“Siết” cao ốc để “cứu” giao thông

(CL&CS)-Nhiều năm nay, nhà cao tầng đua nhau mọc lên như nấm ở TP.HCM làm tăng đột biến dân số trong khi cơ sở hạ tầng, đường giao thông chưa mở rộng theo quy hoạch. Chính vì vậy, thành phố đang siết chặt việc xây cao ốc sau nhiều năm “thả nổi” khiến hạ tầng giao thông quá tải.

 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến năm 2022, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất đô thị tại TP.HCM là 12,76%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm. Các chỉ tiêu như mật độ đường tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị của TP.HCM đều thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore,...

Còn tốc độ tăng phương tiện giao thông đang cao gấp 3 lần hạ tầng. Trung bình mỗi ngày có 127 ôtô và 638 xe máy đăng ký mới. Đến nay, TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông.

Nghìn xe nối dài mỗi ngày, người lớn muộn làm, trẻ muộn học

Mỗi buổi sáng, nhiều tuyến đường cửa vào trung tâm TP.HCM xảy ra kẹt xe khủng khiếp, kéo dài từ sáng đến gần trưa khiến nhiều người bức xúc, chỉ biết “than trời” do bị trễ giờ làm, con muộn học.

Cụ thể, các tuyến đường như Cộng Hòa, Trường Chinh, Phan Đăng Lưu,… hàng nghìn ô tô, xe máy nối nhau, biển người chen nhau nhích từng chút một giữa thời tiết hè nắng nóng. Chưa kể có những ngày mưa đường sá ẩm ướt, phương tiện di chuyển chậm hơn.

Theo chị Kim Yến (25 tuổi, trú tại quận Tân Bình), từ 7 giờ sáng, tình trạng kẹt xe đã diễn ra trên đường Trường Chinh, đoạn ngã tư Trường Chinh – Phan Văn Hớn đến cổng Khu công nghiệp Tân Bình. Đoạn đường chưa đến 1km nhưng mất gần 30 phút mới di chuyển qua được mặc dù không có sự cố giao thông hay tai nạn nào trên đường. Chị cho biết mỗi buổi sáng xuống đường là một “nỗi ám ảnh”, nhà chỉ cách chỗ làm hơn 4km nhưng có nhiều hôm phải mất đến 45 phút chị mới tới được công ty.

“Tôi từng thử đi đường khác để tránh kẹt xe nhưng không mấy khả thi vì ai cũng nghĩ giống mình nên đi đâu cũng gặp ùn tắc. Có nhiều người sốt ruột chạy xe lên cả vỉa hè”, chị Yến chia sẻ.

Những người dân ở gần đây phản ánh tình trạng kẹt xe thường xảy ra từ 7h sáng và kéo dài hơn 2 giờ, dù lực lượng CSGT đã có mặt tại các giao lộ để phân luồng điều tiết giao thông nhưng không thể “hạ nhiệt”.

Bà Thu (trú tại đường Trường Chinh, Tân Bình) buôn bán nhiều năm đã quá quen với hình ảnh kẹt xe mỗi sáng và chiều. Bà cho biết người đi bộ, đi xe buýt những lúc cao điểm cũng “bó chân”, vì xe máy leo lề kín vỉa hè.

“Bán đồ ăn sáng ở đây rất khó vì sáng sớm kẹt xe, khói bụi, người ta tranh thủ lái xe chứ ai đâu mà mua đồ ăn. Chỉ cần vài người đứng lại mua là còi phía sau đã inh ỏi rồi.”, bà Thu thở dài.

Xe cộ đông, việc buôn bán của các tiểu thương cũng bị ảnh hưởng.

Hàng ngàn phương tiện chen chúc nhau trên một đoạn đường dài "không lối thoát". 

Giao thông “oằn mình” vì cao ốc

Tình trạng kẹt xe còn xảy ra trên các tuyến đường như: Nguyễn Hữu Thọ đoạn qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7), Âu Cơ (quận 11, Tân Phú, Tân Bình), Sư Vạn Hạnh (quận 10), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức), Bến Vân Đồn (quận 4),... là những con đường “cõng” trên mình hơn chục tòa nhà cao ốc, khiến các con đường “nghẹt thở” khắp mọi lối.

Nguyên nhân chính dẫn đến hạ tầng quá tải là vì từ trước đến nay, việc cấp phép xây dựng các cao ốc còn khá lỏng lẻo, có nơi khá dễ dãi, buông lỏng, thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, từ trước đến nay chỉ dựa vào tính chất, quy mô dự án và hạ tầng tương lai dẫn đến hệ luỵ kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước... Đặc biệt, với các dự án đã được chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, việc đánh giá tác động chỉ có ý nghĩa xem xét, đề xuất biện pháp giảm tiêu cực nên chỉ giải quyết “phần ngọn”.

Hệ luỵ là nhiều cao ốc, chung cư vẫn được “cắm” ở những nơi hạ tầng quá tải hoặc chưa kịp đầu tư. Có những nơi công trình giao thông chỉ mới triển khai, dự án bất động sản đã “đón đầu” ồ ạt. Trong khi việc mở rộng các tuyến đường sau này sẽ rất khó bởi giá đất tăng, thành phố muốn giải phóng mặt bằng phải bỏ kinh phí “khổng lồ” và không nguồn ngân sách nào có thể kham nổi.

Tính bắt đầu từ khi có công trình cao ốc đầu tiên của TP.HCM, từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 200 tòa cao ốc “chọc trời” và chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, khu vực trung tâm, mua sắm sầm uất. Toàn thành phố hiện có trên 1.000 tòa nhà cao từ 25m, tập trung ở các quận 1, 2, 3, 5, 7, 9 và Thủ Đức.

Nhồi cao ốc vượt sức hạ tầng, giao thông  

Siết cao ốc để “cứu” giao thông

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất và được Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý với phương án triển khai đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới, đặc biệt là cao ốc trước khi cấp phép xây dựng.

Cụ thể kể từ tháng 5/2022, thành phố quy định tất cả dự án xây dựng cao ốc (bao gồm cao ốc văn phòng, nhà ở chung cư thấp tầng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị - tiệc cưới…) phải thiết kế phương án kết nối giao thông. Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động giao thông công trình đầu tư xây dựng, gửi cùng với hồ sơ dự án trình cho cơ quan chủ trì thẩm định. Những công trình lớn phải bổ sung đánh giá tác động giao thông từ khi quy hoạch, lập dự án, để xác định quy mô đầu tư và đưa ra các biện pháp giảm tiêu cực.

Việc đánh giá tác động giao thông sẽ dựa vào quy mô, diện tích dự án. Trong đó, chung cư hoặc khu nhà thấp tầng; nhà nghỉ, khách sạn, diện tích sàn tối thiểu 50.000 m2, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, siêu thị, từ 10.000 m2. Riêng công trình xây nhà hàng, tiệc cưới, diện tích tối thiểu từ 5.000 m2, văn phòng làm việc từ 15.000 m2... Nếu đánh giá không đạt yêu cầu, dự án sẽ không được đầu tư, hoặc triển khai theo giai đoạn để phù hợp thực tế.

Về phạm vi, dự án ở nội thành sẽ đánh giá tác động trong bán kính 0,5 km, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức. Khu vực ngoại thành bán kính 0,3 km, gồm các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Trước thông tin TP. Hồ Chí Minh siết quản lý xây dựng cao ốc, giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố.

Thu Trang

Bình luận

Nổi bật

Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản tham gia “đường đua”, thị trường đang thực sự sôi động trở lại?

Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản tham gia “đường đua”, thị trường đang thực sự sôi động trở lại?

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:16

Thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi làn sóng môi giới, doanh nghiệp thành lập mới đều tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Đây được coi là những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang trên con đường sôi động trở lại.

Chính phủ đề xuất đưa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực trước 6 tháng

Chính phủ đề xuất đưa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực trước 6 tháng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:15

Mặc dù Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở từ cuối năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào 1/1/2025, tuy nhiên Chính phủ đang đề xuất đưa hai luật này vào thực tế từ 1/7 tới, nghĩa là sớm hơn 6 tháng.

Không còn tâm lý chờ đợi, nhà đầu tư bất động sản đã sẵn sàng “xuống tiền”?

Không còn tâm lý chờ đợi, nhà đầu tư bất động sản đã sẵn sàng “xuống tiền”?

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:13

Hiện tại, nhà đầu tư đã thể hiện tâm lý tích cực hơn, sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm nay mà không còn tâm lý chờ thị trường “tạo đáy” như trước kia.