Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 09/04/2017, 08:21 AM

Góc khuất của RIAV - Kỳ 1: Dấu hỏi về sự minh bạch và yếu kém của RIAV

(NTD) - Những ngày qua, dư luận xôn xao việc Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) quy định thu 2.000 đồng/bài/máy/năm phí sử dụng bản ghi trong kinh doanh dịch vụ karaoke. Tuy giá thu “không bằng ly trà đá” như phát biểu của lãnh đạo RIAV, nhưng vì sao lại dấy lên sự phản ứng gay gắt của xã hội? Để giúp cho người tiêu dùng và độc giả hiểu được bản chất vấn đề, nhóm PV Báo Người Tiêu Dùng đã tìm hiểu những góc khuất khiến dư luận dậy sóng.

Nhiều sự mập mờ

RIAV là tổ chức đại diện tập thể quyền liên quan - được thành lập theo Quyết định số 31/2003/QĐ-BNV ngày 16/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Quyết định 31). Theo điều lệ Hiệp hội ban hành kèm Quyết định 31 quy định, RIAV “là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam và mục đích là tập hợp các đơn vị sản xuất băng đĩa ghi âm vào một tổ chức Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau để thúc đẩy phát triển sản phẩm băng đĩa ghi âm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phổ biến các giá trị âm nhạc và các loại hình nghệ thuật dân tộc khác và tinh hoa âm nhạc thế giới tới công chúng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất đối với các chương trình băng đĩa ghi âm…”

kara_SZPO
2.000 đồng/bài/máy/năm phí sử dụng bản ghi trong kinh doanh dịch vụ karaoke là không hề nhỏ. Hình minh họa.

Tuy mang danh là một tổ chức quản lý tập thể, với phạm vi hoạt động trong cả nước, nhưng tính đến cuối năm 2016, RIAV mới chỉ có 59 hội viên, gồm 42 hội viên tổ chức và 17 hội viên cá nhân. Đặc biệt, rất khó để tìm thấy tên của những nhà sản xuất đình đám như Viết Tân, Mỹ Tâm Entertainment, Tài Năng Việt… trong danh sách hội viên RIAV mà họ lại là những nhà sản xuất đang sở hữu những bản ghi được xem là thịnh hành nhất trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Với tình trạng hội viên như trên, không chỉ khiêm tốn về số lượng mà còn thiếu những nhà sản xuất nổi tiếng, có thể thấy rằng RIAV vẫn chưa đạt tới tầm đại diện cho cả một ngành công nghiệp ghi âm của Việt Nam, cũng như chưa tương xứng với phạm vi hoạt động quá rộng của RIAV.

Thế nhưng, đây vẫn chưa là tất cả. Sau vài năm đi vào hoạt động, một số lượng không nhỏ các hội viên, thậm chí là cả hội viên giữ vai trò điều hành đều đã rút khỏi RIAV mà lý do xuất phát chính từ sự thiếu minh bạch của hiệp hội này.

Sự thiếu minh bạch đầu tiên được thể hiện ngay ở việc sử dụng tên gọi. Tên chính thức của Hiệp hội khi được thành lập là “Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam”. Nhưng trên website chính thức của Hiệp hội riav.org.vn thì được gọi là “Hiệp hội Ghi âm Việt Nam” - một cái tên không hề nằm trong Quyết định 31, Điều lệ Hiệp hội cũng như bất cứ văn bản thay đổi tên nào. Trong nhiều trường hợp, chính việc gọi tên khác với cái tên “khai sinh” của mình đã tạo ra sự mập mờ cho các chủ thể làm việc với RIAV.

Sự "không minh bạch" thể hiện ở cách thức hoạt động của RIAV

Là một tổ chức giữ vai trò đại diện, thực hiện các quyền được ủy thác cho các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, thế nhưng tất cả thông tin liên quan đến việc ủy thác của các nhà sản xuất, các quyền, phạm vi mà RIAV được thực hiện, biểu giá thu tiền lại không hề được công khai.

Trong một số thông tin báo chí được đưa ra trước đây, đại diện RIAV còn cho rằng đó là những thông tin mật, không được công khai. Liệu đây thật sự có phải là thông tin mật của RIAV???

Tại sao RIAV lại không công khai những thông tin, tài liệu về các quyền mà mình được ủy thác? Đây là cơ sở để các nhà sản xuất xác nhận về việc RIAV đã thực hiện đúng quyền mà họ ủy thác hay chưa, đồng thời cũng là cơ sở để các chủ thể sử dụng bản ghi biết chính xác họ đang trả tiền cho đúng nơi, đúng chỗ.

Thậm chí, ngay cả điều lệ Hiệp hội - được coi như “Giấy khai sinh”, là cơ sở cho RIAV hoạt động - cũng bị RIAV giấu giếm như một “thông tin mật”. Trừ bản điều lệ Hiệp hội đầu tiên (2003) được lưu trữ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, RIAV không hề công bố bất cứ bản điều lệ Hiệp hội nào, trên website của RIAV dù cập nhật tin tức hàng ngày, cũng không thể tìm được bản điều lệ Hiệp hội này. Tất cả những gì RIAV công khai chỉ là những con số mơ hồ, không thể kiểm chứng.

17793395_755584874598555_849353271_n
Việc thu phí của RIAV khiến dư luận bức xúc. Ảnh: PV.

Những hoạt động “bí ẩn” này hoàn toàn trái ngược với cách thức hoạt động của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả. Không chỉ được công khai trên website vcpmc.org, khi có yêu cầu từ các chủ thể có liên quan, VCPMC đều có thể đưa ra những tài liệu về quyền, phạm vi hoạt động và biểu phí thu tiền của mình. Sự so sánh này đã cho thấy rất rõ sự mập mờ trong hoạt động của RIAV.

Cũng bởi sự mập mờ này, mà không ít hội viên đã rất bức xúc với cách thu tiền, cách phân chia lợi nhuận của RIAV. RIAV không hề công khai quy chế thu và phân phối tiền bản quyền hoặc cũng có thể hoàn toàn không có quy chế này. Các hội viên đã ủy thác cho RIAV không hề biết Hiệp hội này đã thu bao nhiêu tiền, thu như thế nào và số tiền đó được phân chia như thế nào. Vậy nên, các hội viên cũng không thấy được quyền lợi gì khi tham gia RIAV, nếu không muốn nói là càng bất an và ngờ vực về Hiệp hội này.

Được thành lập từ năm 2003, RIAV đã tồn tại gần 15 năm với câu hỏi đầy hoài nghi của các nhà sản xuất bản ghi: RIAV hiện nay có đại diện bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất băng đĩa ghi âm tại Việt Nam như tôn chỉ mục đích đã đặt ra ban đầu hay chỉ bảo vệ lợi ích cho một nhóm người nào đó?

Thêm một sự thất bại trong cách hoạt động của RIAV chính là tư duy về sự cào bằng. Cách thu và phân chia tiền bản quyền được thực hiện dựa trên số lượng bài hát. Hiểu một cách giản đơn: nhà sản xuất nào có càng nhiều bản ghi thì càng được hưởng nhiều tiền, bất luận là bản ghi đó có được sử dụng hay không và mức độ sử dụng như thế nào.

Điển hình là năm 2008 khi Nokia chấp nhận bồi thường hơn 6 tỷ đồng vì hành vi xâm phạm quyền liên quan do tặng kèm 5.320 thẻ tải nhạc miễn phí từ nhacso.net cho khách hàng mua sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam, trong đó có những ca khúc chưa được các hội viên RIAV cho phép nhacso.net khai thác, sử dụng.

Hơn 6 tỷ đồng trên được RIAV chia cho các hội viên của mình theo số lượng bản ghi, nhà sản xuất nào có số lượng bản ghi nhiều thì được chia nhiều. Trong khi cách phân chia phù hợp phải dựa trên tần suất sử dụng đối với mỗi bản ghi (lượt tải, lượt nghe). Tất nhiên, đấy không phải là lần duy nhất RIAV chia tiền theo kiểu cào bằng này, bởi lẽ cách chia này đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch của những người có quyền lực ở RIAV.

Cách quản lý thiếu minh bạch và cào bằng đã dẫn đến sự thiếu thốn về số lượng hội viên. Đến nỗi, thay vì có những cải cách hiệu quả và phù hợp, RIAV lại có những động thái được cho là “lấn sân” sang phạm vi quản lý của các tổ chức khác khi không ngừng kêu gọi các nhạc sĩ, ca sĩ ký ủy thác cho Hiệp hội. Sự việc này cũng đã vấp phải không ít tranh cãi cũng như phản ứng kịch liệt từ các đồng nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành.

Những dấu hiệu bất cập trong hoạt động của RIAV vẫn còn được tiếp diễn với sự kiện gần đây được RIAV thông báo rộng rãi: RIAV sẽ thu tiền các cơ sở kinh doanh karaoke với mức thu 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke/năm. Một lần nữa, RIAV lại khiến dư luận phản ứng gay gắt. 

Thành lập từ năm 2003, tính đến nay đã ngót nghét gần 15 năm nhưng số lượng hội viên của RIAV vẫn rất ít ỏi với con số 59 (trong đó có nhiều hội viên đã ngừng hoạt động hoặc không còn tham gia), và có xu hướng giảm dần bởi hội viên quá chán nản với cách làm việc kém hiệu quả và lạc hậu của RIAV.

Trong khi đó, Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước phải có ít nhất 100 hội viên. Con số này vẫn sẽ rất xa vời nếu RIAV kiên quyết "bám trụ" phong cách làm việc cổ hủ và kém minh bạch như lâu nay. 

Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích về vấn đề này ở kỳ sau.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.