Dữ liệu cũ
Thứ ba, 07/01/2014, 09:30 AM

Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng phủ nhận mọi cáo buộc

Khi phiên tòa bước vào phần thẩm vấn, bị cáo chính Dương Tự Trọng phủ nhận cáo buộc đã tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) trốn ra nước ngoài, trong khi các đồng phạm đều thừa nhận nội dung truy tố là đúng.

8h00′, TAND Hà Nội bắt đầu xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cảnh sát quản lý hành chính, Bộ Công an) về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) trốn ra nước ngoài.

Trong cái rét kéo dài liên tục nhiều ngày qua ở Hà Nội, bị cáo Trọng, người từng một thời là “khắc tinh” của tội phạm hình sự đất Cảng, hầu tòa trong chiếc áo khoác thể thao màu đen. Trước khi HĐXX vào phòng xử, ông Trọng bình thản trò chuyện với người thân.

Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng, người đã lĩnh án tử hình trong vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines, bị đưa đến tòa với tư cách người làm chứng. Vợ ông Dũng cũng có mặt.

8h10′, trước khi bắt đầu phần thẩm vấn căn cước, thẩm phán chủ tọa Trương Việt Toàn đề nghị tháo còng tay cho các bị cáo.

Ảnh phiên tòa xử Dương Tự Trọng

Ông Trọng bị xét xử về tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài với khung hình phạt truy tố từ 12 đến 20 năm tù.

Cùng hầu toà với ông Trọng có các đồng phạm: bị cáo Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng); Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”, 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) và Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng).

Ông Trọng bị xét xử về tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài với khung hình phạt truy tố từ 12 đến 20 năm tù. Theo chủ toạ, tòa triệu tập 6 nhân chứng nhưng chỉ 3 người có mặt. Ngoài một trường hợp vắng mặt có giấy nằm viện, những người không có lý do sẽ bị dẫn giải tới toà.

Hai luật sư bảo vệ cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng là ông Nguyễn Đình Hưng và bà Vũ Thị Kim Ngọc, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Bị cáo Sơn có luật sư Đặng Viết Hùng bào chữa. Bị cáo Tuấn mời luật sư Nguyễn Thái Hoà và Trần Thiện Thuật. 4 bị cáo còn lại tự bào chữa.

8h30′, sau nửa tiếng kiểm tra căn cước, ông Vũ Đăng Hiếu, đại diện VKS đã đọc bản cáo trạng.

Theo truy tố của VKSND Tối cao, chiều 17/5/2012, được mật báo qua điện thoại về việc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian lãnh đạo Vinalines, ông Dương Chí Dũng vội gọi điện thoại báo cho em trai Dương Tự Trọng.

Để cứu anh, ông Trọng giao thuộc cấp thân tín là Sơn thay mặt đứng ra tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn. Trong tối 17/5/2012, Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Dũng “Bắc Kạn” và một số người khác sử dụng ôtô đưa ông Dũng trốn về Quảng Ninh. Tối 23/5/2012, Phong và Dũng “Bắc Kạn” đưa ông Dũng từ TP HCM vào cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.

Từ đây, ông Dũng đi sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ. Không được cấp visa, ông Dũng quay về Campuchia sống bằng tiền chu cấp của ông Trọng. Việc bố trí chỗ ở cho ông Dũng trong thời gian bị Interpol quốc tế truy nã được ông Trọng giao cho Dũng “Bắc Kạn” và Phong. Ngày 4/9, ông Dũng bị bắt, di lý từ Campuchia về Việt Nam.

Cáo trạng nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Hành vi của các bị can cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines.

Nghi can Trọng là chủ mưu tổ chức cho ông Dũng đào tẩu trước thời điểm cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, bắt ông này. Trong quá trình điều tra, ông Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi. Trong khi đó, Sơn, Thắng Phong, Dũng “Bắc Kạn”, Ánh và Tuấn khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập trong vụ án.

VKSND Tối cao cho rằng Dũng “Bắc Kạn” thực hiện tội phạm do bị ông Trọng và Sơn ép buộc; còn Phong phạm tội trong hoàn cảnh đang được ông Trọng bao che trốn truy nã suốt nhiều năm qua.

Một số người khác do thành khẩn khai nhận, động cơ phạm tội vì tình cảm gia đình hay không biết kế hoạch bỏ trốn của ông Dũng… nên không bị xử lý hình sự.

9h, phiên tòa bắt đầu phần thẩm vấn. Các bị cáo Sơn, Ánh, Tuấn, Thắng, Phong, Dũng “Bắc Kạn” thừa nhận nội dung truy tố là đúng. Riêng bị cáo Trọng phủ nhận.

Mai Chi

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.