Thứ năm, 03/09/2020, 12:05 PM

Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giai đoạn 1950 - 1975

(CL&CS) - Đảng, Nhà nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến việc phát triển hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL). Trong từng thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta đều kịp thời đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với cơ chế quản lý, với bối cảnh quan hệ quốc tế để dẫn dắt hoạt động TCĐLCL phát triển đúng hướng, nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe, an toàn, môi trường, quyền lợi người tiêu dùng.

Trong Tạp chí Chất lượng và cuộc sống số 1/2020, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, đã có bài “Bác Hồ với ngành TCĐLCL” nêu bật được công lao to lớn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác đối với hoạt động TCĐLCL. Trong loạt bài viết về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL, bắt đầu từ số này, sẽ điểm lại một số nội dung minh chứng chính theo các thời kỳ tương ứng với các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước. Trong số này xin giới thiệu sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL trong giai đoạn 1950-1975, từ thời điểm Bác Hồ ký Sắc lệnh số 08/SL đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.

1
 

Từ lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta còn đang trong giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Đảng và Nhà nước ta đã  luôn giành sự quan tâm sâu sát đến hoạt động TCĐLCL. Ngày 20/1/1950 một sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành TCĐLCL ở nước ta đã diễn ra, đó là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL quy định thống nhất đo lường ở nước ta theo hệ Mét, đặt nền tảng  pháp lý vững chắc cho hệ thống đo lường của nước ta. Đó là sự nhìn nhận vô cùng sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đối với một lĩnh vực chuyên ngành, nhưng lại liên quan mật thiết tới sản xuất và đời sống của đông đảo Nhân dân, cũng như trong quan hệ giao thương, hợp tác khoa học-công nghệ với các nước.

Sau khi Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) được thành lập vào ngày 04/3/1959, công tác TCĐLCL đã được coi là một công cụ gắn kết khoa học - kỹ thuật với sản xuất, là tiền đề để thực hiện thống nhất hoá, chuyên môn hoá, cơ khí hoá nền sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và từng bước tiến lên lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta.

3
 

Để khắc phục những hoạt động đơn lẻ, rời rạc về áp dụng tiêu chuẩn của các nước, mà chủ yếu là của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ở một số xí nghiệp và một số ngành riêng biệt và mong muốn chúng ta có hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình kỹ thuật riêng, trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tháng 9/1960 nêu rõ: “Phải bắt đầu ngay việc nghiên cứu áp dụng những tiêu chuẩn, quy phạm và quy trình kỹ thuật của các nước vào điều kiện nước ta, tiến tới xây dựng cho ta một hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm và quy trình kỹ thuật thích hợp”. Yêu cầu này cũng được nhắc lại tại Hội nghị Trung ương 3, khoá III vào tháng 01/1961: “Xây dựng một số tiêu chuẩn nhà nước về nguyên liệu, vật liệu, về chế tạo cơ khí” và Hội nghị Trung ương 7, khoá III vào tháng 6/1962: “Thực hiện dần dần quy cách hóa và tiêu chuẩn hóa sản phẩm” và “sớm nghiên cứu và ban hành các chính sách, các tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật của Nhà nước, nhằm thực hiện từng bước tiêu chuẩn hoá...”. Ngày 13/01/1961 Ban Chấp hành Trung ương ra Thông tri số 15-TT/TW về việc tăng cường lãnh đạo hoàn thành tốt công tác xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật ở các xí nghiệp, công trường. Trong đó Ban Bí thư nhắc các đảng đoàn các bộ, các cấp ủy đảng, các địa phương và xí nghiệp chú ý “tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác này, chú ý khắc phục những tư tưởng có ảnh hưởng đến việc tiến hành cuộc vận động như bảo thủ, ngại khó, các cấp ủy cần nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực sự dựa vào quần chúng và tích cực lãnh đạo, giúp đỡ các công trường xây dựng cơ bản và các xí nghiệp vận tải và một số xí nghiệp công nghiệp làm chậm, tiến hành tốt cuộc vận động. Cần có kế hoạch tiến hành nghiên cứu xét duyệt các đề nghị về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của các xí nghiệp, công trường kịp thời”. Đây là những chỉ đạo vô cùng sáng suốt và đúng đắn tạo cơ sở hình thành công tác tiêu chuẩn hóa ở nước ta.

Những chỉ đạo sáng suốt và các yêu cầu đúng đắn trên của Đảng đã dẫn đến việc thành lập cơ quan chuyên trách về TCĐLCL. Ngày 04/4/1962, Nhà nước đã thành lập Viện Đo lường và Tiêu chuẩn trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (năm 1970 tách thành hai viện là Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn). Ngày 06/4/1971, Nhà nước thành lập Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá trực thuộc Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Cũng thời gian này, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn thành Cục Đo lường và Cục Tiêu chuẩn, nhấn mạnh đến vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Từ đó hình thành 3 cục riêng biệt, nhưng gắn kết với nhau quản lý ba mặt công tác tiêu chuẩn hoá, đo lường và chất lượng.

1
 

Về tiêu chuẩn hóa, để hoạt động sớm đi vào nền nếp, hơn một năm sau kể từ khi cơ quan chuyên trách đầu tiên về đo lường và tiêu chuẩn được thành lập, ngày 24/8/1963, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành hai nghị định, đó là Nghị định số 123/ CP  ban hành Điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và Nghị định số 124/ CP  ban hành Điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy trình, quy phạm kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp. Các Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên cho hoạt động về tiêu chuẩn hoá ở nước ta. Trong chỉ đạo thực tiễn, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn quan tâm nhấn mạnh vai trò và nhắc nhở phải phát triển công tác tiêu chuẩn hóa. Năm 1970, trong bài nói chuyện tại xí nghiệp sản xuất xe ca Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Mọi khâu sản xuất phải có định mức lao động, có tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật”, “ ... Muốn xuất khẩu được phải phấn đấu cơ giới hoá nhanh để mở rộng sản xuất, phải hiểu rõ tiêu chuẩn quốc tế về kinh tế kỹ thuật, về phẩm chất, về giá thành để sản xuất hàng tốt và rẻ”.  Tháng 4/1972, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác tiêu chuẩn hoá, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở các bộ, ngành và các địa phương không được lấy lý do thời chiến để xem nhẹ công tác tiêu chuẩn hoá, Thủ tướng nói: “Nếu ta tiêu chuẩn hoá tốt và nhanh thì đó chính là biện pháp lớn để tiến lên sản xuất lớn, sản xuất cơ khí hoá, sản xuất hàng loạt và đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân phát triển với một tốc độ rất nhanh”. Năm 1973, trong Quyết định số 159/ TTg đã yêu cầu “phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng tiêu chuẩn các cấp” và yêu cầu “các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thiết kế, các trường học kỹ thuật phải tổ chức vận dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn đã ban hành. Phải coi tiêu chuẩn là pháp lệnh, không được làm khác tiêu chuẩn nếu không thuộc diện ngoại lệ được cơ quan ban hành tiêu chuẩn cho phép châm chước...”. Những chỉ đạo, các văn bản quy định nêu trên của Đảng, Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển công tác tiêu chuẩn hóa ở nước ta.

