Dữ liệu cũ
Thứ hai, 21/09/2015, 13:35 PM

Rèn luyện kỹ năng hay xúi dại?

(NTD) - Dư luận khắp nơi đang có những phản ứng mạnh mẽ về sách rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cấp 1 dạy các em đi qua mảnh thủy tinh vỡ, tự đâm kim vào tay… để vượt qua sợ hãi và thể hiện lòng dũng cảm. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất bất bình về những bài học quái gở này.

Giẫm lên thủy tinh để rèn dũng cảm

Cụ thể, bài học mang tên “Bạn An dũng cảm” được đăng trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 của tiến sĩ Phan Quốc Việt có nội dung: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Rèn luyện kỹ năng hay xúi dại 1
Một em học sinh của Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đang thử bước qua thảm thủy tinh.
Rèn luyện kỹ năng hay xúi dại 2
Sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” và những bài học gây tranh cãi.

Trước những phản ứng kịch liệt từ các bậc phụ huynh vì lo sợ trẻ sẽ bị thương khi thực hành bài học “kỳ lạ” này, chủ biên cuốn sách là tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết đi qua thủy tinh là bài học rèn luyện lòng dũng cảm đã được thế giới cũng như nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống áp dụng trong nhiều năm qua nhưng chưa từng nghe nói có trờng hợp học sinh bị thương. “Tôi đã nghiên cứu kỹ để đảm bảo an toàn cho các bạn nhỏ. Theo nguyên tắc vật lý, mảnh vỡ thủy tinh có độ dày 3cm hoặc nhỏ hơn thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Ngoài ra, các thầy cô còn dùng băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ. Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân”, ông Việt phân tích. Theo ông Việt, mục đích quan trọng nhất của việc đi qua thảm thủy tinh là khiến các em “cảm nhận được tận cùng nỗi sợ hãi, sau đó động viên các em từng bước một vượt qua được đoạn đường đó, giúp các em nhận ra: đáng sợ như vậy mà mình cũng có thể vượt qua, thì sau này chuyện gì mình cũng đối mặt được”.

Dũng cảm hay chơi dại?

Tuy nhiên, có vẻ như ông Việt đã bỏ qua tính tò mò, thích bắt chước mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có. Cho dù các thầy cô đã cẩn thận tính toán để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng khó có thể chắc chắn sẽ không xảy ra thương tích nếu các em muốn tự thực hành ở nhà, hoặc gặp những trường hợp mảnh vỡ thủy tinh rơi vãi ở nơi không được trải thảm và không có băng kết dính. Chị K. Hương, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học K.Đ cho biết: “Nếu các em khi đang ở nhà hoặc đi ngoài đường mà thấy một cái ly, một chai thủy tinh vỡ, mảnh văng tung tóe mà các em cũng tưởng là giẫm lên không sao thì thật tai hại.

Rèn luyện kỹ năng hay xúi dại 3
Học viên nhỏ tuổi khóc nức nở khi vừa bị bịt mắt vừa phải nghe chuyện buồn.

Hoặc các em về nhà muốn tự thực hành thêm thì sẽ ra sao, khi mà các em chưa thể nhận biết được những quy tắc vật lý, những thủ thuật phức tạp để bảo đảm an toàn cho bản thân. Như vậy việc đi trên mảnh thủy tinh vỡ không còn là bài học rèn luyện lòng dũng cảm nữa, mà là dạy trẻ… chơi dại”. Chị Hương cũng cho biết mình không đồng tình với cách biện hộ của ông Việt rằng: “Nếu học đi trên thảm thủy tinh có thể chảy máu, thì học bơi cũng có thể chết đuối nhưng người ta vẫn học”. Theo chị Hương: “Biết bơi là một kỹ năng cần thiết và giúp ích cho cuộc sống, nhất là khi ở Việt Nam năm nào cũng đọc thấy thông tin học sinh bị chết đuối. Còn đi trên thủy tinh vỡ không phải là một kỹ năng cần thiết. Một người bình thường nhìn cũng biết khi thấy thủy tinh vỡ thì nên tránh chứ không phải cứ giẫm lên để chứng minh mình dũng cảm”.

Khái niệm “kỹ năng sống” đang bị hiểu sai

Theo chuyên gia giáo dục tiến sĩ Vũ Thu Hương thì có vẻ như ông Việt và một số người khác đã định nghĩa sai về khái niệm “kỹ năng sống”, dẫn đến việc kết luận mơ hồ về những phẩm chất như lòng dũng cảm, lòng vị tha… là kỹ năng sống, trong khi đây lại là các thái độ và hành vi thuộc phạm trù đạo đức. “Kỹ năng sống đơn giản là những kỹ năng cần thiết giúp một người có thể sống tốt và sống an toàn trong môi trường của họ, giúp họ biết cách bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm hoặc xử lý vấn đề hiệu quả, hợp lý như: kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu, xác định phương hướng, quản lý thời gian, tiền bạc… Việc bước qua thảm thủy tinh có thể rèn lòng dũng cảm nhưng lại không hình thành bất cứ “kỹ năng” nào cho trẻ. Dũng cảm nhưng có động đất, hỏa hoạn không biết chạy đi đâu, không biết bảo vệ bản thân như thế nào thì cũng vô ích”, bà Hương nhận xét.

Dư luận rất đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Vũ Thu Hương. Đây không phải là lần đầu tiên các giáo trình đào tạo kỹ năng sống bị dư luận lên tiếng chỉ trích. Trước đó, một trung tâm dạy kỹ năng sống tại Hà Nội đã bị nhiều phụ huynh phản đối khi cho học sinh bịt mắt và ngồi nghe câu chuyện đau buồn về một gia đình tan vỡ, khiến nhiều em khóc nức nở. Mặc dù mục đích của bài học là dạy trẻ biết trân trọng gia đình nhưng đối với nhiều người kiểu học này chẳng khác gì “tra tấn tinh thần”, “hủy hoại cảm xúc” của các em.

Rèn luyện kỹ năng hay xúi dại 4
Học sinh lớp 5 trường Nguyễn Đức Cảnh (TP.HCM) đang được cô giáo dạy cách lau nhà - một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống đơn giản mà hiệu quả.

Trước vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh, nhà sáng lập Công ty Viet Future, chuyên về đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên cho biết hiện nay các sách rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ nhỏ chưa có sự nhất quán về chương trình, về cách thể hiện, về các định nghĩa mà hoàn toàn được viết theo quan niệm chủ quan của tác giả, dẫn đến sự ra đời của nhiều bài học “lạ lùng” và xa rời thực tế. “Nhiều bài học còn sơ sài, vô cảm, thiếu sự phân tích, giải thích cụ thể về bản chất và mục đích cho trẻ hiểu. Như việc “đi qua thảm thủy tinh” là giúp trẻ vượt qua nỗi sợ của bản thân nhưng ở trong sách chỉ trình bày ngắn gọn vài dòng. Trẻ đọc vào không hiểu tại sao mình phải làm vậy trong khi từ nhỏ đến lớn bố mẹ dạy thấy mảnh thủy tinh phải tránh xa. Hay như ngay trong cuốn sách còn có bài dạy trẻ cách… cười: giơ ngón cái ở trước mặt nhìn các bạn và cười ha ha ha, chỉ ngón trỏ về phía bạn và cười, miệng há to, nhìn các bạn và cười không phát ra tiếng, cười với cây cối trong vườn… Chúng ta đều biết nụ cười giúp thư giãn và tạo sự thân thiện với mọi người, nhưng tập cười kiểu gặp gì cũng hô hô ha ha thì lại đâm ra như… dở người”, ông Phạm Ngọc Anh cho biết.

Đồng quan điểm, cô H.Hà nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học K.Đ cho biết sách dạy kỹ năng sống là phải giúp trẻ có những kỹ năng để giải quyết các vấn đề có thật trong cuộc sống, với những tình huống, mẫu chuyện minh họa cũng phải gần gũi và dễ xảy ra trong đời thực: “Lớp 1 thì nên biết không nói chuyện với người lạ, biết số gọi cho cứu hỏa, cứu thương nếu xảy ra sự cố. Lớp 2 lớp 3, biết sơ cứu đơn giản cho mình và cho người khác, biết chăm sóc em nhỏ. Lớn hơn thì học nấu những món ăn đơn giản cho mình khi cha mẹ vắng nhà… Đơn giản như thế mà hiện nay nhiều em còn chưa thực hiện được, thì cứ học mấy chuyện “cao siêu” để làm gì?”.

Học sinh tiểu học, đầu óc như một tờ giấy trắng, nên “photocopy” vào đầu óc những môn “Đức dục”, “Công dân” mới là điều cần thiết trong hiện tại cũng như mai sau cho bản thân, gia đình và phụng sự xã hội. Biết bao anh hùng dân tộc xưa nay đâu phải rèn luyện lòng dũng cảm bằng cách “đi qua thủy tinh” như sách dạy của tiến sĩ Phan Quốc Việt.

Với trách nhiệm “trồng người”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ở đâu trong tình trạng sách dạy học loạn xạ như hiện nay?

Vương Giang 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.