Văn hóa và Đời sống
Thứ bảy, 06/04/2024, 19:55 PM

Người đàn ông ở Bắc Ninh đam mê làm nghề hiếm có ai theo, tự tin khẳng định không lo thất nghiệp

Anh Nguyễn Văn Thạo được coi là người hiếm hoi còn giữ được “lửa” đam mê với nghề khắc mộc bản xưa.

Nghề khắc mộc bản in sách ở nước ta đã có từ lâu đời. Khi người Việt sử dụng chữ Hán (thời Bắc thuộc), cha ông ta đã học được nghề làm giấy và khắc ván in từ người Trung Quốc. Thế nhưng, khi đạo Phật trở thành quốc đạo, kinh Phật trở thành nhu cầu của cả tầng lớp quý tộc lẫn bình dân, thì việc in khắc sách tất yếu phải có. Từ đó nghề khắc mộc bản ở nước ta có những bước phát triển nhất định.

Thế nhưng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nghề khắc mộc bản trở nên xa lạ với nhiều người.

Hiện nay, ở Bắc Ninh vẫn còn một người nặng lòng với nghề. Đó là anh Nguyễn Văn Thạo (sinh năm 1974, ở xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ngay từ nhỏ, cậu bé Thạo đã mê nghề đục, chạm khắc. “Nhà tôi ngay gần chùa Bút Tháp - một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc cổ truyền, tôi hay ra đó xem và bị ‘hút hồn’ bởi những nét đục chạm của thế hệ trước để lại. Chính vì thế tôi ‘khởi nghiệp’ bằng nghề khắc gỗ”, anh Thạo nhớ lại.

Một bản kinh Phật do anh Thạo khắc trên gỗ thị. Ảnh Vietnamnet

Một bản kinh Phật do anh Thạo khắc trên gỗ thị. Ảnh Vietnamnet

Được biết, bố anh công tác trong ngành văn hoá, anh được gia đình hướng cho đi học và làm công việc ở cơ quan nhà nước, nhưng anh không đồng ý vì đam mê của mình là khắc mộc bản. Khi dần thấy nghề khắc mộc bản bị mai một, quyết tâm giữ nghề của anh lại càng cao.

Với cái nghề đòi hỏi sự tỉ mẩn đến từng chi tiết, anh phải rất tập trung trong từng công đoạn. Những mũi dao, mũi đục bé xíu, được anh cẩn thận, khéo léo 'chuyển thể' trang kinh chữ Hán từ bản in trên giấy thành bản được khắc trên gỗ.

“Làm mộc bản đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ chọn gỗ đến khắc chữ, hòa mực, lăn mực đến in trên giấy để được bản in đẹp, sinh động nhất. Gỗ được chọn phải mềm, chủ yếu tôi dùng gỗ cây thị. Gỗ lấy về phải đưa qua nhiều công đoạn như xẻ, phơi cho tới khi đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên”, anh Thạo chia sẻ.

Để tạo ra một tấm mộc bản thì cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết. Ảnh: Vietnamnet

Để tạo ra một tấm mộc bản thì cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết. Ảnh: Vietnamnet

Điểm đặc biệt là dù cho mỗi chữ có kích thước chỉ vỏn vẹn khoảng 1cm, nhưng chứa hàng chục nét ngang dọc, vì thế công việc khắc mộc bản này đòi hỏi người làm phải hết sức bình tĩnh. Khó nhất là những nét móc, vì có cả chục kiểu móc khác nhau, phải làm sao lột tả đúng được những đường nét khi đuôi chữ hất lên, khi mềm mại, khi rắn rỏi.

Sau mỗi con chữ, anh Thạo đều ngồi ngắm lại những đường nét trên mặt gỗ. Những chữ được anh tạo ra uyển chuyển, không khác gì người viết bằng bút lông. Nhìn cách anh chăm chút từng nét chữ có thể thấy nghề này đòi hỏi chữ nhẫn và sự tập trung cao độ.

Nếu khắc chuông, khắc bia đá, người ta khắc âm bản, các nét chữ tạo thành do người ta đục vào thân chuông, thân bia. Tuy nhiên đối với khắc mộc bản, các nét chữ tạo thành bằng cách đục hết phần còn trống trên ván gỗ, chỉ để lại phần nét, tạo thành bản khắc nổi, gọi là khắc dương bản. Sau này, phủ mực lên, úp tờ giấy dó vào là sẽ in được một bản kinh.

Khắc mộc bản đòi hỏi sự kỳ công hơn, dành nhiều tâm huyết hơn chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Ảnh: Vietnamnet

Khắc mộc bản đòi hỏi sự kỳ công hơn, dành nhiều tâm huyết hơn chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Ảnh: Vietnamnet

Một điều cần lưu ý nữa, khắc chữ Hán được xem quá trình khó nhất trong mộc bản. Anh Thạo chỉ khắc được khoảng 25 chữ mỗi ngày. Chính vì thế với những cuốn sách dày hàng trăm trang thì mất vài năm mới hoàn thành.

