 tỷ USD. Đây là thành tựu đáng khích lệ của Việt Nam.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả và trái cây 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.
Về tổng thể, phát triển nông nghiệp xanh mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…
Đặc biệt, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.
Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ. Có thể kể đến, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.
Để triển khai Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra 3 nhóm chính sách: 1) Nhóm chính sách quy định trực tiếp đến nông nghiệp xanh (bao gồm quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường); 2) Nhóm chính sách là các công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường (gồm giấy phép khí thải các-bon, trợ cấp hỗ trợ việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, hình thành các Quỹ Bảo vệ môi trường, áp dụng các loại phí bảo vệ môi trường và thuế sử dụng tài nguyên); 3) Nhóm chính sách liên quan đến công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức (bao gồm việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, công bố các trường hợp gây hại môi trường đối với cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức...).
Việt Nam cũng đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam và Văn phòng Tăng trưởng bền vững để thực hiện và thúc đẩy tăng trưởng xanh quốc gia.
Tiếp đó, tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành Nông nghiệp là tiền để thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững như: 1) Cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; 2) Tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.
Ngay sau COP26, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững yêu cầu: Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Ngay sau đó, tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững... Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050.
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm," đã giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
Giải pháp phát triển ngành nông nghiệp xanh
Hiện nay, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Khó khăn vướng mắc trong thực tiễn sản xuất: Giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón đang tăng cao, thương hiệu nông sản, được mùa mất giá, nạn phân bón giả, doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành nông nghiệp, nguồn nhân lực chủ yếu chưa qua đào tạo, đất bị suy thoái… Giá nhân công, chi phí trong sản xuất nông nghiệp cao đã hạn chế không mở rộng sản xuất của người nông dân.
Giá vật tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn. Công tác dự báo thị trường còn yếu; hoạt động xúc tiến thương mại nông sản còn hạn chế... 80% nông sản xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến sâu rất thấp, vì vậy giá trị nông sản không cao, dẫn tới thu nhập của bà con nông dân thấp, không ổn định.
Cụ thể các giải pháp:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.
Khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất; sử dụng hiệu quả đất lúa, đất rừng; sử dụng đất đa mục đích tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh quy mô lớn, gắn sản xuất với thị trường.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp xanh, bao gồm: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2023, chính sách phát triển kinh tế trang trại và phát triển kinh tế hộ. Phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Hai là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nông sản xanh; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất xanh. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản xanh...
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Xác định khoa học và công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, quản lý quy trình từ sản xuất đến thương mại sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn để có thể sản xuất các sản phẩm xanh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia...
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân.
Thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng, quy trình sản xuất xanh cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã...
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp xanh; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro theo cam kết, hội nhập quốc tế; tranh thủ kinh nghiệm nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp xanh nhất là phát triển thị trường tín chỉ các bon, canh tác nông nghiệp giảm phát thải.
Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nông sản. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; xây dựng hình ảnh sản phẩm xanh, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm.
Để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp. Với sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kỹ thuật số, phát triển nông nghiệp xanh, Việt Nam tự tin sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc về nông nghiệp trên thế giới.
Liên Liên
Bình luận
Nổi bật
Áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 giúp bệnh viện nâng cao chất lượng xét nghiệm
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 15:01
(CL&CS)- Việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 trong xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện.
Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14
(CL&CS)- Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang vừa có công văn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Áp dụng HTQLCL ISO 9001 - từng bước cải tiến, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:12
(CL&CS) - Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” của nhiều cơ quan, đơn vị hiệu quả hơn, giúp thấy rõ các vấn đề thuộc hoạt động nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.