Dữ liệu cũ
Thứ ba, 11/04/2017, 07:42 AM

Góc khuất của RIAV - Kỳ 3: Uẩn khúc việc RIAV cho Hanet độc quyền khai thác bản quyền âm nhạc

(NTD) - Để thấy rõ hơn uẩn khúc trong việc RIAV giao cho Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (Hanet) khai thác bản quyền của các bản ghi karaoke, chúng ta hãy điểm lại các sự kiện và kết nối chúng với nhau để có một bức tranh toàn cảnh về bản chất của "lùm xùm" việc thu phí 2.000 đồng trong thời gian vừa qua.

Động thái mang tính dọa dẫm

Ngày 14/7/2016, RIAV và Hanet ký hợp đồng hợp tác số 006-07/2016/HĐHT-HANET-RIAV, theo đó: “Các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng thiết bị của Hanet sẽ được hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được dùng để thanh toán tiền bản quyền sử dụng ca khúc, chia cho trung tâm karaoke...”

Để hiện thực hóa thỏa thuận này, vào ngày 9/11/2016, RIAV và Hanet ký kết tiếp một thỏa thuận hợp tác trong dự án chung. Tên gọi của dự án này là “share our C.A.K.E”, dịch sang tiếng Việt là “sẻ chia chiếc bánh của chúng ta”, nhưng với mỗi dấu chấm chen giữa các ký tự thì không hiểu “C.A.K.E” còn viết tắt cho cụm từ gì? “Challenge All Karaoke Enterprises” - nghĩa là “Đối đầu tất cả cơ sở karaoke” chăng?

17793395_755584874598555_849353271_n
Uẩn khúc việc RIAV cho Hanet độc quyền khai thác bản quyền âm nhạc. Ảnh: PV.

RIAV thông tin với báo chí, nội dung thỏa thuận này cho phép các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng các thiết bị của Hanet sẽ được kết nối Internet để cập nhật bài hát tự động và kèm theo đó là hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ quảng cáo sẽ được dùng để thanh toán tiền phí bản quyền, chia cho trung tâm karaoke và thực hiện các hoạt động truyền thông. Cụ thể, tỷ lệ phân chia như sau: 25% cho chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi karaoke (nghệ sĩ, nhà sản xuất); 10% cho cơ sở kinh doanh karaoke, 30% cho đại lý khai thác quảng cáo (agency); 15% cho Hanet và 20% dùng để đầu tư và bảo trì hệ thống.

Điều đáng nói là sau chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp ngày 24/2/2017 3 đơn vị quản lý tập thể (RIAV, VCPMC, APPA) thống nhất giao quyền thu tiền tại các địa điểm công cộng cho VCPMC, nhưng chỉ sau đó 3 ngày, ngày 27/2/2017, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, ký Quyết định số 02/QĐ/CT/HHCNGAVN/2017 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 02) trao quyền cho Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền, đại diện RIAV cùng với Hanet tổ chức thực hiện dự án thu tiền bản quyền, quyền liên quan các bản ghi thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV đang sử dụng tại các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke tại Việt Nam. Động thái vội vã này của RIAV nhận phải sự chỉ trích là đã phá vỡ thỏa thuận ký kết với VCPMC và APPA trước đó. Sau Quyết định số 02 này, RIAV tiếp tục thực hiện sự bổ nhiệm nhân sự hết sức kỳ lạ và có vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập và phân tích trong kỳ sau.

Ngày 28/3/2017, đại diện RIAV chia sẻ với báo chí rằng: sắp tới, RIAV sẽ thu phí quyền liên quan đối với các bản ghi karaoke với mức giá 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke/năm. Từ đây, dư luận bắt đầu dậy sóng.

Có thể dễ dàng nhận thấy, từ đầu đến cuối sự việc dẫn đến quyết định thu phí 2.000 đồng của RIAV, đều còn có sự sát cánh nhiệt tình của Hanet. Ngoài Hanet ra, chúng ta khó tìm thấy bất kỳ tên của công ty kinh doanh đầu máy karaoke nào khác, dù trên thị trường Việt Nam, Hanet không phải là công ty duy nhất kinh doanh lĩnh vực này.

karaoke_banner_laugh-997ff3-1
Cách thu phí của RIAV khiến dư luận nổi sóng. Hình minh họa.

Giờ đây khi công bố chính sách 2.000 đồng, cùng quyết định cấp phép cho Hanet độc quyền thu phí bản quyền âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, RIAV tuyên bố sẽ thu tiền bản quyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, mỗi bài 2.000 đồng, nên mỗi máy có thể bị thu đến 80 triệu đồng, mỗi địa điểm 20 máy có thể bị thu 1,6 tỷ đồng trong một năm. Tuy nhiên, nếu các cơ sở này sử dụng máy của Hanet thì không những không mất 1,6 tỷ đồng mà còn được hưởng một phần khoản tiền từ quảng cáo.

Vậy là bằng quyền lực của mình và nhân danh bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu quyền liên quan, RIAV đã dễ dàng thâu tóm toàn bộ thị trường máy karaoke về tay Hanet mà không tốn một đồng, giúp Hanet chiếm lợi thế cực kỳ lớn trên thị trường máy karaoke. Chưa kể để đảm bảo Hanet chắc chắn làm được điều đó, RIAV tiếp tục ủy quyền độc quyền cho Hanet kiểm soát toàn bộ sự việc. Với chiêu thức dọa dẫm như thường làm, RIAV đang đặt các chủ cơ sở karaoke đứng trước hai lựa chọn: hoặc mua máy Hanet hoặc phải đóng một số tiền cực lớn. Nếu cơ sở không chấp thuận lựa chọn nào thì vẫn còn một lựa chọn nữa là phải đóng cửa.

