Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 25/06/2017, 00:26 AM

PGS.BS Lê Chí Dũng: “Lối học của sinh viên ngành y còn thụ động ”

(NTD) - Công tác đào tạo còn nhiều lỗ hổng, thực hành thiếu hài hòa giữa căn bản và chuyên sâu, các bác sĩ trẻ còn hạn chế kiến thức thực tế và ngoại ngữ khiến cho lĩnh vực nội soi cơ xương khớp nói riêng và y tế nói chung còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của thế giới, đó là những chia sẻ của PGS. BS Lê Chí Dũng về thực trạng điều trị nội soi cơ xương khớp hiện nay.

3-Le-Chi-Dung
PGS.BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nội soi cơ - xương - khớp TP.HCM đồng thời là Chủ tịch Hội Nội soi khớp - Y học thể thao Đông Nam Á.

Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với PGS. BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nội soi cơ - xương - khớp TP.HCM đồng thời là Chủ tịch Hội Nội soi khớp - Y học thể thao Đông Nam Á, về thực trạng của ngành cơ xương khớp Việt Nam hiện nay.

Năng lực bác sĩ trẻ còn non yếu

PV: Ông có thể sơ lược về phương pháp nội soi cơ xương khớp hiện nay tại Việt Nam?

PGS.BS Lê Chí Dũng:

Hiện nay, việc áp dụng nội soi trong quá trình khám, chữa bệnh và phẫu thuật liên quan đến cơ xương khớp đang ngày càng trở nên phổ biến. Khác với phương pháp phẫu thuật trực tiếp hay mổ mở trước đây, phương pháp nội soi góp phần dễ dàng phát hiện, can thiệp, xử lý các loại chấn thương và bệnh lý thông qua một thiết bị phóng đại có kết nối với camera nhỏ đưa vào khớp. Không những thế, phẫu thuật nội soi là loại phẫu thuật ít xâm hại phù hợp với khuynh hướng chung hiện nay, giúp bệnh nhân hạn chế các cơn đau, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và thời gian lưu trú ở bệnh viện.

Mặc dù phương pháp hiện đại này đã xuất hiện nhiều năm nay tại Việt Nam nhưng dường như chỉ được phát triển mạnh trong vòng 7-8 năm gần đây. Việc sử dụng triệt để các tính năng khám, chữa trị bằng phương pháp nội soi vẫn còn nhiều vướng mắc hoặc chưa phát huy được tối đa hoặc ngược lại lạm dụng kỹ thuật nội soi. Trong đó, vấn đề nhân sự luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng hàng đầu.

F7A9D404-BFDF-4F79-BA98-9A6F7AB34DAC
Hội nghị Nội soi khớp và Y học thể thao được giới chuyên môn đánh giá cao về tính thực tế thông qua các hoạt động phẫu thuật trên người bệnh tại các bệnh viện.

Theo ông, những vướng mắc về nhân sự hiện nay là gì?

Đối với một số nước có nền y tế tương đương hoặc cao hơn một chút so với chúng ta như: Thái Lan, Malaysia, Philippines… sinh viên của họ đã được trải nghiệm thực tế mang tính căn bản và chuyên sâu ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Sinh viên các nước bạn học tập tích cực, mang tính chủ động cao. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, họ được đào tạo để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu một cách hoàn chỉnh trong vòng 4-5 năm sau đại học, tương đương với tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp II ở Việt Nam. Thông thường sau đó, họ được đi thực tập sinh một vài năm ở các nước Âu - Mỹ. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp, trình bày bằng ngoại ngữ của họ khá vững vàng khi được nhận vào làm việc ở các cơ sở y tế. Nhưng tại Việt Nam, công tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa đang có nhiều lỗ hổng. Nhiều người ra trường đi làm khá lâu rồi mới đăng ký học các chuyên ngành, chuyên khoa sâu và đa số chỉ được đào tạo một nửa chương trình (đạt được bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I). Lối học của sinh viên Việt Nam còn nặng tính thụ động, mang tính lý thuyết nhiều và có tính chất bắt chước “thầy, đàn anh làm sao mình làm vậy!”.

Ngoài những hạn chế trong quá trình đào tạo còn có một sự thật buồn là phần đông các bác sĩ trẻ tuổi hiện nay chưa thật sự “nghiêm túc” trong việc học, với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vấn đề “cơm áo gạo tiền” cũng ảnh hưởng mạnh đến quá trình học tập chuyên khoa và làm việc của các bác sĩ Việt Nam. Trong các hội nghị hoặc khóa học, các bác sĩ Việt Nam thường hay “lo ra”, thiếu tập trung học hoặc làm việc, thường “tranh thủ” đi mổ hoặc uống cà phê, tán gẫu với bạn bè trong khi các học viên nước ngoài tập trung thực hành không ngơi nghỉ và tích cực hỏi các thầy. Các giảng viên nước ngoài cũng thế; với tính nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao, họ chỉ rời khỏi phòng thực tập hoặc hội nghị khi chương trình đã chấm dứt.

1C118567-BA2A-4190-9B9B-F3FB374549CC
Hội nghị thường niên kết hợp về Nội soi khớp và Y học thể thao đã quy tụ nhiều chuyên gia về lĩnh vực cơ xương khớp.

Kỹ năng nào còn thiếu đối với các bác sĩ trẻ, thưa ông?

Những hạn chế trong các kỹ năng ngoại ngữ đang là rào cản lớn đối với các bác sĩ Việt Nam hiện nay trong việc học hỏi, trao đổi trực tiếp cũng như tham khảo, tiếp thu các nguồn tài liệu có giá trị trên thế giới. Các hội thảo, hội nghị khoa học ở Việt Nam có báo cáo viên nước ngoài đều phải cần thông dịch. Mặc dù có nhiều bác sĩ Việt Nam tay nghề cao, khả năng thực hành rất tốt nhưng hầu hết đều ngại đi báo cáo nước ngoài và càng ngại khi viết một bài báo nghiên cứu đúng cách để đăng tạp chí quốc tế. Do vậy, chỉ có một số rất hiếm hoi các bác sĩ Việt Nam làm được việc này, chủ yếu là do nỗ lực và niềm đam mê, ý thích cá nhân.

Cần nhân rộng các chương trình thực tế

Cuối tháng 5/2017 vừa qua, ông đã cùng các cộng sự của mình tổ chức Hội nghị thường niên kết hợp về Nội soi khớp và Y học thể thao với các hội của Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và Pháp. Chúng ta đã nhận được gì từ hội nghị này?

Chúng tôi đã mời các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Đông Nam Á để nâng cao chất lượng chuyên môn. Cái mà chúng tôi cảm thấy hài lòng trong đợt tổ chức chương trình vừa rồi là tính thực tế trong nội dung hội nghị.

Ngoài các buổi báo cáo chuyên môn trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đã tổ chức khóa học thực hành trên xác tươi tại Đại học Y Dược TP.HCM, trực tiếp tham gia khám và phẫu thuật nội soi khớp vai và khớp gối trên bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu. Các hoạt động hướng dẫn thực hành trên xác tươi, phẫu thuật trực tiếp trên bệnh nhân của các chuyên gia hàng đầu giúp giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc hiện nay của ngành nội soi cơ xương khớp Việt Nam như: Chỉ định điều trị, kỹ thuật, thao tác, sử dụng trang thiết bị…

Vậy ông có đề xuất gì để cải thiện thực trạng trên?

Vấn đề cần thiết hiện nay là cần nhiều hoạt động thực tế tương tự để các chuyên gia, bác sĩ của chúng ta có dịp tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Chúng ta cần tạo điều kiện cho các bác sĩ Việt Nam tham gia thảo luận, trình bày các nghiên cứu của mình ở các hội nghị quốc tế trong nước và đặc biệt ở nước ngoài. Có như vậy, lĩnh vực cơ xương khớp nói riêng và y tế Việt Nam nói chung mới có cơ hội phát triển.

Đức Hùng

_NTD_So 100_xem35
 

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.