Dữ liệu cũ
Thứ tư, 30/09/2020, 13:33 PM

Ngành đường chịu “cú đấm bồi” từ dịch Covid-19 và ATIGA

(CL&CS) - Chỉ 8 tháng sau khi chính thức gia nhập ATIGA, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã gia tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó là những tác động khó lường của dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh đường bị trì trệ, đứng trước nguy cơ chưa từng có…

Cụ thể, trong 950.000 tấn đường nhập khẩu vào Việt Nam, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm gần 860.000 tấn (cùng kỳ năm 2019 chỉ là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn). Nhập khẩu đường mía gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành sản xuất mía đường ở trong nước.

m3
Nhập khẩu đường mía gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành sản xuất mía đường ở trong nước.

“Cú đấm bồi” từ dịch Covid-19 và ATIGA

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay, Việt Nam bắt đầu thực hiện ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020 (đường thô được giảm thuế từ 80% xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5%). Tuy nhiên, từ khi khởi đầu vụ ép 2019-2020, ngành đường Việt Nam đã ở trong hoàn cảnh đã bị thiệt hại trước đó.

Ông Lộc lý giải, trước đây Việt Nam có 300.000 ha mía đường với khoảng 41 nhà máy thì chúng ta khởi đầu vụ ép 2019-2020 chỉ còn 157.000 ha và 28 nhà máy hoạt động. Chưa kể một đợt hạn rất nặng kéo dài trước đó. Đây là những nguyên nhân khiến sản lượng đường mía sản xuất ở trong nước niên vụ 2019-2020 ước tính chỉ đạt chưa đến 800.000 tấn, sụt giảm khoảng 400.000 tấn so với niên vụ 2018-2019.

“Thêm vào đó, vụ sản xuất 2019-2020 ngành đường Việt Nam ép được khoảng 7.566.558 tấn mía và sản xuất được 763.931 tấn đường các loại. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã có tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ đường, cộng với việc nhập khẩu đường và chất tạo ngọt với khối lượng lớn từ đầu năm đã tràn ngập thị trường khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được”, ông Lộc phân tích.

Bi quan hơn, Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam thì tài trợ cho ngành mía đường tính đến thời điểm này là con số không. Trong hoàn cảnh đó, giá thành mía của Thái Lan được Bộ Công nghiệp của Thái Lan công bố là khoảng 1.419 Bath/1 tấn mía (khoảng 1,03 triệu đồng/tấn).

“Trong năm nay, chúng ta hội nhập và thực thi ATIGA trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19 và các nước áp dụng các chính sách bảo hộ lớn cho ngành mía đường của họ, khiến cho ngành mía đường Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn”, ông Lộc nói.

Đồng tình với quan điểm ngành mía đường đang gặp thách thức “chưa từng có”, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường (Bộ NN&PTNT), thông tin thêm, mặc dù các nhà máy mía đường tăng đầu tư để đạt công suất tối ưu, nâng cao thu hồi, mức độ tự động hóa, cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, nhưng năng lực cạnh tranh của nhiều nhà máy, doanh nghiệp còn thấp (17/30 nhà máy đường đang hoạt động bị thua lỗ, một số nhà máy mất vốn chủ sở hữu)... Thêm vào đó, giá mía thấp, năng suất không ổn định dẫn đến sản xuất mía có nhiều nguy cơ thua lỗ; nhiều nơi người dân đã chuyển đổi trồng mía bằng các cây trồng khác hoặc bỏ đất hoang làm diện tích trồng mía đang ngày càng giảm.

“Thời gian tới, nguy cơ thiếu nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất đường, sản lượng đường sản xuất trong nước giảm là rất lớn. Chưa kể, giá đường trên thị trường giảm thấp, tiêu thụ đường trong nước gặp khó khăn, thua lỗ nhất là trong ba vụ gần đây khiến nguy cơ sẽ có thêm nhà máy tiếp tục phải đóng cửa do thua lỗ”, ông Duy lo ngại.

m2
Về lâu dài thì ngành đường cần sớm cơ giới hóa, cần có những chính sách giảm thuế nhập khẩu cũng như thuế VAT để đầu tư thâm canh tăng năng suất cho cây mía

Giải pháp nào để “gỡ khó” cho ngành đường?

Trước “dòng thác” nhập khẩu đường từ Thái Lan, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết, thông thường các biện pháp phòng vệ thương mại gồm ba hình thức: Tự vệ (áp dụng cùng lúc với nhiều nước, thậm chí là toàn cầu); Chống bán phá giá (CBPG); và chống trợ cấp (CTC) (chỉ áp dụng với nước bị điều tra).

“Căn cứ đề nghị của ngành sản xuất trong nước và điều kiện cụ thể, các nước thường lựa chọn một trong hai phương án, hoặc là điều tra CBPG (có thể kết hợp cùng điều tra chống trợ cấp), hoặc điều tra chống trợ cấp. Do phương án tự vệ nếu không chứng minh được thiệt hại từ bên ngoài sẽ dẫn tới bồi thường cho các nước tham gia cùng hiệp định”, ông Duy giải thích.

Hiện, ngành mía đường trong nước đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Phía cơ quan điều tra đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình điều tra. Ngoài ra, đối với sản phẩm đường mía, ngành sản xuất trong nước cũng đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, Bộ Công thương mới đây đã ra quyết định về việc khởi xướng điều tra.

Tuy nhiên, ông Duy cũng cho rằng, ngành đường cần có nhiều cách giải quyết từ sản xuất trong nước đến hỗ trợ ngành đường, nâng cao khả năng "đề kháng của cơ thể".

Cụ thể, ngoài việc tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đường và các sản phẩm từ đường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng đường; đặc biệt là các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, cần sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nghiên cứu xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp cần thiết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho rằng, giải pháp trước mắt có thể thực hiện để cứu ngành đường là sử dụng các biện pháp phòng vệ chính đáng, phù hợp thông lệ quốc tế để ngăn chặn dòng đường trắng giá rẻ đang vào Việt Nam, mà dự kiến trong năm nay là 1,2 triệu tấn, năm sau có thể lên tới 1,6 triệu tấn. Đó là giải pháp đầu tiên mà các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp và Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần cùng nhau nghiên cứu.

Song song với đó là các giải pháp căn cơ và cần những giải pháp "dài hơi" hơn, như tìm cách giảm lãi hoặc miễn lãi suất vốn vay đầu tư cho nông dân; đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

“Ngoài ra, về lâu dài thì ngành đường cần sớm cơ giới hóa, cần có những chính sách giảm thuế nhập khẩu cũng như thuế VAT để đầu tư thâm canh tăng năng suất cho cây mía; đầu tư cho nghiên cứu để các nhà máy phát triển công nghệ; ngoài ra, các giải pháp về quản lý thị trường như chống đường lậu, nhái thì vẫn phải tiếp tục làm tốt…”, ông Dương chia sẻ.

Ngày 21/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/2020/QĐ-BCT, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía, thuộc các mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.99.10 có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã vụ việc: AD13-AS01) theo qui định của pháp luật Việt Nam. Việc Bộ Công Thương thực hiện điều tra áp dụng giải pháp này nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.

Theo qui định của Luật Ngoại thương, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.

Vì thế, Bộ Công Thương khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra (mtặ hàng đường) cần lưu ý về khả năng có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước…

Bảo Lâm

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.