Người hưởng lợi thì đã rõ rồi, nhưng ai là người bị thiệt hại?

Người bị thiệt hại lớn nhất và đầu tiên chính là các chủ sở hữu quyền, các ca sĩ, người biểu diễn, các nhà sản xuất. Những người này thực sự có tài sản được sử dụng trong các phòng karaoke, nhưng họ lại không được hưởng bất cứ một đồng tiền bản quyền nào. Không biết viễn cảnh tốt đẹp nào đang được đặt ra, chỉ biết rằng nếu tính theo phương án 2.000 đồng/bài, thì chỉ với 1.000 địa điểm karaoke tại TPHCM, số tiền thất thu của các nghệ sĩ, chủ sở hữu quyền liên quan rơi vào khoảng 1.600 tỷ đồng (80 triệu USD). Ai là người được hưởng lợi trên số tiền này, chắc không cần phải nhắc lại.

Vậy sự thật của việc chia sẻ doanh thu quảng cáo là gì? Tiền bản quyền là tiền mà người sử dụng chi trả để được sử dụng tác phẩm đó. Ở đây, số tiền này đã được tính vào số tiền phòng mà chủ cơ sở karaoke thu được từ phía khách hàng. Như vậy, khách hàng đã trả tiền trực tiếp, không thông qua tiền quảng cáo. Việc chia sẻ 25% tiền quảng cáo để trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền liên quan là một hành vi đánh tráo khái niệm khiến chủ sở hữu quên đi vấn đề chính: thu tiền bản quyền karaoke. Việc này giống như việc bạn giao cho một ai đó quản lý giúp bạn một nhà hàng, nhưng anh ta lại chỉ chia sẻ cho bạn doanh thu của việc giữ xe.

Nếu ai đó so sánh với việc các website nghe nhạc trực tuyến chia sẻ doanh số quảng cáo của họ cho nhà cấp phép thì nên lưu ý rằng doanh thu chính của website nghe nhạc trực tuyến đến từ quảng cáo, nên việc thu tiền bản quyền có thể xem xét dựa vào việc đó. Bản thân việc thu tiền quảng cáo tại phòng karaoke cũng rất tốt, nhưng nó phải gắn với việc thu tiền bản quyền từ việc sử dụng trực tiếp.

hanet

Có một chi tiết đáng chú ý là vào ngày 1/8/2016, RIAV đã cấp giấy phép cho Hanet độc quyền thu phí bản quyền âm nhạc, tức là chỉ sau 2 tuần kể từ khi RIAV và Hanet ký hợp đồng hợp tác. Ảnh: PV.

Chưa bàn về tính hợp pháp của giấy phép của Hanet do RIAV cấp, thì với giấy phép này, các cơ sở kinh doanh hoàn toàn yên tâm sẽ không phải đóng tiền bản quyền ghi âm karaoke nữa. Điều nay đúng hay sai?

Câu trả lời là: hoàn toàn sai! Mặc dù mang tiếng là đi cấp phép, Hiệp hội chưa bao giờ công khai danh mục các bản ghi âm karaoke được ủy quyền cho Hiệp hội để thu tiền bản quyền tại các địa điểm công cộng. Các cơ sở kinh doanh với nghĩa vụ đóng tiền bản quyền của mình đang trở thành mục tiêu để RIAV và doanh nghiệp bán đầu máy karaoke.

Vậy để tránh tình trạng làm phiền và nhũng nhiễu của RIAV, các chủ cơ sở kinh doanh nên làm gì? Đầu tiên, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu RIAV cung cấp danh mục bản ghi karaoke đã được ủy quyền cho Hiệp hội (lưu ý là bản ghi karaoke khác với bản ghi âm, danh mục của RIAV chủ yếu là bản ghi âm, được đánh tráo khái niệm thành bản ghi karaoke). Sau đó, so sánh với danh mục nhạc đang sử dụng, xóa đi là xong. Số lượng bản ghi này không nhiều như RIAV quảng cáo và nếu xóa đi cũng không gây ảnh hưởng gì đáng kể đến danh sách bài hát mà các cơ sở karaoke đã có. Những bản ghi còn lại, việc tìm chủ sở hữu thật ra còn dễ dàng hơn nhiều và hoàn toàn hợp pháp, chính đáng.

Khi bàn về tính hợp pháp của giấy phép độc quyền trên, nếu đọc kỹ quy định về quyền của hội tại Điều 23 Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Điều 6 Điều lệ của RIAV, chúng ta không thấy có bất cứ điều khoản nào quy định RIAV có quyền cấp giấy phép độc quyền cho một tổ chức, cá nhân sử dụng để đi thu tiền của người sử dụng khác. Việc cấp giấy phép độc quyền cho Hanet của RIAV là hoàn toàn trái với các quy định pháp luật. Giấy phép mà RIAV cấp cho Hanet là không có tính hợp pháp. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hanet đi thu tiền của đối thủ của mình? Chuyện gì đã xảy ra khi Hanet thu tiền của chính mình?

Với kiểu hoạt động hình thức, cấp phép bừa bãi và khai thác lợi ích nhóm trong suốt thời gian dài, liệu các hoạt động của RIAV có bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Bộ Nội vụ xem xét thỏa đáng? Đó là câu hỏi mà dư luận đang rất trông chờ vào lúc này.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.