Về đo lường, ngày 26/12/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 186/CP ban hành “Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là sự kế thừa và nâng lên ở một tầm cao mới Sắc lệnh 8/SL. Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được xây dựng và hoàn toàn dựa trên cơ sở hệ đơn vị quốc tế (SI). Nghị định 186/CP cũng đồng thời quy định việc thiết lập hệ thống “chuẩn gốc” của đơn vị đo lường hợp pháp, quy định các chuẩn được đặt tại Viện đo lường và Tiêu chuẩn thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đầu những năm 70 thế kỷ trước, nhất là từ sau khi hiệp định Paris (27/1/1973) được ký kết, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc nước ta và cùng với nó là phong trào cải tiến quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật được triển khai mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, việc đưa các hoạt động đo lường vào nề nếp thông qua việc ban hành những văn bản, luật pháp “gốc” mang tính toàn diện và hoàn chỉnh về quản lý đo lường trở thành một yêu cầu cấp thiết. Ngày 25/9/1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành hai nghị định, đó là Nghị định 216/CP ban hành “Điều lệ quản lý đo lường” (chung) và Nghị định 217/CP ban hành “Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh”.  Những văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển công tác đo lường ở nước ta. Thực tế công tác quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta từ thời điểm đó đến năm 1990 chủ yếu được thực thi dựa trên cơ sở các văn bản trên.

Về chất lượng, ngày 7/7/1973 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 159/TTg về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá làm cơ sở cho hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá ở nước ta đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Quyết định 159/TTg là văn bản  quy phạm pháp luật đầu tiên ở nước ta đã đề cập đến vấn đề quản lý chất lượng một cách tương đối đồng bộ có hệ thống, đặc biệt đã đưa chất lượng sản phẩm, hàng hoá thành một chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch sản xuất và lưu thông phân phối của Nhà nước, do đó đã tạo điều kiện cho việc chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá ở nước ta phù hợp với cơ chế kế hoạch hoá tập trung thời kỳ đó.

Tiếp theo một loạt văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TCĐLCL đã được ban hành như: Quyết định số 26/CP ngày 21/02/1974 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; Chỉ thị số 228/TTg ngày 21/9/1974 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điểm quản lý chất lượng sản phẩm;  Nghị định số 216/ CP và Nghị định số 217/ CP ngày 25/9/1974 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ quản lý đo lường chung và điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; Quyết định số 290/CP ngày 30/12/1974 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ công tác tiêu chuẩn hoá xí nghiệp công nghiệp; và hàng chục quyết định và thông tư liên bộ đã được Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước và các bộ ban hành về đăng ký chất lượng, chứng nhận chất lượng; hướng dẫn về quản lý chất lượng cho các ngành địa phương và cơ sở. Các văn bản này củng cố thêm một bước cơ sở pháp luật cho hoạt động TCĐLCL được áp dụng rộng rãi đến cuối những năm 80 thế kỷ trước.

Không phụ lòng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm từ 1950 đến 1975, đặc biệt từ sau năm 1962, khi cơ quan chuyên trách TCĐLCL được thành lập, những người làm công tác TCĐLCL đã không ngừng phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để hình thành nên nền móng đầu tiên cho cơ sở hạ tầng TCĐLCL ở nước ta. Bước đầu hình thành mạng lưới các cơ quan, tổ chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác TCĐLCL tại các bộ ngành, địa phương, các viện, trường và các cơ sở sản xuất. Đây là giai đoạn hình thành các tư duy và phương pháp luận, các quy định pháp luật, các quy định nghiệp vụ về TCĐLCL. Đến năm 1975 nước ta đã ban hành hơn 1800 tiêu chuẩn nhà nước (TCVN), hàng trăm tiêu chuẩn ngành (TCN) và tiêu chuẩn địa phương (TCV) và hàng nghìn tiêu chuẩn cơ sở (TC). Các tiêu chuẩn này đã tạo ra nề nếp ban đầu cho ngành công nghiệp non trẻ của nước ta thời kỳ đầu cơ khí hoá và các ngành, lĩnh vực khác. Công tác bảo đảm đo lường, quản lý chất lượng được hình thành và bước đầu đi vào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Những thành tựu bước đầu ấy đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của Nhà nước trong việc lãnh đạo phát triển hoạt động TCĐLCL là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với cơ chế quản lý thời kỳ đó và tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển hoạt động TCĐLCL ở các giai đoạn sau này./.

Vũ Văn Diện, Ngô Thị Ngọc Hà,

Nguyễn Văn Thoan

Bình luận

Nổi bật

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

(CL&CS) - Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.