Thứ tư, 25/10/2023, 09:33 AM

Nhìn thẳng vướng mắc, trở ngại để tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển

Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là việc Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, trở ngại để tập trung tháo gỡ nhanh trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Quang Khánh

Phải có giải pháp bứt phá để nền kinh tế không "giậm chân tại chỗ"

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh hai kết quả nổi bật. Một là, Việt Nam không cần thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng vẫn kiểm soát lạm phát hiệu quả với mức lạm phát cả năm 2023 ước từ 3 - 3,5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt để ngăn chặn lạm phát tăng cao. Hai là, dự báo cả năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Tuy vậy, ĐB Hoàng Văn Cường cũng lưu ý, tình trạng đình trệ diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở khu vực công mới có tình trạng một bộ phận cán bộ không dám nghĩ, không dám làm, sợ trách nhiệm, mà còn lan sang cả khu vực doanh nghiệp. Điều này có thể thấy qua việc các nguồn lực đầu vào đang rất sẵn có, nguồn vốn ưu đãi và vốn vay của ngân hàng thương mại đều sẵn sàng, nhưng doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay, khả năng hấp thụ vốn thấp. "Khi các yếu tố lao động và chính sách hỗ trợ gần như bị bão hòa, nếu không có các giải pháp mang tính bứt phá thì nền kinh tế nước ta sẽ đứng trước nguy cơ giậm chân tại chỗ", ĐB Hoàng Văn Cường nói. 

Một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm đánh giá, phân tích các số liệu về tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước tính trên GDP; số thu từ thuế và phí trên GDP cả nước; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ được đưa ra trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bởi, tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước tính trên GDP và số thu từ thuế, phí đều giảm dần qua các năm, có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu được Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đề ra.

Đồng thời, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với nhu cầu ngân sách đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn. Các khoản vay được ký mới trong giai đoạn này chủ yếu có lãi suất thả nổi; lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân có xu hướng tăng. ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, đây là thách thức lớn, đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề: với việc gia tăng cả về số vụ cháy, số người chết và số người bị thương thời gian qua thì công tác phòng ngừa cháy nổ đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Nhiều chiến dịch, nhiều đợt ra quân đã giúp công tác phòng cháy, chữa cháy được tiến hành căn cơ, bài bản hay chưa mà để dẫn đến số lượng vụ cháy nổ gia tăng nhiều trong năm 2023?   

Nêu ra thực tế sau mỗi vụ cháy nổ nghiêm trọng chúng ta sẽ có đợt chỉ đạo rất mạnh mẽ, nhưng sau đó công tác thanh tra, kiểm tra lại không làm thường xuyên, quyết liệt, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đây là một nguyên nhân khiến tiềm ẩn cháy nổ cao. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra về xử lý các vụ cháy nổ; chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ và tạo kỹ năng ứng phó tốt cho mỗi người dân khi xảy ra các vụ việc này.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm đến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá xăng điện tăng, phân bón, vật tư sản xuất nông nghiệp gia tăng; các hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thu nhập của công nhân, người lao động sụt giảm, đời sống khó khăn; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động…

Các đại biểu Quốc hội Tổ 3 (Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) thảo luận tại tổ. Ảnh: Quang Khánh
Các đại biểu Quốc hội Tổ 3 (Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) thảo luận tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn, nhưng thực hiện chậm

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. "Nói điều này không phải tự khen đất nước mình, nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước thì cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của chúng ta và có sự rất chân thành trong trao đổi khi nói về ấn tượng đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua", Chủ tịch nước chia sẻ. 

Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, hạn chế và khó khăn còn rất nhiều, trong đó có tình trạng nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được. “Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn, nhưng thực hiện chậm. Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã nói con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm. Trong các kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Đây là một khó khăn của chúng ta”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh tác động từ bên ngoài, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Chủ tịch nước cho rằng, có nguyên nhân từ phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.

Theo Chủ tịch nước, Kết luận của Đảng đã đưa ra yêu cầu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Việc này để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. Nhưng điều này chưa thực hiện được. Có nhiều việc quyền hạn không rõ, cứ mỗi lần đi hỏi thì mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng cho rằng, có nguyên nhân từ tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó nên nhiều việc không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rồi nhưng phân cấp rất khó khăn. Một nguyên nhân nữa là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Đó là khuyết điểm. Là cán bộ thì không thể né tránh, sợ trách nhiệm được. Nhưng sợ sai là đúng vì sợ sai để mình phải làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định, đó là một phẩm chất cần thiết của cán bộ. 

“Những kết quả rất quan trọng mà chúng ta đạt được là rất đáng khích lệ và phần nào đó có thể tự hào với khu vực và thế giới, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để tập trung tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thanh Hải ( Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Khoa học và công nghệ: “Chìa khóa” để bứt phá năng suất trong nông nghiệp.

Khoa học và công nghệ: “Chìa khóa” để bứt phá năng suất trong nông nghiệp.

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:59

(CL&CS) - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là “chìa khóa” để “bệ đỡ” nền kinh tế phát triển bền vững, trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam.

Công nghệ là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động

Công nghệ là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:59

(CL&CS) - Vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn bứt phá, trở thành một điểm sáng trên tiến trình làm chủ công nghệ của mình, một trong những chiến lược quan trọng đó chính là phát triển khoa học, công nghệ và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Hoạt động đo lường: Đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong xã hội

Hoạt động đo lường: Đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong xã hội

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:23

(CL&CS) - Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp những thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hoá quá trình công nghệ, tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu và năng lượng.