Dư luận bức xúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo kiểm tra vi phạm tại dự án Phước Kiển

(NTD) - Sau khi Báo Người Tiêu Dùng vào cuộc chỉ ra dấu hiệu thất thoát 2.000 tỷ đồng trong thương vụ bán đất Phước Kiển, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm, báo cáo trước 8/5/2018.

Cuối ngày 20/4, Thành ủy TP.HCM đã có thông tin mới liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Theo đó, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất; làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5/2018.

Trước đó, ngày 17/4, Báo Người tiêu dùng đã đăng tải bài viết “Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại TP.HCM?”. Bài viết nêu rõ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) "ưu ái" bán cho Quốc Cường Gia Lai phần đất công sản rộng 32,4ha với giá rẻ mạt, chỉ hơn 419 tỷ đồng. Bình quân, mỗi mét vuông chỉ có giá 1,29 triệu đồng.

Điều đáng nói, giá đất ở khu vực này được giao dịch khoảng 7,5 triệu đồng/m2. Vì đây là đất có diện tích lớn, nếu phân lô nhỏ lẻ, giá trị thu về mỗi m2 có thể đạt trên 9 triệu đồng. Theo tính toán của PV, với diện tích “siêu lớn” này, thực tế nếu khu đất này chỉ cần bán với giá thấp 7,5 triệu đồng/m2 sẽ có thể thu về ngân sách Nhà nước hơn 2.400 tỷ đồng, tức gấp gần 6 lần giá trị mà Công ty Tân Thuận đã bán cho Quốc Cường Gia Lai ở thương vụ chuyển nhượng “bất thường rẻ mạt” vào cuối năm 2017.

dat phuoc kien
Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong thương vụ bán đất Phước Kiển.

Như vậy, với mức giá bán siêu “bèo bọt” không qua đấu thầu, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện đã “thổi bay” tài sản Nhà nước có trị giá trên 2.400 tỷ đồng và thu về hơn 419 tỷ đồng, có dấu hiệu gây thất thoát tiền nhà nước với số tiền "khổng lồ" gần 2.000 tỷ đồng.

Rất nhanh sau phản ánh của Báo Người tiêu dùng, vào ngày 18/4, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo việc chuyển nhượng phần diện tích đất tại khu dân cư Phước Kiển. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định.

Có thể phải khởi kiện ra tòa

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế Giới Luật Pháp, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Nếu theo Điều lệ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) việc chuyển nhượng này phải do chủ sở hữu công ty, tức Thành ủy TP.HCM, thông qua thì việc chuyển nhượng này phải được chấp thuận bằng văn bản bởi cấp có thẩm quyền của Thành ủy TP.HCM.

Nếu giao dịch này không được cấp có thẩm quyền của Thành ủy thông qua thì chắc chắn giao dịch này sẽ bị vô hiệu. Hậu quả của việc giao dịch vô hiệu là các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Nghĩa là Công ty Quốc Cường Gia Lai phải trả lại 34,2 ha đất này cho Công ty Tân Thuận và Công ty Tân Thuận phải trả lại toàn bộ số tiền mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán.

Trong trường hợp này, bên chịu thiệt hại là Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng không có nghĩa là Công ty Tân Thuận phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Việc bồi thường phải xét đến yếu tố lỗi và mức độ lỗi của các bên liên quan.

"Theo tôi, nếu các bên đạt được thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng thì không vấn đề gì. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng 34,2 ha đất này thì phía công ty Tân Thuận phải khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hủy hợp đồng. Những cá nhân liên quan, kể cả những cá nhân đã và đang công tác ở Thành ủy TP.HCM, có trách nhiệm bồi hoàn lại cho Công ty Tân Thuận số tiền mà Công ty Tân Thuận phải bỏ ra để bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai khi hủy bỏ hợp đồng này. Ngoài trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà Công ty Tân Thuận đã bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai thì sẽ bị chế tài theo các quy định nội bộ của Thành ủy TP.HCM", Luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích.

Có khả năng khởi tố vụ án hình sự

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích về trách nhiệm của Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Theo quy định tại điều 36 NĐ 52/2009/NDDP về Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thì: Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thanh lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản nhà nước này trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản nhà nước. Tránh nhiệm để xảy ra sai phạm này trước hết thuộc về Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và cơ quan chủ quản là Thành ủy TP.HCM.

Đối với Công ty Quốc Cường Gia Lai, nếu có căn cứ chứng minh được có sự câu kết, thông đồng trong việc mua bán tài sản trên trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm theo kết luật của cơ quan có thẩm quyền.

Về việc bán đất công sản gây thất thoát tiền của nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng: “Hiện nay, với sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền thì việc thu hồi tài sản công trong đó có tài sản là quyền sử dụng đất bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, lãng phí tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hồi tài sản phải theo trình tự thủ tục pháp luật, trong đó có thể theo hướng các tổ chức/cá nhân nhận thấy có vi phạm và mong muốn tự nguyện khắc phục. Trường hợp các tổ chức/cá nhân không tự nguyện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi trong quá trình tố tụng khi khởi tố/truy tố/xét xử và thi hành án vụ án hình sự".

Thanh Hà - Nguyên Vũ - Cao Tuấn

Bình luận

Nổi bật

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:56

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời) có quý 1/2024 tăng trưởng vượt bật về doanh thu với 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96%.

Thu hồi dự án gần 2.000 tỷ đồng của Công ty Phát Đạt

Thu hồi dự án gần 2.000 tỷ đồng của Công ty Phát Đạt

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:30

Sau 14 năm triển khai, Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3) có tổng vốn gần 2.000 tỉ đồng hiện vẫn chỉ là bãi đất trống. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa thống nhất dừng dự án theo hình thức BT và chuyển sang đầu tư công.

Soi hồ sơ công ty gỗ vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai

Soi hồ sơ công ty gỗ vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:28

Sáng 1/5, vụ nổ lò hơi ở Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã xảy một vụ việc nghi nổ lò hơi khiến 6 người chết, 7 người bị thương. Theo tìm hiểu, công ty này hiện có chủ sở hữu là người nước ngoài.