Dữ liệu cũ
Thứ ba, 16/07/2019, 07:43 AM

Nguy cơ chiến tranh thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản

(NTD) - Các tranh cãi về lao động cưỡng bức trong chiến tranh giờ chuyển sang các biện pháp phòng thủ và có thể là đối đầu thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Trận đôi co giữa hai cường quốc kinh tế châu Á sẽ là trận tuyến mới trong cuộc chiến thương mại nếu Hoa Kỳ “không có can thiệp khéo léo”...

Ngay sau cuộc họp G20 kết thúc tại Osaka, Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình OLED, bao gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), khí gas ăn mòn (hydrogen fluoride) và photoresist (chất cản quang). Các công ty Nhật Bản phải xin cấp phép từng hợp đồng khi bán ba loại vật liệu trên cho đối tác Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Nhật Bản, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD. Nhật Bản sản xuất 90% lượng nhựa nhiệt dẻo trên toàn cầu, khoảng 70% gas ăn mòn và 90% chất cản quang.

Quyết định mới khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế. Tổng thống Moon Jae-in gọi “đây là tình trạng khẩn cấp” gây hại cho nền kinh tế Hàn Quốc và có thể gây hại cho chuỗi cung ứng và màn hình điện thoại thông minh trên toàn cầu. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề bằng ngoại giao. Tôi hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ đáp lại” - ông Moon nói và kêu gọi Nhật Bản không để căng thẳng đi đến “đường cùng”.

Hôm 10/7, Tổng thống Moon đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 30 tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix, Hyundai Motor và Lotte để thảo luận về tác hại của cuộc khủng hoảng mới. Ông cũng cảnh báo các tập đoàn Hàn Quốc về “cuộc đấu lâu dài” với Nhật Bản.

2

Quyết định của Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất hàng điện tử toàn cầu khi Hàn Quốc và Nhật Bản giữ vai trò thống lĩnh trong ngành sản xuất chip điện tử. (Graphics: NAR).

Tranh kiện tại WTO

Seoul cáo buộc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng Tokyo vi phạm luật quốc tế. Đại sứ Hàn Quốc tại WTO Paik Ji-ah khẳng định rằng quyết định mới là “vô căn cứ” và nhấn mạnh “không có quy định nào của WTO cho phép các quốc gia áp đặt kiểm soát xuất khẩu”. Các nhà quan sát nói phát biểu này cho thấy Hàn Quốc sẽ sớm đệ đơn lên WTO.

Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại WTO Junichi Ihara giải thích đây không phải là cấm vận thương mại, mà đơn thuần chỉ thay đổi thủ tục, đánh giá hoạt động cần thiết để kiểm soát xuất khẩu dựa trên các mối quan tâm an ninh của Tokyo, chứ không nhằm đối phó với nước láng giềng Hàn Quốc. Tại cuộc họp báo hôm 10/7, Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cũng nói rằng, lệnh hạn chế cần thiết để quản lý xuất khẩu vì mục đích an ninh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo rằng Nhật Bản không có ý định nhượng bộ. “Đây là quyết định không thể thương thảo và không thể gỡ bỏ được” - ông Seko phát biểu.

Các quốc gia thành viên WTO thường tự dàn xếp các tranh cãi thương mại trước khi WTO lập ủy ban phán xử. Nhật Bản không có kế hoạch tham dự bất cứ phiên tham vấn nào có thể mà Hàn Quốc viện cớ để khởi kiện chính thức lên WTO.

1

Lệnh hạn chế xuất khẩu ba loại nguyên liệu cao cấp dùng trong sản xuất màn hình máy tính, smartphone và chất bán dẫn. (Graphics: NAR).

Lo ngại về an ninh

Căng thẳng thương mại nổ ra khi tòa án Hàn Quốc ra các phán quyết tịch thu tài sản của các công ty Nhật Bản để bồi thường cho lao động bị cưỡng bức thời chiến tranh Triều Tiên. Nhật Bản luôn khẳng định các vấn đề liên quan đến bồi thường đã được dàn xếp trong hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký năm 1965 và Tokyo đã hoàn tất việc bồi thường khi đã chi trả 500 triệu USD. Trong cuộc tranh luận về bầu cử tuần rồi ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã cáo buộc Seoul “thất hứa”.

Căng thẳng gia tăng khi một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản cho rằng, một số lượng khí gas ăn mòn xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên dùng để chế tạo bom hóa học, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Seoul tức giận bác bỏ “những cáo buộc vô căn cứ” và nhấn mạnh động thái của Tokyo chẳng qua nhằm trả đũa phán quyết của tòa án Hàn Quốc

3

Samsung Electronics đang chật vật tìm nguồn khí gas ăn mòn sử dụng trong vật liệu bán dẫn. (Ảnh: Nikkei Asian Review).

Sự im lặng của Hoa Kỳ

Hai đồng minh lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Á đang trong rạn nứt quan hệ trầm trọng nhất kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953. “Cả hai nhà lãnh đạo đều không tương thích với bất cứ việc nối lại các quan hệ chính trị nào. Đánh giá về ông Moon tại Tokyo không đẹp chút nào, còn tại Seoul ông Abe được xem là đáng bị trục xuất” - Jonathan Berkshire Miller, chuyên gia về các vấn đề an ninh Đông Bắc Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản tại Tokyo, nhận định.

“Đã đến lúc người dân và chính phủ hai nước phải hạ nhiệt các cuộc tranh cãi nảy lửa. Cần nhìn lại các mối liên kết quan trọng trong một bối cảnh rộng hơn” - ông Shin Kak-Soo, từng giữ chức đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản từ năm 2011-2013, nhận định. Cựu Đại sứ Shin cũng kêu gọi Hoa Kỳ thể hiện “sự ảnh hưởng nhẹ nhàng và khéo léo” với hai đồng minh của mình. Ông cũng thúc giục Hàn Quốc tìm ra giải pháp đối với vấn đề cưỡng bức lao động và Nhật Bản rút quyết định hạn chế xuất khẩu.

Cho đến giờ chính quyền của Tổng thống Donald Trump không có bất cứ tuyên bố về tranh cãi giữa hai đồng minh. Tuy nhiên, một ngày trước cuộc họp khẩn 12/7, ông David Stilwell - tân Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Bắc Á và Thái Bình Dương - đã đến Tokyo. Nhà Trắng chỉ nói các cuộc thảo luận của ông ấy với quan chức Nhật Bản sẽ bàn thảo về quan hệ với Hàn Quốc.

“Cả hai bên đều không tự giải quyết được vấn đề” - Kunihiko Miyake, từng làm ngành ngoại giao nay là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan, Kyoto, nhận định. Bước ngoặt chỉ đến khi doanh nghiệp và thị trường tài chính đưa ra phản ứng mạnh và rõ ràng. “Đó là khi một trong hai bên hay cả hai sẽ xem xét lại” - Miyake phát biểu với hãng Bloomberg.

Ricky Hồ

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.