Hai dự án "đất vàng" kéo ông Trần Phương Bình sa lầy trong vòng xoay tiền

(CL&CS) - Việc kỳ vọng hợp tác đầu tư ở hai dự án bất động sản nằm ở vị trí vàng trung tâm TP. HCM đã kéo ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) sa lầy trong vòng xoay tiền tại DAB.

Liên quan tới nhiều sai phạm về tài chính tại ngân hàng Đông Á Bank, CTCP M&C và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc Đông Á Bank Trần Phương Bình và ông Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP M&C.

Theo nguồn tin từ Nhịp sống Doanh nghiệp, trong tài liệu từ Cơ quan điều tra cho thấy, giai đoạn từ 2007-2013, ông Phùng Ngọc Khánh sử dụng pháp nhân 11 công ty thuộc nhóm M&C và 10 cá nhân vay tổng cộng hơn 7.100 tỷ tại DAB. Đến cuối 2018, tổng dư nợ của nhóm khách hàng này là hơn 7.770 tỷ, gồm gốc hơn 3.500 tỷ và lãi. Trong số đó có 5 khoản vay, có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Ông Trần Phương Bình – Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á
Ông Trần Phương Bình – Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á

Trong giai đoạn năm 2007, ông Trần Phương Bình sa lầy trong mối quan hệ tài chính với ông Phùng Ngọc Khánh ở dự án Sài Gòn M&C (sau đổi thành Sài Gòn One Tower) thì 4 năm sau, ông Bình tiếp tục bị cuốn vào vòng xoay tiền ở dự án Sài Gòn - Ba Son. Cả hai dự án đều nằm trên cung đường đắc địa Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.

Năm 2011, ông Phùng Ngọc Khánh trao đổi với ông Trần Phương Bình về việc CTCP M&C cần vay vốn tại DAB để hợp tác đầu tư vào dự án Sài Gòn - Ba Son, quận 1, TP.HCM. Thời điểm này dự án đã được Bộ Quốc phòng chấp thuận chủ trương giao cho Công ty Ba Son đầu tư, xây dựng. Ông Phùng Ngọc Khánh đề nghị vay 500 tỷ đồng để đặt cọc cho Công ty Ba Son nhằm hợp tác đầu tư.

Tại thời điểm đó, do dư nợ của CTCP M&C tại DAB nên ông Trần Phương Bình không đồng ý cho vay. Nhưng ông Bình lại nhận thấy đây là dự án có tiềm năng, có khả năng mang lại nguồn lợi về kinh tế có thể giúp công ty M&C trả được nợ cho DAB nếu được hợp tác với Ba Son. Đồng thời, ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DAB, nên ông Bình đã thông qua CTCP Vốn An Bình (công ty ông Bình lập ra và nhờ bà Cao Thị Ngọc Hồng, em vợ đứng đại diện) để hợp tác đầu tư dự án với M&C.

Do Công ty An Bình cũng đang có dư nợ tại DAB, ông Bình đã nhờ một người thân khác là Cao Ngọc Vũ lấy pháp nhân CTCP Xây dựng kỹ thuật Đông Á đứng tên vay 200 tỷ và nhờ bà Hồng đứng tên vay cá nhân 50 tỷ tại DAB. Sau khi DAB giải ngân 250 tỷ, ông Bình chỉ đạo Vũ và Hồng lập ủy nhiệm chi chuyển tiền về Công ty An Bình, rồi tiếp tục chuyển đến Công ty M&C. Nhận được tiền, Phùng Ngọc Khánh chuyển tiền cho Công ty Ba Son theo hợp đồng hợp tác.

Tuy nhiên, đến thời điểm 2012, do Phùng Ngọc Khánh không thu xếp được 250 tỷ đồng còn lại để đặt cọc cho Ba Son nên Trần Phương Bình đã bàn bạc, thống nhất để Khánh sử dụng pháp nhân công ty trong nhóm M&C đứng tên vay vốn tại DAB nhằm tất toán khoản vay của Công ty Đông Á và cá nhân bà Hồng.

Ngày 11/10/2012, Phùng Ngọc Khánh đại diện M&C ký, đề nghị vay DAB 270 tỷ, mục đích vay là hoàn lại tiền hợp tác đầu tư tháp văn phòng, căn hộ dự án Sài Gòn - Ba Son. Một ngày sau, Phùng Ngọc Khánh và Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở giao dịch DAB ký hợp đồng cho vay số tiền 270 tỷ. Việc giải ngân thực hiện trong ngày.

Khi nhận tiền, Công ty M&C chuyển khoản cho Công ty Vốn An Bình. Công ty này sau đó chuyển hơn 211 tỷ cho Công ty Đông Á, chuyển gần 59 tỷ cho bà Hồng để trả gốc, lãi các hợp đồng vay nêu trên.

Như vậy, số dư nợ 270 tỷ đồng của Công ty M&C theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa M&C với Công ty Vốn An Bình, bản chất chỉ là hình thức, nhằm trả lại số tiền mà Trần Phương Bình đã dùng để hợp tác đầu tư với Công ty M&C thực hiện dự án Sài Gon - Ba Son. Từ việc nhận hợp tác đầu tư nói trên, DAB đã giải ngân cho Công ty M&C vay 270 tỷ và đến nay không còn khả năng thu hồi.

Làm việc với Cơ quan Điều tra, ông Trần Phương Bình thừa nhận bản chất khoản vay 270 tỷ của M&C là nhằm che giấu việc ông Bình nhờ người vay vốn của DAB để góp vốn đầu tư với Phùng Ngọc Khánh và thừa nhận các sai phạm của mình trong việc chỉ đạo các nhân viên DAB Sở giao dịch cho vay sai quy định.

Ông Phùng Ngọc Khánh thừa nhận, việc lập và ký hồ sơ vay chỉ để giải quyết tình thế tài chính của công ty M&C, Khánh là người chỉ đạo các nhân viên thực hiện lập và ký tài liệu để đưa vào hồ sơ vay vốn của công ty, mục đích để vay tiền trả nợ cho Công ty Vốn An Bình. Phương án vay vốn này không sinh lời, không có nguồn thu trực tiếp để trả nợ cho DAB.

Đây là vụ án thứ tư ông Trần Phương Bình bị khởi tố do sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.

Trước đó, ông Trần Phương Bình đã nhận án tù chung thân năm 2018 trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DAB. Năm 2020, ông Bình tiếp tục nhận án tù chung thân trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỉ đồng của ngân hàng DAB. Mới đây, ngày 19-5 ông Bình bị đưa ra xét xử vụ án thứ ba vì sai phạm gây thất thoát 184 tỉ đồng, tuy nhiên phiên tòa đã tạm hoãn.

Hà Thu

Bình luận

Nổi bật

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:20

Dù đã bước sang quý II, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung vẫn hạn chế… Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thị trường mới chỉ chớm có sự phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, để tìm ra phân khúc tiềm năng cũng như thời điểm thích hợp để “xuống tiền” thì lại cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá.

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Báo cáo của Savills World Research vừa công bố vào tháng 2/2024 cho biết, xu hướng gia tăng về nhu cầu thuê đối với loại hình nhà ở là căn hộ dịch vụ đồng thời được ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM.