Thứ sáu, 01/02/2019, 14:13 PM

Những cánh mai vàng

(NTD) - Ánh đèn màu bật lên làm cho khung cảnh gian phòng rộng nhuộm vẻ huyền ảo như trong cõi mộng xa vời.

Nhạc bắt đầu trỗi, êm êm len trong bầu không khí thoang thoảng những mùi nước hoa sang trọng, ve vuốt những mái tóc, những tà áo xa lạ.

Bên cửa sổ trông ra vườn hoa, mấy nhà quý phái trong các đại triều phục trào Louis XIII đứng nói chuyện với nhau. Giữa phòng, các bà mệnh phụ vừa ăn bánh ngọt, vừa cười nói vui vẻ.

Đầu này, mấy viên quan tòa bệ vệ trong những bộ áo ngày đại lễ viền chỉ vàng lóng lánh. Đầu kia, vài tay kỵ mã gọn ghẽ trong những bộ áo đi săn với những mái tóc chấm vai, oai phong lẫm lẫm.

Những bộ áo ấy toàn bằng giấy, những mái tóc đẹp ấy toàn là tóc giả. Vì hôm nay là ngày khai mạc hội chợ tỉnh C… trong vườn hoa của viên chủ tỉnh. Và đây là cuộc khiêu vũ trá hình theo triều đình Louis XIII. Bởi thế đàn ông đều mang một miếng lụa đen che khuất nửa mặt, chỉ chừa lại hai mắt, đàn bà thì mang lưới đen phủ cả mặt, không thể nhìn ra được.

Bỗng mọi người đều lao nhao ngó về buồng bên trái. Vua ra. Đó là một Vua Louis XIII với cái mũi rất đẹp nhưng là một cái mũi Á Đông và cái miệng hơi mỉm cười rất hợp với vai tuồng đài các. Bộ áo săn màu tím của ông lóng lánh những vòng hoa kết kim tuyến, ăn sát vào khổ người tầm thước của một thiếu niên khỏe mạnh. Sau ông là các hoàng thân, các vị hầu tước, công tước danh tiếng của triều đình. Người ta thấy cái mũi cao cao và đôi mắt xanh của viên chủ tỉnh trong vai Richelieu giáo chủ trong đám ấy.

Cánh cửa phòng bên phải mở ra. Tất cả con mắt đều dồn về phía ấy. Hoàng hậu Anne d’Autriche bước ra trong bộ áo săn màu da trời, theo sau là những công chúa, mệnh phụ cao cấp, lưới đen phủ mặt.

Cả một thế giới đài các xa hoa Tây phương hiện ra trên một địa điểm ở Việt Nam như từ một thời xưa xa xôi của lịch sử Pháp lạc lõng về đây.

Trái với lịch sử, Vua không tiếp đón Hoàng hậu để nghe nàng khen ngợi cách trang sức của ngài. Và mỗi người chia nhau ngồi các bàn, tiếng Pháp chen lẫn tiếng Việt. Những thiếu nữ trong triều - con của các thân hào trong tỉnh - mặt không mang lưới, lo việc thết đãi quan khách với những nụ cười tươi như hoa xuân.

Hoàng hậu ngồi ở một bàn ngang bàn vua, nàng bỡ ngỡ nói rất ít và từ chối những ly rượu của những thiếu nữ mời. Mà Vân - trong vai hoàng hậu Anne d’Autriche đang bỡ ngỡ thật.

Hôm nay là lần đầu tiên nàng đi đến một buổi dạ hội như thế này với cha theo thiệp mời của viên chủ tỉnh. Đến đây, nàng lại gặp cảnh bất ngờ là bắt thăm nhằm bộ đồ Hoàng hậu. Nàng cư xử thế nào với vai thứ nhất của buổi dạ hội này? Đó là một lẽ khiến nàng băn khoăn, nàng chỉ là một nữ sinh không kinh nghiệm, chưa bao giờ tiếp xúc với người lạ, hẳn phải bối rối trước trường hợp này là lẽ đương nhiên.

Cha nàng, người thân duy nhất của nàng nơi đây, trong y phục một hầu tước như nàng đã biết sau khi bắt thăm, đang ngồi cùng bàn với Vua và giáo chủ Richelieu.

Vân nghĩ lại mà hối hận. Nếu nàng ngờ gặp cảnh này thì thà ở nhà đánh bài chơi với các em hẳn vui hơn vì hôm nay là tối mồng ba Tết, các em nàng tha hồ thức khuya và cười đùa.

Chiều mai, nàng đã phải lên Sài Gòn nhập trường, một đêm vui vẻ với các em còn thú vị hơn là ở nơi xa lạ này, giữa những người không quen biết và trong một vai tuồng khó xử.

Nhưng kìa, giáo chủ Richelieu đã đứng lên nói. Người nhân danh Vua Louis XIII và nhân danh… chủ tỉnh C… cám ơn quan khách, các tiểu thư đã sẵn lòng dự cuộc vui đầu năm trong tỉnh.

Những tràng pháo tay nổ lên giữa tiếng nổ của rượu bọt và những tiếng cười nói vang dậy.

Nhạc trỗi lên một bản valse quen biết, cổ điển, tuyệt tác của Strauss: “Ngày xưa khi đôi ta còn trẻ”. Bản nhạc du dương lãng mạn ấy đã bao lần thấm thía trong lòng Vân mỗi khi nghe nó, khi những chiếc lá rụng trong vòng rào trường nữ sinh học. Thanh, người bạn nghệ sĩ của nàng với đôi mắt đẹp, như nhìn vào một dĩ vãng dịu dàng xa, mơ màng buông ra trên dây tơ đồng điệu nhạc trầm vô tận ấy.

Những chiếc lá rụng trong màn sương lạnh, bên những bạn trẻ mà nàng đang xa và mong gặp là những giờ phút êm thắm nhất đời Vân, và bản nhạc kia, Vân tin rằng nó sẽ là mối dây nối liền với dĩ vãng xinh tươi, một khi nàng sẽ từ giã cổng trường vĩnh viễn. Nàng yêu bản nhạc ấy cũng như yêu đứa bạn liến thoắng và dịu dàng. Nó đến với nàng lúc này rất hợp thời và nàng cảm thấy như không bị lẻ loi nữa.

Nhưng nó không đến một mình, vì kìa, Vua Louis XIII đã đứng lên đến bên nàng, nàng sẽ phải cùng người thiếu niên ấy khai mạc buổi dạ hội này.

Không tránh được một việc không thể tránh, Vân đành đứng lên đưa tay cho người ấy để cùng bước ra sân khiêu vũ, và lần thứ nhất, Vân biết được cảm giác là lạ trong tay một thiếu niên không quen biết.

Chàng đưa Vân bước nhẹ nhàng theo nhịp đàn giữa những tiếng hoan hô của khách dự hội.

Hoa giấy muôn màu sắc, những vòng serpentin được tung ra chung quanh đôi thiếu niên, rơi trên vai, trên tóc hai người làm thành một tấm lưới màu sắc sặc sỡ: Xanh, đỏ, trắng, vàng…

Những cặp khác cũng lần lượt bước ra xen vào điệu nhạc quay cuồng trong tòa nhà lộng lẫy.

Vân nhắm mắt lại để mặc người thiếu niên đưa đi. Chàng quay nhẹ nhàng và bước đi tuyệt đẹp. Vân không nhìn mặt chàng nhưng nàng đã quan sát lúc nãy, đó là một thiếu niên trẻ tuổi, hình như không phải người trong tỉnh vì cái mũi ấy, gương mặt ấy nàng không nhớ được ở đâu. Cử chỉ và cách ăn nói của người ấy tỏ ra một người có học chắc chắn và rất sang trọng, nhất là mùi nước hoa đang phảng phất bên nàng, một mùi dịu dàng do nhiều thứ pha lẫn để thành một mùi riêng biệt có thể gây thiện cảm một khi tiếp xúc với ai.

Nhưng Vân không muốn để ý nhiều đến người ấy. Nàng hãy còn trẻ lắm, với cái tuổi 17 thân yêu của nàng, nàng hãy còn muốn ở lâu với các bạn trên băng trường. Với lại sau buổi dạ hội này thì nàng đã không còn gặp lại người ấy nữa, cần gì phải suy nghĩ đến kẻ mà mình chỉ gặp một lần.

Bỗng Vân nghe chàng hỏi:

- Cô là ai?

Vân không viết phải trả lời thế nào, đành ra vẻ dí dỏm:

- Là Hoàng hậu Anne d’Autriche.

- Còn tôi, tôi là Hoàng đế Louis XIII…

Vân không ngờ câu trả lời nên nóng mặt lên và im lặng.

Nhưng chàng lại hỏi:

- Hẳn cô còn đi học?

- Còn.

- Trường nào?

- Hình như ông biết không có ích lắm!

Chàng ta thản nhiên bảo:

- Có lẽ.

Rồi tiếp:

- Dẫu sao tôi cũng chắc rằng một ngày kia, khi cô đã có gia đình, thỉnh thoảng cô cũng sẽ nhớ đến buổi dạ hội ít có này mỗi khi cô nghe đến bản “Ngày xưa khi đôi ta còn trẻ”.

Vân không trả lời vì nàng không biết phải nói gì. Vừa lúc ấy, chàng bước chân chậm lại, với tay lên tường gỡ một tờ lịch nhét vào tay nàng:

- Để cô sẽ nhớ buổi dạ hội hôm nay, cô hãy giữ tờ lịch này, vì cô sẽ không bao giờ biết được mặt tôi, cũng như tôi chưa biết mặt cô. Nhưng cái “không biết” được ấy hẳn cũng thú vị vì ta chỉ nhớ người của lịch sử. Anne và Louis XIII mà hai thiếu niên Việt Nam chúng ta đang mang vai hiện giờ…

23
Tranh minh họa Louis XIII (ngồi )và Hồng y (Richelieu) áo đỏ. (Tranh trên internet).

Vân nhìn đăm đăm trên mặt bàn viết. Xa xa, tiếng súng nổ đì đùng. Đây là một ngày Tết nhưng một cái Tết không xuân.

Cái Tết năm xưa vừa tan trong trí não nhưng dư hương bản nhạc êm đềm vẫn còn văng vẳng giữa vắng lặng.

Trên bàn, tờ lịch năm xưa vẫn còn đó, chữ mồng ba tháng Giêng năm… bằng mực đỏ vẫn còn chói lọi, và bên nó, một tờ lịch khác, một cái xuân khác cũng đã qua.

Hôm nay, Vân không còn ngần ngại nhớ đến bóng chàng thiếu niên năm xưa vì không phải nàng nhớ một kẻ không tên nhưng là một người sẽ phải là chồng nàng.

Nàng mỉm cười vì bỗng dưng nàng cảm thấy “sự thật” ấy là một chuyện bất ngờ!

Sau đêm dạ hội ấy, Vân lơ đãng bỏ tờ lịch vào một hộp thơ chung với những giấy tờ mà nàng muốn để dành, rồi quên hẳn đi người thiếu niên xa lạ.

Nàng có ngờ đâu cuối niên học ấy, khi vào cuộc thi vấn đáp để lấy bằng Cao đẳng tiểu học thì nàng gặp lại cái mũi ấy, cái miệng ấy với cặp mắt nguyên vẹn không bị tấm lụa đen che khuất trên khuôn mặt của viên giám khảo, một giáo sư thật trẻ mà nàng được biết tên trước khi bước vào phòng thi: Ngô Thanh Trinh.

Chàng là một viên Cử nhân văn chương ở Pháp về được một năm như nàng đã nghe tiếng.

Chàng nhìn Vân có vẻ suy nghĩ và Vân có cảm giác rằng chàng đã nhìn ra, mặc dầu tối mồng ba Tết, mảnh lưới đen phủ kín mặt nàng.

Nàng biết mình đã linh cảm đúng, khi chàng nghiêm nghị hỏi mình về Richelieu giáo chủ (vì Trinh sát hạch môn Sử ký) và trận đánh La Rochelle của Louis XIII thân chinh.

Chót hết, Trinh nói một câu ngoài chương trình:

- Hoàng hậu Anne d’Autriche tính tình không được tốt lắm nhưng đó là lịch sử Pháp, còn hoàng hậu Anne d’Autriche Việt Nam thì rất dịu dàng và rất xứng đáng.

Giọng nói của Trinh vẫn nghiêm nghị, rất có vẻ “giám khảo” nhưng Vân hiểu chàng muốn nàng biết rằng chàng đã nhớ được mặt nàng.

Vân còn nhớ rõ Trinh nhìn kỹ một lần chót giấy căn cước của mình rồi trao trả với tiếng “cám ơn” thường lệ của các giáo sư sau khi hỏi học trò.

Bãi trường năm ấy, Vân có dịp trao tay mình cho người ấy lần thứ nhì, trong buổi lễ vị thành hôn tại dinh đốc lý. Chiếc nhẫn ấy hãy còn đây để đánh dấu một ngày kỷ niệm đã qua.

Song, một cái Tết kia, một ngày xuân khói lửa, trong khi gia đình nàng sắp sửa đồ đạc đi tản cư thì Trinh đến để giã từ. Tờ lịch trên bàn là dấu vết của ngày chia ly ấy.

Đã ba cái Tết, gia đình Vân rời khỏi tỉnh nhà, sống lây lất nơi Sài Gòn để đợi chờ sự ổn định của thời cuộc. Cha mẹ nàng đều già yếu, Vân vừa buôn bán tiếp mẹ, vừa theo học ở ban Đại học. Những cảnh xa hoa phù phiếm của cuộc đời trưởng giả ngày xưa chỉ còn là một kỷ niệm trong lòng Vân và nàng cũng không ước mong được sống trở lại. Nàng công nhận rằng thời ấy đã qua hẳn rồi. Thế hệ ngày nay, trong lúc giao thời, phải tự đào luyện mình cho thành người hữu dụng sau này để theo kịp sức tiến triển của trào lưu tiến hóa.

Nhưng đêm nay, trong những ngày nghỉ, câu chuyện ngày đầu xuân, Vân không khỏi nhớ lại những kỷ niệm tươi thắm của tuổi thơ. Những cánh mai vàng rơi rụng nhưng xuân xưa đã bao lần làm Vân bồi hồi nhớ nhung một thời cổ kính không tên. Đêm nay lại gợi nhớ lại trong lòng Vân cái buồn nhè nhẹ của cái xuân sắp qua. Nàng nhớ cái giọng sang sảng của cụ cai tổng láng giềng lúc còn ở tỉnh nhà, khi cụ ngâm hai câu thơ Đường trong một ngày xuân:

Xuân nhựt khứ đa vô hạn hận, Cựu đường mai lạc, nguyệt mông lung. (Tạm dịch: Ngày xuân qua mãi bao niềm hận, Thềm cũ mai rơi, ánh nguyệt tà.)

Làm sao nàng khỏi nhớ đến hiên cũ nhà mình, khi mùa mai rụng, nhất là nơi hiên ấy, Trinh đã dừng lại với nàng giây lâu trước khi cất bước.

Đã ba năm Vân theo dõi bóng dáng người thanh niên trên khắp nước non nhà cho đến khi chàng ra hải ngoại. Nàng vẫn nhận được những dòng chữ thân yêu của chàng từ bốn phương gởi về. Và đêm nay, Trinh ở đâu? Hẳn không phải là một dạ hội nào đó trong một vai hoàng đế bên một hoàng hậu lệ kiều như ngày mồng ba Tết nọ.

Để không phải nghĩ ngợi miên man, Vân đưa tay vặn nút máy vô tuyến điện để nghe tin tức thế giới. Bỗng nàng chú ý một giọng văng vẳng bằng tiếng Việt Nam. Giờ này, những giờ bá âm trong xứ đâu còn phát thanh nữa. Vân cố tìm và tìm được ở bên kia bờ quốc giới, ở một địa điểm xa xăm, một người Việt Nam đang nói cho khắp thế giới nghe.

Đó là một giọng rõ ràng của người Việt miền Nam, trong trẻo và hùng hồn. Vân đã mất đoạn đầu:

“… Nước Việt Nam, với những sự thành thật và cố gắng mà tôi đã giãi bày ở trên, cương quyết tiến triển để đoạt tự do của mình, hầu cùng các dân tộc yêu mến công lý trên hoàn cầu giữ vững hòa bình cho nhân loại.

Năm mới của Việt Nam đem đến cho dân tộc ấy những hy vọng thành công. Sự thành công của Việt Nam là một viên gạch chung vào công cuộc xây dựng nền tảng hòa bình của thế giới…

Nước Việt Nam muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!”.

Mặc dầu những tiếng nổ lắm khi nghe che lấp tiếng người trong máy vô tuyến điện, Vân vẫn nhận ra được cái giọng quen thuộc và rất thân mật ấy: Giọng của Trinh.

Nàng ngồi thừ ra, mắt nhìn đăm đăm như người mất hồn trên mặt kính của máy vô tuyến mà một bản nhạc từ một đài phát âm nào đấy thoảng đưa ra giữa những tiếng nổ giòn, bản đàn của nhạc sĩ thành Vienne: “Ngày xưa khi đôi ta còn trẻ”…

Cảnh dạ hội năm xưa, buổi chia tay xuân nọ như trên màn ảnh diễn lại trong lòng Vân, rơi rớt lại, họp thành một chữ S treo lủng lẳng dưới bản đồ nước Trung Hoa. Trên hình chữ S ấy, những hình người lố nhố, tay cầm tay, bước tràn trên dãy Hoành Sơn, từ Nam chí Bắc, theo nhịp quay cuồng của một bản valse vui mừng, dưới những cánh mai vàng chập chờn như những cánh bướm xuân trong một ngày nắng sáng…

Vân đang lắng hồn trong một viễn ảnh của dân tộc mà trong ấy, hẳn nàng sẽ tìm thấy bóng chàng thanh niên thân yêu giữa đám người Việt Nam điên cuồng sống giờ toại nguyện ...

Tân truyện Quốc Ấn (Xuân Đinh Hợi - 1947)

2
 

Bình luận

Nổi bật

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:16

Ý tưởng cho dự án đài thiên văn này đã được hình thành từ 26 năm trước với mục đích nghiên cứu sự tiến hóa của các thiên hà và ngoại hành tinh.

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:15

(CL&CS)- Hội đồng xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đã xem xét 16 đề cử từ các Hội đồng khoa học để chọn ra các hồ sơ xuất sắc nhất để trao giải.

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:12

(CL&CS)- Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.