Dữ liệu cũ
Thứ ba, 10/12/2013, 17:54 PM

Cổ phiếu ngân hàng khó bứt phá dịp cuối năm

Khối lượng giao dịch 8 mã ngân hàng niêm yết đạt 2,3 tỷ chứng khoán sau 11 tháng, tăng 11,39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chung của cổ phiếu ngành này là 2%, thấp hơn nhiều so mức chung toàn thị trường.

11 tháng qua, tốc độ tăng giá của 8 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại hai sàn chứng khoán đạt 2,02% trong khi Vn-Index tăng hơn 21% còn HNX-Index là gần 12%. Trong số này, mã SHB tăng mạnh nhất 19%, tính theo giá đóng cửa phiên cuối cùng tháng 11. Trong khi đó, cổ phiếu EIB (Eximbank) và NVB (Navibank) lại dẫn đầu đà giảm khi mất 10% giá so với phiên đầu tiên của năm 2013.

Khối lượng giao dịch các mã ngân hàng lại có dấu hiệu lạc quan khi 2,3 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trong 11 tháng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. SHB tiếp tục là mã có khối lượng giao dịch tăng nhanh nhất với mức 211%. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng có tăng trưởng 83,7% về khối lượng giao dịch còn NVB là 12,37%. Trong khi đó, khối lượng khớp lệnh phiếu 5 ngân hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, NVB vẫn được xem là mã có thanh khoản thấp nhất do lượng giao dịch chỉ chiếm 1,18% trên tổng khối lượng chung toàn ngành.

Diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn có sự phân hóa như trên phản ánh phần nào kết quả kinh doanh các nhà băng. Dù đã được dự báo một năm 2013 đầy khó khăn, lợi nhuận sau thuế toàn bộ ngân hàng niêm yết trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.389 tỷ đồng. Phần lớn là nhờ đóng góp từ Vietinbank với lãi sau thuế 9 tháng đạt 5.296 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Một số nhà băng từng có kết quả kinh doanh lỗ năm ngoái cũng có lãi trở lại như Ngân hàng ACB (Mã CK: ACB) với lợi nhuận lũy kế hơn 1.117 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB) lãi sau thuế 1.657 tỷ đồng qua 9 tháng, sau khi lỗ hàng trăm tỷ hồi cuối quý IV/2012. Trong khi đó, một số nhà băng còn lại như Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Quân Đội (MBBank), Eximbank hay Navibank lại sụt giảm về lợi nhuận từ 8% đến trên 80%.

Kết quả kinh doanh một số ngân hàng giảm sút là điều đã được dự báo khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tại ngày 30/9, chỉ báo này tại 8 ngân hàng hiện niêm yết là 3,01%, tăng 0,71% so với đầu năm.

Với vai trò là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng, sức khỏe ngành ngân hàng hầu như ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Ngoài các biện pháp như xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống, Chính phủ cũng đang cân nhắc nới room để thu hút thêm dòng vốn từ bên ngoài.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Hữu Phú – Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho rằng: “Độ hấp dẫn của các cổ phiếu ngân hàng hiện nay không cao, sang năm 2014 tình hình chưa chắc sáng sủa và vẫn cần thêm thời gian”.

Theo ông Phú, lĩnh vực nhà băng nói chung hiện giờ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do vậy cơ hội để các cổ phiếu ngân hàng trở về thời hoàng kim như giai đoạn năm 2006-2007 là rất ít. Bối cảnh kinh tế đã có nhiều chuyển biến, trong đó quy mô các ngân hàng ngày một lớn. Mấy năm gần đây nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp cũng gặp khó khiến hoạt động nhà băng bị ảnh hưởng, tác động lên cổ phiếu ngân hàng, ông Phú nhận định.

Chủ tịch Sacombank chia sẻ thêm hầu hết chỉ nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn, nguồn vốn dồi dào mới có thể ở lại với cổ phiếu ngân hàng. “Hoạt động ngân hàng vẫn là kênh rất quan trọng của nền kinh tế, đồng thời giá cũng đang ở mức thấp. Nếu đầu tư giai đoạn này, mức cổ tức trên giá mua dao động 6-8% là ổn”, ông Phú khuyến nghị.

Còn ông Phạm Quang Thanh – Giám đốc Đầu tư cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác tại Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt lại cho rằng phải mất 2-3 năm nữa, ngành ngân hàng mới ổn định trở lại và là kênh trung gian huy động vốn hiệu quả. Tới lúc đó, cơ hội cho cổ phiếu ngân hàng mới đến.

“Trước đây, cổ phiếu ngân hàng thường được định giá cao hơn so với bình quân của thị trường. Thời gian vừa qua, lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn nên phần lớn các cổ phiếu nhóm này rớt giá cũng là phù hợp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mang tính chu kỳ nên trong dài hạn vẫn có tiềm năng, đặc biệt sau khi các ngân hàng xư lý tốt nợ xấu và tái cấu trúc hiệu quả ”, ông Thanh nhận xét.

Theo chuyên gia này, nợ xấu là một trong những yếu tố đầu tiên khiến các nhà đầu tư e dè hơn với cổ phiếu thuộc lĩnh vực nhà băng. “Trên cương vị một nhà đầu tư, rất khó để nhận biết con số nợ xấu chính xác của ngân hàng là bao nhiêu. Lại thêm các tin tức tiêu cực bên lề như sáp nhập, đổi chủ, bắt bớ lãnh đạo càng khiến các mã này vào dạng tiềm ẩn rủi ro cao”, ông Thanh đánh giá.

Dù vậy, giám đốc đầu tư của Quỹ Bảo Việt cho rằng khó có thể nói các cổ phiếu ngân hàng đang rẻ, thậm chí một số mã ngân hàng vẫn được định giá cao, đa phần là thuộc các nhà băng kinh doanh có lãi ổn định và được đánh giá là minh bạch. Ngoài ra, việc thông tư 02 chính thức có hiệu lực vào 1/6/2014 sẽ giúp nợ xấu các ngân hàng tiệm cận đến con số thật. Cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng theo đó cũng sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ông Thanh nhận định.

Kiên Hồ – Tường Vi

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.