Thứ hai, 21/10/2019, 10:40 AM

Người dân Hà Nội khổ vì Viwasupco: Ống nước vỡ 21 lần, dùng nước nhiễm dầu thải

(NTD) - Những ngày qua, giữa thủ đô Hà Nội, người dân lại đang khốn khổ vì phải sử dụng nước nhiễm dầu thải. Nhưng đây không phải lần đầu tiên người dân khổ vì Viwasupco. Trước đó, đường ống sông Đà vỡ tới 21 lần đã khiến cuộc sống bao gia đình lao đao.

Người dân thủ đô sử dụng nước bẩn

Gần nửa tháng trước, cuộc sống của người dân thủ đô (đặc biệt là khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai và Hà Đông) bị đảo lộn nghiêm trọng. Tất cả bắt đầu từ nguồn nước bốc mùi hôi nồng nặc, rất khó chịu. Người dân sử dụng nước để nấu ăn thì kết quả là cả cơm, canh đều hắc, tanh, nồng, phải đổ đi.

Chị Lê Thanh, một hộ dân ở chung cư Hoàng Huy (Thanh Xuân) cho biết từ ngày 10/10, gia đình cảm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về nguồn nước sinh hoạt. Ban đầu, chị chỉ nghĩ hệ thống nước gia đình có vấn đề. Thế nhưng, chị sớm nhận ra nhiều căn hộ khác cũng rơi vào cảnh phải dùng nước bẩn như chị.

“Thật kinh khủng. Nhà tôi có đến 3 đứa con nhỏ. Mới gần đây thôi, cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì môi trường ô nhiễm do chịu ảnh hưởng của vụ cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông. Mới ổn định được vài ngày thì lại khốn khổ vì nguồn nước bỗng nhiên bẩn đến lạ. Câu trả lời mà ban quản lý tòa nhà nói với chúng tôi chính là cán bộ nhà máy nước châm Flo quá tay. Chúng tôi rất ngạc nhiên với nguyên nhân này” - chị Thanh chia sẻ.

Chị Thanh cho biết Ban quản lý chung cư Hoàng Huy đã liên hệ với công ty nước để kiểm tra thông tin. Bộ phận kỹ thuật của nhà máy đã phản hồi như sau: “Phía nhà máy cũng đã nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh của cư dân khu vực Thanh Xuân về sự việc trên. Nguyên nhân là do cán bộ của nhà máy đã châm Flo quá tay khi thực hiện công tác khử. Hiện nay, nhà máy đang cố gắng khắc phục”. Thời gian khắc phục chưa được báo cáo cụ thể.

Theo chị Thanh, bản thân chị và nhiều cư dân khác ở Hoàng Huy đều khá bức xúc với cách lý giải của nhà máy nước. “Tôi không tin được là cán bộ nhà máy nước lại tắc trách đến vậy. Chúng tôi đoán phải có nguyên nhân nào nữa đằng sau. Và nguyên nhân đó thực tế lại kinh khủng hơn nhiều so với chúng tôi tưởng tượng” - chị Thanh bức xúc.

Nước sạch ở những khu vực này do CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp. Không chỉ có vậy, Viwasupco còn là đơn vị duy nhất “bán” nước sạch tại đây.

a
Người dân đi lấy nước miễn phí.

Nước nhiễm bẩn dầu thải

Vài ngày sau khi người dân khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông phàn nàn về nước có mùi lạ, phải đến chiều 12/10, đoàn liên ngành TP. Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà mới có động thái đi kiểm tra, lấy mẫu về để xét nghiệm.

Chiều 15/10, UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành và Viwasupco mới họp báo thông tin về vụ việc. Kết luận được công bố tại họp báo cho thấy các mẫu nước không đạt đạt quy chuẩn về mùi vị, mẫu nước có mùi khét. Trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren - chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C - cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Theo Quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20mg/l, tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần.

Trước đó, Tiền Phong đưa tin từ tối 8/10, người dân quanh khu vực đầu nguồn nước, gần nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hòa Bình) phát hiện có nhiều dầu nhớt bị đổ ra khu vực này, bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm nguồn nước. Điều đáng nói, khu vực này là đầu nguồn nước, cung cấp nước cho người dân Hà Nội.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đến nay không có tài liệu chính thống nói về ảnh hưởng của chất này tới sức khỏe. PGS. TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội khẳng định chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thậm chí còn có thể là tác nhân gây ung thư.

Trong cuộc họp báo diễn ra trong chiều 15/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Viwasupco phát hiện ra việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy xuống vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường trong nước.

Tuy nhiên, trả lời báo chí trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho biết công ty có báo cáo tới các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, ông Tốn cũng khẳng định: “Thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng”. Nhưng sau đó, Viwasupco không dừng cấp nước vì “ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì”.

Hiện tại, người dân ở khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai được khuyến cáo không dùng nguồn nước này để nấu ăn. Viwasupco đã có động thái cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Vì vậy, mấy ngày nay, ngập tràn các trang mạng xã hội là hình ảnh người dân phải mang thùng, mang xô đi lấy nước như những năm bao cấp.

Trong khi đó, chị Thanh chia sẻ, trước khi Viwasupco cấp nước sạch miễn phí, gia đình chị đã phải mua nước đóng chai để nấu ăn và hạn chế sử dụng nguồn nước do Viwasupco cung cấp. “Biết là tốn kém nhưng tôi vẫn phải bảo vệ sức khỏe gia đình” - chị Thanh phàn nàn.

Bất chấp ồn ào, Viwasupco vẫn ăn nên làm ra

Đây không phải lần đầu tiên Viwasupco khiến người dân Hà Nội lao đao. Trước đó, trong giai đoạn 2012-2016, cuộc sống của người dân thủ đô bị đảo lộn khi đường ống nước sông Đà vỡ tới... 21 lần. Ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex đã bị truy tố.

Mặc dù dính nhiều bê bối xong theo báo cáo tài chính của đơn vị này cho thấy, Vinaconex vẫn ăn nên làm ra, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 264 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 126,5 tỷ đồng tăng 31% so với nửa đầu năm 2018 và vượt 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Viwasupco có 1.477 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả ở mức 453,5 tỷ đồng, tăng hơn hơn 88 tỷ đồng (chủ yếu là nợ dài hạn với 387,6 tỷ đồng).

Năm 2018, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đạt 218 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2017 và đạt 117% so với kế hoạch năm.

CTCP Nước sạch Vinaconex tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tháng 3/2009, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo quyết định của HĐQT tổng công ty. Tháng 9/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành CTCP Nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

Tính đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỷ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là CTCP Cơ điện lạnh (REE) với 35,95% cổ phần.

Bảo Linh - Vân Thư

Bình luận

Nổi bật

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề: “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”.

Thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế

Thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Mới đây, Bệnh viện 199, Bộ Công an phối hợp tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế” tại thành phố Đà Nẵng.

Chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Điện Biên

Chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Điện Biên

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 1.000 đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện biên, chuyển giao kỹ thuật và khám chữa bệnh từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.