Đặc biệt, anh chia sẻ rằng, làm nghề này không bao giờ sợ ‘thất nghiệp’ vì hiện tại trên cả nước những người làm nghề khắc mộc bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Thạo cũng khẳng định anh là người duy nhất ở Bắc Ninh làm công việc này. Mỗi năm anh nhận việc khắc kinh từ các chùa, làm từ năm này sang năm khác vẫn không thể làm hết.

Để có thành quả như ngày hôm nay, anh Thạo cũng phải mất gần 10 năm miệt mài học hỏi. Thế nhưng, cho dù vất vả nhưng anh luôn tìm thấy niềm vui trong nghề: “Nghề khắc mộc bản không có nhiều thu nhập, nhưng lại giúp con người ta tĩnh tâm. Tính ra, khắc mộc bản kinh Phật mang về cho tôi khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Dù thu nhập không nhiều, nhưng tôi vẫn chuyên tâm với nghề khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại”, anh Thạo nói.

Anh Thạo là người duy nhất ở Bắc Ninh giữ nghề mộc bản. Ảnh: Vietnamnet

Anh Thạo là người duy nhất ở Bắc Ninh giữ nghề mộc bản. Ảnh: Vietnamnet

Vì có rất nhiều người giới thiệu, anh có cả khách nước ngoài tìm đến và nhờ khắc. Tuy nhiên, anh nhiều khi phải từ chối vì làm không nổi. Hiện tại, anh Thạo đang truyền nghề cho 2 người cháu gần nhà vì cũng có đam mê khắc mộc bản, với mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn và tiếp nối những giá trị của ông cha.

Thợ khắc ván in thời xưa gọi là “tử nhân”. Muốn làm nghề khắc ván in phải học việc, có thầy hướng dẫn chu đáo, phải tập khắc nhiều lần, tinh ý cũng phải một năm mới thành nghề. Người thợ khắc ván in phải thuộc 200 bộ chữ Hán, hiểu luật viết chữ Hán, chữ Nôm và thuộc mặt chữ càng nhiều càng tốt. Thuộc dạng các chữ viết xuôi chưa đủ mà còn phải nhận được dạng các chữ in ngược vì bản khắc chữ ngược, khi in mới được chữ xuôi.

Anh Thạo là người duy nhất ở Bắc Ninh giữ nghề mộc bản. Ảnh: Vietnamnet

Anh Thạo là người duy nhất ở Bắc Ninh giữ nghề mộc bản. Ảnh: Vietnamnet

Ngoài yêu cầu về thuộc mặt chữ, người thợ phải rèn luyện phong cách làm việc chính xác, tỉ mỉ, tinh tường và sự kiên nhẫn phi thường so với nhiều nghề thủ công khác. Cũng như in chữ quốc ngữ hiện nay, chữ Hán, chữ Nôm chỉ cần sai một dấu chấm là dẫn đến sự hiểu lầm tai hại.

Nghề khắc ván in phần lớn được kế thừa theo gia truyền. Thợ khắc kinh, truyện hay các bộ sách quan trọng của Triều đình thì phải thi tuyển, có tay nghề giỏi mới được làm. Ở làng nghề mộc bản Hồng Lục (Hải Dương) cách đây gần 1 thế kỷ có ngót 100 thợ khắc nhưng chỉ khoảng 20 người đủ trình độ khắc kinh sách.

Nam Trần

Bình luận

Nổi bật

Gia Lai tổ chức “Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2024”

Gia Lai tổ chức “Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2024”

sự kiện🞄Thứ sáu, 01/11/2024, 07:48

(CL&CS) - Từ ngày 6-12/11, tỉnh Gia Lai tổ chức Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và nghệ thuật đặc sắc và con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước…

Ocean City tổ chức Lễ hội và Cuộc thi Đèn lồng Quốc tế

Ocean City tổ chức Lễ hội và Cuộc thi Đèn lồng Quốc tế

sự kiện🞄Thứ sáu, 01/11/2024, 07:47

(CL&CS) - Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2024 – Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Sunny Việt Nam công bố khởi động Cuộc thi thiết kế và Lễ hội trình diễn đèn lồng quốc tế. Đây là cuộc thi thiết kế đèn lồng quy mô quốc tế đầu tiên được tổ chức, quy tụ nghệ nhân xuất sắc nhất đến từ các vùng văn hóa đèn lồng lớn nhất thế giới. Chương trình sẽ được tổ chức thường niên tại siêu quần thể đô thị Ocean City, kiến tạo điểm đến thưởng thức nghệ thuật và chiêm ngưỡng “di sản văn hóa phi vật thể” nổi tiếng thế giới.

Hà Nam: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Hà Nam: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch

sự kiện🞄Thứ năm, 31/10/2024, 09:16

(CL&CS) - Một trong những yếu tố để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nam đó là đòi hỏi ngành du lịch cần đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, như khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan.