HoREA: Bất động sản chỉ khó khăn nhất thời

(NTD) - Nhận định về thị trường bất động sản năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường gặp khó trong ngắn hạn và chưa có bong bóng bất động sản. Theo đà này thì năm 2020 sẽ vẫn là khoảng lặng của thị trường bất động sản, thị trường vẫn thiếu hụt dự án, thiếu hụt sản phẩm mới.

Có thể nói, năm 2019 là một năm làm ăn bết bát của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, thị trường chứng kiến nhiều biến động, không có nhiều dự án mới đưa ra thị trường khiến nguồn cung sản phẩm ngày càng ít hơn, thanh khoản thấp khiến nhiều chủ đầu tư và nhà phát triển dự án phải cho nhân viên nghỉ tết sớm. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, chưa có năm nào thị trường ảm đạm như năm nay.

NHC
Nhiều người lạc quan tin rằng năm 2020, nguồn cung sản phẩm nhà ở tại TP.HCM sẽ tăng trưởng trở lại và thị trường cũng sẽ cải thiện hơn. Ảnh:Tấn Lợi

Đánh giá thị trường một năm qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, từ năm 2017 trở lại đây, nguồn cung dự án mới của thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh khiến sản phẩm nhà ở nhất là căn hộ chung cư giảm rõ rệt. Hàng loạt dự án bị ngưng trệ, không thể triển khai tiếp do “vướng” thủ tục hành chính và liên quan đất công.

Theo ông Châu, tình trạng tồi tệ của thị trường còn thể hiện rõ khi 9 tháng đầu năm 2019 toàn TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và thậm chí không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Sự ảm đạm của thị trường không chỉ thể hiện ở việc thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang rơi vào chu kỳ suy thoái và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, ông Châu cho rằng, về bản chất, thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng do vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau thời kỳ “đóng băng” từ 2007 – 2008.

Cũng theo ông Châu, khó khăn của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay chỉ là nhất thời, nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Nhìn nhận và chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM đang hứng chịu. Người đứng đầu HoREA cho biết, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố hiện nay là việc nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm. Tình trạng lệch pha “cung - cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

Lý giải về việc nhiều dự án bị “đứng hình” hiện nay, Chủ tịch HoREA cho biết, từ năm 2016 đến nay, nhiều dự án nhà ở thương mại bị dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai mà nguyên nhân một phần là do các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Nhiều dự án, dù đã có chủ trương đầu tư nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai. Bên cạnh đó, quy định về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, khiến doanh nghiệp bị mất rất nhiều thời gian để được nộp tiền sử dụng đất.

“Việc rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt độngvà thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh”, ông Châu chia sẻ thêm.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho thị trường, mới đây, HoREA đã có văn bản số 74/2019/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực UBND TP.HCM kiến nghị sớm xem xét giải quyết một số vướng mắc, ách tắc đối với các dự án nhà ở thương mại để khai thông thị trường bất động sản. Để đẩy nhanh quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở, HoREA đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Nhận định về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2020, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, với tình hình như hiện nay thì năm 2020 sẽ vẫn là khoảng lặng của thị trường bất động sản, thị trường vẫn thiếu hụt dự án, thiếu hụt sản phẩm mới. Giá đất hiện đang rất cao, thời gian tới với việc áp dụng bảng giá đất mới theo xu hướng tăng thì công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án cũng sẽ khó khăn hơn, càng đẩy giá bán nhà lên cao khiến cho việc bán hàng cũng rất khó hơn. Mặc dù nhiều người cho rằng, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ khắc nghiệt hơn và các doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do nhiều dự án sẽ được đưa ra thị trường sau một thời gian tạm ngưng nên tôi tin rằng sang năm 2020, nguồn cung sản phẩm nhà ở sẽ tăng trưởng trở lại và thị trường cũng sẽ cải thiện hơn.

Tấn Lợi

Bình luận

Nổi bật

Phạm Hồng Hải, cựu CEO HSBC Việt Nam giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB từ 6/5/2024

Phạm Hồng Hải, cựu CEO HSBC Việt Nam giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB từ 6/5/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 20:23

(CL&CS) - HĐQT của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải (sinh 1974) giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB với thời hạn 12 tháng kể từ 6/5/2024.

Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản tham gia “đường đua”, thị trường đang thực sự sôi động trở lại?

Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản tham gia “đường đua”, thị trường đang thực sự sôi động trở lại?

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:16

Thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi làn sóng môi giới, doanh nghiệp thành lập mới đều tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Đây được coi là những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang trên con đường sôi động trở lại.

Chính phủ đề xuất đưa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực trước 6 tháng

Chính phủ đề xuất đưa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực trước 6 tháng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:15

Mặc dù Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở từ cuối năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào 1/1/2025, tuy nhiên Chính phủ đang đề xuất đưa hai luật này vào thực tế từ 1/7 tới, nghĩa là sớm hơn 6 tháng.