Thứ ba, 19/11/2019, 10:27 AM

Hùng vĩ ở thác Bản Giốc

(NTD) - Tháng 8, từ Hà Nội chúng tôi vượt qua 300km đường đèo dốc quanh co, uốn lượn để đến với thị xã Cao Bằng. Từ đây, đi ngược vào thác Bản Giốc (xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) phải mất thêm 100km nữa. Điều đó thúc đẩy mỗi người Việt đau đáu tìm về “báu vật” muôn đời nơi phên giậu của đất nước.

Cột mốc biên cương

Cuối cùng thì ngọn thác hùng vĩ nhất nước hiện ra trước mắt lữ khách phương xa trong tiết trời se lạnh, âm u của đất trời bao la. Đơn vị đang khai thác tại đây là CTCP Du lịch Cao Bằng. Bản Giốc là một nhóm thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây). Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20km về phía Đông Bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208km.

Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia - Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ). Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Giữa không gian hùng vĩ của đất trời Việt Bắc, những chiếc bè nổi trên sông Quây Sơn đậu ở đôi bờ. Phía Việt Nam thì ghi tiếng Việt và ngược lại. Từ dòng thác chính, có thể thấy phía bờ của nước bạn, du khách cũng rất đông. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người đến thăm Bản Giốc, còn phía Trung Quốc đón gần 1 triệu lượt người. Phía bạn còn làm một đường vòng cung men theo sườn núi để lữ khách khám phá và dừng chân. Cách đó không xa là trạm biên phòng Bản Giốc.

Phía bên trái của thác nước đang tung bọt trắng xóa là cột mốc 836 (2). Ngày 14/1/2009, cột mốc cuối cùng được cắm trên địa phận biên giới tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với Trung Quốc chính là cột mốc ở thác Bản Giốc - cột mốc 836 (2). Cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới đã phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm thác từ nhiều góc độ.

Đứng ở cột mốc 836 (2), cạnh dòng đỉnh thác đang reo vui trong nắng nhẹ, lòng chúng tôi cảm thấy bồi hồi và dâng trào bao cảm xúc mảnh liệt vì chủ quyền quốc gia. Tôi hiểu rằng, biết bao thế hệ quân và dân miền biên ải đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ từng mét đất nơi phên giậu của tổ quốc. Cảm xúc ấy giống với khi lên cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cột mốc biên giới Việt Nam - Lào- Campuchia tại ngã 3 Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum)... Đó cũng là cột mốc được xây dựng bằng đá hoa cương, nổi bật giữa đất trời nhưng còn là khát khao cháy bỏng về chủ quyền của tiền nhân đối với muôn đời. Đây còn là nhân chứng lịch sử để kể chuyện với hậu thế. Du khách trong Nam ngoài Bắc đến Bản Giốc đều đến cột mốc 836 (2) để chụp ảnh lưu niệm với những cảm xúc căng tràn lồng ngực vì tự hào. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng mà ít nơi nào có được.

a
Thác Bản Giốc

Mưu sinh bên triền thác

Những ai một lần tới thác Bản Giốc bên cạnh việc ngắm nhìn ngọn thác cuồn cuộn đều trông thấy một người phụ nữ cho thuê con bạch mã duy nhất ở đây để chụp ảnh lưu niệm. Chị là Vương Thị Hương, 53 tuổi, người Tày bản địa, đã có 10 đời sinh sống tại mảnh đất biên cương hẻo lánh này.

Người cho thuê ngựa kể rằng: Gốc tích của gia đình chị là ở bên kia núi, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó mới di cư sang địa đầu tổ quốc của Việt Nam và sinh sống an cư tại Cao Bằng. Giống như nhiều gia đình người Tày khác ở đây, gia đình chị chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy. Từ ngày ngọn thác cao tới 30m này nổi tiếng trong và ngoài nước, lượng khách trong và ngoài nước tới du lịch rất đông, rồi các tour du lịch “bùng nổ”, dân bản địa trong vùng tập trung ra đây mưu sinh như bán quần áo, thuốc và rau rừng. Riêng chị Hương làm nghề không giống ai là cho thuê ngựa trắng chụp ảnh như ở khu du lịch Langbiang (Lâm Đồng). Con ngựa trắng nhà chị Hương nuôi, được du khách thuê chụp ảnh, mỗi giờ chỉ có giá 20 ngàn đồng, nếu hai khách thì tính tiền gấp đôi. Chị Hương mừng lắm lúc tiếp khách từ miền Nam ra khi được thêm tiền “bo” vì sự nhiệt tình của người cho thuê ngựa hiền lành. Mỗi khi có khách thuê, chị Hương vui lắm, hướng dẫn khách đường xa tận tình, thậm chí dắt ngựa đến bên dòng thác hùng vĩ để chụp ảnh sao cho thật đẹp. “Những ngày cuối tuần, du khách thập phương đổ về đông nên tôi cũng mưu sinh được. Trong khi đó, ngày thường chỉ có vài lượt khách mà thôi!” - Chị Hương nói.

Ngoài người cho thuê ngựa như chị Hương, cánh mày râu bản địa thì làm nghề đưa đò thuê trên sông. Người lái đò của chúng tôi hôm đó là anh Hoàng Văn Toàn, 43 tuổi, nhà ở cạnh khu du lịch này. Anh Toàn cho biết, người Tày tại đây gồm ba họ: Vương, Hoàng và Nông, đã sống rất nhiều đời ở biên ải. Nhờ lượng khách mỗi ngày một đông nên cũng kiếm sống được. Anh Toàn lái đò điêu luyện trên con sông quê hương, anh còn chỉ cho khách cách tiếp cận ngọn thác chính để chụp ảnh sao cho đẹp trong hơi nước phun cực mạnh và cảnh núi rừng trinh bạch.

Ở quầy bán hàng lưu niệm, nhiều người chú ý đến các chị phụ nữ bản địa. Họ mặc trang phục của dân tộc mình, cái hay nhất của họ là không thách giá, chỉ bán đúng một giá đưa ra. Chị Nông Thị Khôn (55 tuổi), một người bán hàng cho biết, nhà chị trước đây làm ruộng, một năm được hai vụ để kiếm tiền nuôi con. “Con cái học đến cấp 3 thôi, không ra ngoài thành phố được đâu” - chị Khôn tỏ bày. Nhiều du khách từ TP.HCM rất sành giá đồ chơi hay quần áo trẻ em, khi trả giá đều không mua được bởi với người Tày, họ bán hàng cũng như tôn trọng lời nói trong cuộc sống thường nhật: “Nói một là một, không có lời thứ hai”.

a1
Chùa Phật Tích Bản Giốc

Độc tự miền biên ải

Cách thác 500m là thắng cảnh Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía bắc của tổ quốc. Tháng 6/2013, ngôi chùa được khởi công tại núi Phia Nhằm. Các hạng mục của gồm: Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ... được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam. Tại đây còn có đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao - một nhân vật lịch sử thế kỷ 11 tại Cao Bằng. Công trình được xây dựng trên diện tích 2ha với kinh phí khoảng 38 tỷ đồng. Nhiều cây cổ thụ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cất công trồng trên đỉnh núi và nhiều công trình lớn khác.

Ngôi chùa nằm trên đỉnh núi, cao chót vót giữa nền trời xanh thẳm. Muốn lên chùa, người Tày bản địa đã nhanh trí phục vụ lữ khách bằng những chiếc xe máy chở lên đỉnh. Trong dòng thuyết giáo luân hồi, chúng tôi nhìn rõ khu vực thác Bản Giốc đổ từ trên cao xuống, giữa chập chùng những ngọn núi đá vôi và nương rẫy của đồng bào sở tại. Cách đó không xa là nhiều ngôi nhà chênh chếch trên vách núi của nước bạn, xây dựng theo một kiến trúc nhất định.

Giữa không gian mê hoặc của đất trời hùng vĩ, tượng Phật quan Thế âm nhìn thẳng về phía biên giới như minh định cột mốc chủ quyền trong lòng nhân dân nơi địa đầu miền biên ải.

Hơn cả một địa danh, hơn cả một thắng cảnh, Bản Giốc đau đáu một phần máu thịt người Việt. Cả dải biên cương phía bắc dài hơn 1.400km núi phủ mây phong đã thấm đẫm khí tiết của bao lớp tiền nhân và hậu thế trong việc gìn giữ giang san.

Từ Tấn Phát

Bình luận

Nổi bật

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4 - 1/5/2024

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4 - 1/5/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 15:16

(CL&CS) - Bộ TT&TT vừa ban hành văn bản đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng dịp lễ 30/4, 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...

Bộ GD&ĐT: Triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

Bộ GD&ĐT: Triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:59

(CL&CS) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ về việc triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm.

Bình Thuận: Đảng bộ Khối đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số

Bình Thuận: Đảng bộ Khối đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:58

(CL&CS) - Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.