Dữ liệu cũ
Thứ hai, 22/07/2019, 13:46 PM

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Tiếp tục hay làm lại từ đầu?

(NTD) - Các yêu sách chính của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào kể từ sau cuộc họp G20 ở Osaka, Nhật Bản. Sự chậm chạp này khiến các nhà quan sát nghi ngờ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ sớm quay lại bàn đàm phán để xóa bỏ các khác biệt ngày càng trầm trọng hơn.

Đầu tuần rồi, ông Trump tiếp tục phàn nàn khi Trung Quốc chưa mua thêm nông sản Hoa Kỳ với số lượng lớn như ông Tập đã hứa với ông. Trong khi đó, các đối xử của Hoa Kỳ với tập đoàn công nghệ Huawei - đòi hỏi chủ yếu của Trung Quốc - chưa được cải thiện.

thuongmai
Đậu nành - nông sản Hoa Kỳ hiện vẫn chưa được phía Trung Quốc mua nhiều như đã hứa. (Ảnh: Getty Images / TTXVN)

Khác biệt ngày càng gia tăng

Các nhà phân tích nói với hãng Bloomberg rằng việc đạt được hiệp định thương mại mới và toàn diện hầu như là không thể khi bộ máy của ông Trump đã chuyển động cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Bên cạnh cách diễn giải khác nhau về những gì đạt được trong cuộc họp kín Trump - Tập, hai cường quốc kinh tế phải quyết định sẽ tiếp tục nối lại đàm phán trên cơ sở của bản thảo hiệp định “thất bại” vào đầu tháng 5/2019 hoặc bắt đầu đàm phán lại từ đầu.

Có sự khác biệt rất lớn trong cách hai bên diễn giải về những gì đạt được tại G20 cuối tháng 6. Ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo rằng ông Tập đã đồng ý mua nông sản Hoa Kỳ với khối lượng “khổng lồ”. Nhưng một thành viên của đoàn đàm phán Trung Quốc lại nói với phái đoàn Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng về việc nhập nông sản như những gì ông Trump công bố. Nhà đàm phán này cũng nói rằng Bắc Kinh muốn nội các Trump cấp các giấy phép đặc biệt cho các nhà cung ứng Hoa Kỳ bán hàng cho Huawei, sau đó mới tính đến chuyện mua nông sản Hoa Kỳ.

Kể từ khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 5, quan chức chính phủ Trung Quốc luôn nhắc đi nhắc lại ba điều kiện cần được đáp ứng. Gỡ bỏ toàn bộ thuế quan, các hạn ngạch nhập khẩu có thể thực hiện được và sự bình đẳng giữa hai bên. Bắc Kinh cũng đòi hỏi lệnh “ân xá” cho Huawei và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang là mục tiêu trừng phạt của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, dường như các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ phát đi những tín hiệu khác nhau. Đầu tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã gọi điện CEO các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ “thúc giục họ xin được miễn trừ trong việc bán công nghệ cho Huawei”. Đơn xin miễn trừ cần được Bộ Thương mại chuẩn thuận. Tuy nhiên, sau khi Wall Street Journal loan tin về “sáng kiến của ông Mnuchin”, Bộ Tài chính đã phủ nhận và nói rằng “không có chuyện Mnuchin gọi cho các công ty Hoa Kỳ”.

“Trong khi các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đang xem cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 như kim chỉ nam cho việc có nên tiếp tục tiến tới một hiệp định thương mại với Trung Quốc hay ký thỏa thuận này như thế nào, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng rất cẩn trọng bởi họ e rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng không thể tồn tại sau vài dòng Tweet (của ông Trump). Vì thế, hiệp định cũng là vấn đề chính trị nhạy cảm ở Trung Quốc” - ông James Green, một nhà đàm phán của chính phủ Hoa Kỳ từng làm việc với Trung Quốc nay đã chuyển sang làm cố vấn cao cấp cho hãng McLarty Associates, nói với Bloomberg.

Trong tuần rồi, ông Trump nhắc lại rằng ông có thể áp thêm thuế lên hàng nhập từ Trung Quốc - một đe dọa mà Bắc Kinh nói rằng chỉ làm chiến tranh thương mại kéo dài. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có trao đổi qua điện thoại với các quan chức Trung Quốc cuối tuần rồi. Nếu mọi sự suôn sẻ, hai ông sẽ sớm bay sang Bắc Kinh lần nữa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh có đồng ý nối lại đàm phán dựa trên bản thảo hiệp định đã chuẩn bị vào đầu tháng 5 nhưng bị phía Trung Quốc bác bỏ.

thuongmai1
Những container chứa hàng Mỹ chờ nhập vào Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Futurewei “cắt bỏ” quan hệ với tập đoàn mẹ

Huawei đang chật vật tìm cách thoát khỏi vòng cương tỏa của ông Trump. Futurewei Technologies - chi nhánh nghiên cứu và phát triển của Huawei tại Hoa Kỳ - đang chuẩn bị cho hàng trăm nhân viên nghỉ việc vì các điều kiện xin visa làm việc tại Hoa Kỳ cho nhân viên quốc tịch Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.

Futurewei có chi nhánh tại Washington, Texas và California với hơn 850 nhân viên nghiên cứu công nghệ. Washington Post đưa tin những nhân viên bị buộc thôi việc sẽ được thông báo trong nay mai. Số người bị cho nghỉ việc này vẫn có lựa chọn là trở về quê hương và tiếp tục làm cho Huawei.

Hồi tháng 5, tuy Futurewei không nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ, nhưng nhân viên của họ vẫn gặp nhiều khó khăn, bị hạn chế liên lạc với đồng nghiệp tại tổng hành dinh Huawei ở Trung Quốc. Vào cuối tháng 6, Futurewei đã có nhiều động thái để chứng tỏ sự độc lập với Huawei: Cấm nhân viên Huawei vào văn phòng, chuyển sang hệ thống dữ liệu mới và ngừng sử dụng tên hoặc logo Huawei khi giao tiếp với bên ngoài. Hành động này được đưa ra sau khi nhiều đại học tại Hoa Kỳ ngừng các chương trình nghiên cứu với Huawei.

Trong bối cảnh bất lợi đó, lãnh đạo Huawei muốn thoát khỏi “nanh vuốt” của ông Trump bằng cách bỏ ra 5 tỷ USD đầu tư sang Nga, 3 tỷ USD sang Italy và dự kiến sẽ xuất xưởng 260 triệu smartphone trong năm 2019.

Lê Miên Tường - Ricky Hồ

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.