Khám phá những “kho tiền” tại các doanh nghiệp niêm yết

(NTD) - Một số doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh tốt đang sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng khiến bao người “thèm khát”, đặc biệt là những nhà băng xếp hàng để được doanh nghiệp chọn mặt gửi tiền.

Sở hữu “kho tiền” chục ngàn tỷ đồng

Theo dữ liệu từ báo cáo tài các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu, cuối năm 2019 có hàng chục công ty sở hữu tiền mặt và tiền gửi ngân hàng (“kho tiền”) trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn sở hữu đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Nổi bật nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Ruber Group), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), CTCP FPT là những doanh nghiệp sở hữu “kho tiền” vào ngày 31/12/2019 hơn 10.000 tỷ đồng.

a
Những doanh nghiệp sở hữu “kho tiền” trên 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Dẫn đầu danh sách là ACV có kết quả kinh doanh năm 2019 đạt 18.293 tỷ đồng doanh thu, 8.330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ. ACV là công ty sở hữu lượng “kho tiền” khổng lồ nhất trên sàn chứng khoán. Cuối năm 2019, ACV có 350 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và 30.922 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Một trong những “con gà đẻ trứng vàng” của ngành dầu khí là PV Gas. Năm vừa rồi, PV Gas đạt 75.348 tỷ đồng doanh thu và 11.941 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, “kho tiền” trị giá 29.391 tỷ đồng gần bằng lợi nhuận của 3 năm kinh doanh.

Tập đoàn đa ngành Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp vị trí thứ 3 trong những doanh nghiệp sở hữu “kho tiền” khổng lồ trị giá 19.368 tỷ đồng. Năm 2019, tập đoàn này đạt doanh thu 130.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.506 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của VEAM không có gì nổi bật, thậm chí nhiều mảng thua lỗ gây thất thoát tiền của Nhà nước khiến hàng loạt lãnh đạo từ nguyên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc bị bắt tạm giam để điều tra những sai phạm. Thế nhưng VEAM lại sở hữu “kho tiền” lớn do cổ tức tại các liên doanh ô tô với Toyota, Honda, Ford mang về. Năm vừa qua, VEAM đạt 4.486 tỷ đồng doanh thu, lãi trong công ty liên doanh, liên kết đến 7.551 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế đạt 7.313 tỷ đồng. “Kho tiền” ngày cuối năm của VEAM đạt 16.842 tỷ đồng.

Đại gia ngành bia chiếm 40% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam là Sabeco cũng có “kho tiền” dồi dào lên tới 16.509 tỷ đồng. Trong năm qua, Sabeco đạt doanh thu 37.899 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.053 tỷ đồng.

Ông lớn ngành sữa Vinamilk nhiều năm liền chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ tiền mặt khoảng 50%/năm nhưng nhờ lợi nhuận cao và ổn định nên “kho tiền” vào cuối năm 2019 đạt 15.100 tỷ đồng. Năm 2019, Vinamilk đạt 56.318 tỷ đồng doanh thu và 10.581 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, “kho tiền” của Vinamilk chỉ bằng lợi nhuận của 1,5 năm.

Vietnam Ruber Group đang sở hữu quỹ đất hơn 2.164km2 trải dài từ Nam chí Bắc trồng rừng cao su, khu công nghiệp. Năm 2019, tập đoàn này mang về 20.073 tỷ đồng doanh thu và 3.323 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy vậy, “kho tiền” tại Vietnam Ruber Group là 13.681 tỷ đồng, bằng lợi nhuận 4 năm mang lại.

a1
“Kho tiền” ngày cuối năm của PV GAS trị giá 29.391 tỷ đồng.

Gửi ngân hàng thu lãi ngàn tỷ

Đa số các doanh nghiệp có nguồn tiền dồi dào đều gửi ngân hàng để lấy lãi. Năm vừa qua, ACV đã thu được 1.276 tỷ đồng tiền lãi từ ngân hàng. Mặc dù sở hữu “kho tiền” lớn nhất sàn chứng khoán nhưng ACV đang là con nợ lớn khi vay dài hạn 15.117 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín dụng cho một số dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ nguồn vốn ODA Nhật Bản bằng đồng yên Nhật với lãi suất thấp và thời gian lên đến 30-40 năm.

Dù sở hữu “kho tiền” ít hơn ACV nhưng lãi tiền gửi tại PV GAS trong năm 2019 đạt 1.578 tỷ đồng. Sở hữu nguồn tiền dồi dào nhưng PV Gas vẫn vay ngân hàng 2.797 tỷ đồng để phải trả 199 tỷ đồng lãi vay. Đây là khoản vay bằng USD với lãi suất 2,2-5,51%/năm, khá thấp so với lãi suất gửi ngân hàng bằng VND.

Vingroup sở hữu lượng tiền và các khoản tương đương tiền cao nhất trên sàn chứng khoán lên đến 18.489 tỷ đồng nhưng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng trở lên thấp, chỉ 880 tỷ đồng nên tập đoàn này thu tiền từ lãi tiết kiệm không nhiều. Với khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn lên đến 117.525 tỷ đồng khiến năm vừa qua, tập đoàn đoàn đa ngành này chi đến 7.140 tỷ đồng để trả lãi.

Mặc dù lợi nhuận cao, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 5.275 đồng trong năm 2018 và 5.503 đồng trong năm 2019 nhưng VEAM trả cổ tức 3.884 đồng/cổ phiếu trong năm 2019 nên lượng tiền gửi ngân hàng ít. Năm 2019, VEAM chỉ nhận được 899 tỷ đồng tiền lãi tiết kiệm.

Cả VEAM và Sabeco đều khá “sạch sẽ” trong vay vốn. Cuối năm vừa qua, VEAM chỉ còn vay ngân hàng 260 tỷ đồng, trả lãi cả năm là 18 tỷ đồng. Con số này tại Sabeco lần lượt là 1.055 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.

Năm 2019, Vinamilk nhận được 724 tỷ đồng lãi ngân hàng, trong khi chi phí lãi vay là 108 tỷ đồng. Cuối năm 2019, Vinamilk lại vay ngân hàng 5.474 tỷ đồng, trong đó, 5.015 tỷ trong số này được Vinamilk vay bằng USD với lãi suất chỉ 2,24-3,52%/năm, thấp hơn nhiều so với tiền lãi tiết kiệm bằng VND.

Ngoại trừ Vingroup và FPT, các doanh nghiệp sở hữu “kho tiền” trên 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019 đều xuất thân từ Nhà nước với quy mô vốn điều lệ lớn, dẫn đầu trong ngành hoạt động. Điều quan trọng là ban lãnh đạo những doanh nghiệp này cần quản lý nguồn vốn hiệu quả để mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông Nhà nước.

Như Nguyễn

 

Bình luận

Nổi bật

Chiến tướng đời đầu VinFast kể cuộc gọi định mệnh với tỷ phú giàu nhất VN Phạm Nhật Vượng: 'Lúc đó tôi nói rằng mình làm gì có cửa mà trong 2 năm đã làm ra được xe'

Chiến tướng đời đầu VinFast kể cuộc gọi định mệnh với tỷ phú giàu nhất VN Phạm Nhật Vượng: 'Lúc đó tôi nói rằng mình làm gì có cửa mà trong 2 năm đã làm ra được xe'

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 08:17

Những thành công vang dội của VinFast không thể thiếu sự đóng góp to lớn của vị lãnh đạo này.

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:44

(CL&CS) - Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

Mặc dù thị trường mới chỉ nhen nhóm tín hiệu phục hồi, tuy nhiên không ít những phân khúc bất động sản đã ghi nhận đà tăng giá nhanh chóng, đặc biệt là phân khúc chung cư. Có lẽ điều cần làm lúc này là làm sao có thể kéo giá bất động sản ngừng tăng để đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có nhu cầu.