Góc nhìn thương trường: Để tiền đẻ ra tiền

(NTD) - Nhiều người cho rằng Masan đang thành công rực rỡ. Tuy nhiên, nhận định này có phần quá kỳ vọng vì hoạt động của Masan Group chứa đựng những rủi ro, sự thiếu chắc chắn và những yếu tố tiềm ẩn nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, có thể khiến cho kết quả kinh doanh thực tế sẽ thay đổi lớn.

Khi doanh nghiệp lấn sân đa lĩnh vực

IMG_5310 (2)
Nhà máy mới vừa được Masan khánh thành và đưa vào hoạt động từ 11/11/2015.

Trong khi nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đang loại bỏ các mảng kinh doanh phụ để tập trung vào ngành nghề chính, thì ở những doanh nghiệp tư nhân lớn, bước chuyển mình đi ngược xu thế khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ. Nổi bật trong số đó là Vingroup và Masan.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích về Tập đoàn Masan, một đơn vị mà ít ai biết rằng họ thật sự… “không biết làm ăn gì” ngoài việc “sở hữu” 4 đơn vị cộm cán gồm: Masan Consumer Holdings (MCH), Masan Nutri-Science (MNS), Masan Resources (MR) và Techcombank (TCB).

MCH thì không mấy ai biết ngoài các chuyên gia phân tích và những cổ đông của Masan. Tuy nhiên, khi nói đến các thương hiệu mà MCH sở hữu trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống thì 100% người dân Việt Nam đủ tuổi đều biết một trong các tên: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafe, Wake-up, Vĩnh Hảo và Sư Tử Trắng.

MNS là công ty với lĩnh vực kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị dinh dưỡng với các thương hiệu Proconco và Anco. MR hiện là một trong những nhà sản xuất vonfram và khoáng chất công nghiệp chiến lược lớn nhất thế giới. Còn Techcombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam.

Việc lấn sân và “xâm chiếm” những thương hiệu lớn như vậy là thành công hay tiềm ẩn rủi ro nào cho Masan?

Những con số thật tưởng như ảo

Masan công bố doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 19.129 tỷ đồng, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm 2014 nhờ sự đóng góp cao hơn từ nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng nội địa. Đây quả là con số khó tin trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đang suy yếu, giảm doanh thu. Để chứng minh đây là “con số thật”, Masan đã phải giải thích chi tiết các nguồn tiền đến từ đâu của mình.

Cụ thể, MNS - công ty con mới nhất của Tập đoàn, hoạt động trong mảng đạm động vật, đóng góp 8.557 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất. Trong khi đó, doanh thu mảng kinh doanh bia tuy còn khiêm tốn nhưng đã có mức tăng trưởng hơn 15 lần, đạt mức 399 tỷ đồng, và nhà máy bia hoạt động ở công suất tối đa.

Masan cho rằng sự tăng trưởng không ngừng của các ngành hàng được đảm bảo nhờ kế hoạch đưa vào vận hành 3 nhà máy mới và thương vụ mua lại một công ty đồ uống trong quý 4/2015: nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Tiền Giang với công suất hơn 270.000 tấn/năm, nhà máy thực phẩm ở Nghệ An với công suất 600 triệu gói mì ăn liền/năm và 120 triệu lít nước mắm/năm, nhà máy bia ở Hậu Giang với công suất 100 triệu lít/năm cho giai đoạn 1, và thương vụ mua lại của Công ty Nước khoáng Quảng Ninh.

DSC04318
 
DSC04158
Dây chuyền sản xuất nước mắm hiện đại của Masan với công suất 120 triệu lít nước mắm/năm.

Doanh thu cao, Masan cũng đạt lợi nhuận trước thuế và khấu hao (EBITDA) khá tốt với 4.193 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là kết quả của các sáng kiến cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh hàng tiêu dùng và tài nguyên, cùng với sự đóng góp từ MNS trong 5 tháng gần nhất.

Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 57,4% so với mức 1.015 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2014, nhờ mức đóng góp lợi nhuận cao hơn từ mảng kinh doanh hàng tiêu dùng.

Đặc biệt, việc nắm giữ lượng tiền mặt và giá trị tương đương tiền gần 16.000 tỷ đồng, Masan đã khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn sự lo ngại. Có nhà đầu tư tự hỏi, liệu doanh nghiệp này có biết dùng tiền hay không khi để “thừa” quá nhiều như thế?…

“Chơi dao” khi dùng tiền thâu tóm các đối thủ

Masan dùng tiền khác biệt. Khi bước chân vào ngành nước khoáng, Công ty không xây dựng từ đầu mà thực hiện thâu tóm, sáp nhập (M&A). Sau khi mua Vĩnh Hảo cách đây hơn 2 năm, thì mới đây ngày 3/11/2015, Masan lại “nuốt” tiếp Công ty Nước khoáng Quảng Ninh (Quang Hanh) để trở thành công ty Việt Nam lớn nhất trong ngành kinh doanh nước khoáng.

Quang Hanh có sự hiện diện mạnh mẽ ở miền Bắc, nổi tiếng với các thương hiệu nước khoáng thiên nhiên: Quang Hanh, Faith, Suối Mơ và Blizka. Rõ ràng đây là đối thủ đáng gờm của Vĩnh Hảo và Masan đã không cho đơn vị này “sóng sót” riêng lẻ.

Mảng kinh doanh đồ uống không cồn của Masan hướng tới mức doanh thu hợp nhất dự kiến gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2015, tăng gấp đôi so với doanh thu năm 2014. Một bước đi quá nhanh tiềm ẩn rủi ro về quản trị và cơ cấu tổ chức.

Trong phân khúc cà phê, “Wake-up” đã xác lập vị thế nhãn hàng mạnh. Masan đã tung ra một phiên bản mới “Wake-up Sữa Đặc” nhắm đến những khách hàng đang ưa thích cà phê rang xay. Bất chấp các rủi ro về tăng trưởng nóng, Masan kỳ vọng vị thế dẫn đầu ngành hàng nước khoáng và cà phê sẽ giúp gia tăng thị phần trong thị trường đồ uống có giá trị 2,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, ở thị trường bia có giá trị xấp xỉ 4,5 tỷ USD nhưng bị cạnh tranh khốc liệt bởi các thương hiệu ngoại quốc, Masan cũng lao vào và chiến đấu với tên “Sư Tử Trắng”. Từ doanh thu không đáng kể một năm trước, nhãn hàng này bất ngờ có doanh thu 399 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015 tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và chuẩn bị vận hành thêm Nhà máy bia Hậu Giang vào tháng 12 tới.

Không ai biết Sư Tử Trắng có nguồn gốc ở châu Phi liệu có “thọ” nổi tại Việt Nam hay không, nhưng rõ ràng việc chấp nhận rủi ro cho một thị trường mới, một thương hiệu mới thì thành công và thất bại của Masan chỉ cách một lằn ranh mỏng. Lằn ranh đó chỉ những ai dám tin, dám can đảm chấp nhận thử thách thì mới có thể đứng vững để biến tiền tiếp tục đẻ ra tiền!

Lan Phương - Minh Nguyên

Bình luận

Nổi bật

Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử

Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS)- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:37

(CL&CS)- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc.