Dữ liệu cũ
Thứ ba, 29/10/2019, 09:41 AM

Ông Lương Thanh Tùng vừa giữ chức Chủ tịch Viwasupco, lương lãnh đạo tăng vù vù

(NTD) - Không lâu sau khi ông Lương Thanh Tùng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), lương lãnh đạo và nhân viên Viwasupco đồng loạt tăng mạnh.

Lương tăng vù vù

Tiền thân của Viwasupco là CTCP Nước sạch Vinaconex. Sau sự cố đường ống nước sông Đà bị vỡ 21 lần đẩy nhiều lãnh đạo công ty vào vòng lao lý, đã đổi tên thành Viwasupco. Thời gian này, Viwasupco một lần nữa khiến cuộc sống của người dân Hà Nội khốn đốn khi “vô tư” cấp nước dù biết nước đầu nguồn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ dầu thải.

Trả lời họp báo chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco đã nhận nhiều “gạch đá” từ dư luận khi khẳng định Viwasupco đã biết tình hình, bản thân ông rất muốn ngừng cấp nước nhưng cuối cùng vẫn cấp. Đặc biệt, phát ngôn “chỉ là người làm thuê” của ông Tốn được cộng đồng mạng chia sẻ tràn lan.

Ở cương vị Tổng Giám đốc, ông Tốn “chỉ là người làm thuê”. Đứng “trên” ông Tốn là Chủ tịch HĐQT Lương Thanh Tùng được bổ nhiệm vào chiếc ghế cao nhất tại Viwasupco từ ngày 11/4/2019. Ông Tùng giữ chức vụ cao nhất khi tuổi đời còn khá trẻ.

Ông Tùng vừa ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Viwasupco chưa lâu, lương của dàn lãnh đạo cấp cao và nhân viên đồng loạt tăng mạnh. Trong khi đó, các khoản đầu tư của Viwasupco lại chưa có nhiều cải thiện.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát (BKS) tăng 551 triệu đồng/tương ứng 68,5% so với 6 tháng đầu năm 2018 lên 1,355 tỷ đồng. Tuy nhiên, BKS của Viwasupco có 3 người và đều bị miễn nhiệm từ 10/4/2019 nhưng công ty chưa công bố các thành viên thay thế. Vì vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo được trả 208,5 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 34,7 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, lương và thưởng cho ban tổng giám đốc tăng 352 triệu đồng, tương đương 28,5% lên 1,585 tỷ đồng. Trung bình, mỗi lãnh đạo ban điều hành được trả 528 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 88 triệu đồng/người/tháng.

Ông Tốn vừa giữ chức vụ Tổng Giám đốc vừa là Thành viên HĐQT nên nhiều khả năng ông Tốn được trả lương hơn 100 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thù lao không hề nhỏ.

Nhưng đó chưa phải toàn bộ thu nhập của dàn lãnh đạo cấp cao tại Viwasupco. Tại thời điểm cuối quý 2/2019, Viwasupco còn có khoản phải trả khen thưởng HĐQT, BKS và ban điều hành lên đến 6,3 tỷ đồng. Như vậy, trung bình, mỗi lãnh đạo sẽ được nhận trung bình gần 790 triệu đồng nữa.

Viwasupco cũng không “quên” trả lương cao cho người lao động. Chi phí cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm tăng từ 6,78 tỷ đồng lên 8,2 tỷ đồng.

a2
Viwasupco loay hoay, không xử lý được nguồn nước bị nhiễm dầu thải.
a1
Ông Lương Thanh Tùng vừa giữ chức Chủ tịch Viwasupco, lương lãnh đạo tăng vù vù.

 

Lãi cao, đầu tư ít

Hoạt động chính của Viwasupco là sản xuất nước sạch theo Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Với tính chất độc quyền nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Viwasupco có rất nhiều thuận lợi.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2019, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 127 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng, tương ứng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trung bình, mỗi ngày Viwasupco lãi gần 706 triệu đồng. Tỷ suất lãi/vốn của Viwasupco lên tới 29% chỉ trong nửa năm.

Trong vài năm gần đây, bất chấp các ngành nghề khác biến động mạnh, Viwasupco vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Lợi nhuận sau thuế năm 2015, 2016, 2017 và 2018 lần lượt đạt 147 tỷ đồng, 161 tỷ đồng, 170 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.

Đạt lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cao nhưng Viwasupco dưới thời ông Tùng không hề chú trọng đến đầu tư. Hoạt động đầu tư lớn duy nhất của Viwasupco chỉ là dành 620 tỷ đồng cho giai đoạn 2 dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Có lẽ tập trung cho giai đoạn 2 nên Viwasupco “quên” giai đoạn cũ. Trong kỳ, công ty chỉ chi ra 327 triệu đồng cho tư vấn sửa chữa kênh dẫn nước sông Đà. Ngoài ra, Viwasupco chi hơn 1,1 tỷ đồng cho sửa chữa (nhưng không ghi nhận cụ thể hạng mục được sửa chữa).

Có thể thấy, số tiền mà Viwasupco chi cho sửa chữa, cải tạo hệ thống dẫn nước là con số khiêm tốn hơn nhiều so với chi cho dàn lãnh đạo. Vì vậy, khi sự cố dầu thải bị đổ ở nguồn nước đầu nguồn xảy ra, Viwasupco khá lúng túng xử lý hậu quả.

a
Người dân Hà Nội đang khốn khổ vì thiếu nước sạch.

Chủ tịch gắn với nhiều công ty ... bê bết

Hiện tại, trong sự cố nghiêm trọng này, dư luận nhắc đến tên Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tốn nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra, ở một công ty cổ phần, Tổng Giám đốc chưa hẳn là người có thể đưa ra được nhiều quyết sách quan trọng nhất. “Trên” tổng giám đốc còn có chủ tịch HĐQT.

Ông Lương Thanh Tùng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Viwasupco chưa được gần nửa năm nhưng lương dàn lãnh đạo và nhân viên công ty đã tăng vù vù. Tuy nhiên, đây chưa phải “dấu ấn” duy nhất của ông Tùng. Nếu xem lại lý lịch của vị chủ tịch trẻ tuổi này, có thể thấy, ông Tùng gắn liền với nhiều công ty ... bê bết.

Ông Tùng sinh năm 1978 có bằng kỹ sư kinh tế xây dựng (trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Viwasupco, ông Tùng là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex.

Con đường công danh của ông Tùng như được trải hoa hồng. Bước chân vào CTCP Tư vấn xây dựng Sông Đà từ năm 2001, chỉ mất 8 năm, ông Tùng đã đạt được vị trí Phó Tổng Giám đốc. Công ty này không có thành tựu gì đáng kể.

Trong giai đoạn 8/2010 - 1/2015, ông Tùng nắm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc CTCP Xi măng Hạ Long kiêm Ủy viên HĐQT CTCP Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (sau đổi tên thành SCI E&C). Từ 6/2015 - 2/2019, ông Tùng là Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT CTCP SCI kiêm Ủy viên HĐQT CTCP SCI E&C.

Hoạt động kinh doanh của CTCP SCI E&C khá èo uột. Trong nhiều năm liền, lợi nhuận chỉ đạt từ 4-8 tỷ đồng dù công ty có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng. Tới năm 2018, dù lợi nhuận đạt “đỉnh” nhưng con số thu về cũng chỉ là 21 tỷ đồng. Vì vậy, trong chuỗi ngày rất dài, cổ phiếu SCI thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá.

Nhưng SCI dù sao cũng không đến nỗi thua lỗ. CTCP Xi măng Hạ Long mới là nơi “đáng quên” của vị chủ tịch trẻ tuổi này. CTCP Xi măng Hạ Long là một trong nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ nặng nề và đứng bên bờ vực phá sản.

Thế nhưng, dù làm việc tại những công ty yếu kém và thua lỗ thảm, ông Tùng vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐTV Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Và thêm một điều kỳ lạ nữa diễn ra, chỉ 1 tháng sau đó, ông Tùng được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Viwasupco.

Và chắc chắn, khi mà sự cố nước nhiễm dầu thải vẫn được cung cấp đến cho người dân đang khiến dư luận “dậy sóng”, khi mà người dân Hà Nội phải xếp hàng mua nước đóng chai đang diễn ra từng ngày, từng giờ, những lãnh đạo như ông Nguyễn Văn Tốn, ông Lương Thanh Tùng không thể đứng ngoài cuộc được.

Bảo Linh

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.