Dữ liệu cũ
Thứ năm, 09/07/2015, 07:00 AM

Cổ đông nhức đầu vì cổ tức

(NTD) - Cứ đến mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là việc chi trả cổ tức trong năm và dự kiến mức cổ tức cho năm tiếp theo. Nhưng 3 năm gần đây, cổ tức tại nhiều nhà băng lại khiến cổ đông khá “âu sầu” khi liên tục giảm hoặc thậm chí có nơi còn quyết định không chi cổ tức.

18

Biểu đồ tỷ lệ cổ tức một số ngân hàng năm 2014

Khác với trước đây, vấn đề nợ xấu, lợi nhuận kinh doanh hay mua bán sáp nhập ngân hàng trong năm 2015 này đã không còn là điểm “nóng” thu hút sự quan tâm của ĐHCĐ. Thay vào đó, “cổ tức trả chậm”, “không chia cổ tức” hay “cổ tức bị cắt bớt” là những từ khóa đã làm nóng đại hội và thu hút khá đông sự quan tâm của các cổ đông lẫn báo giới.

Dẫu biết trong một vài năm gần đây, tình hình hoạt động kinh doanh của các nhà băng được nhận định là không được thuận lợi cho lắm như nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp... Nhưng “vịn” vào những lý do này, nhiều ngân hàng dù khách quan hay chủ quan đã thẳng thừng tuyên bố không trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông, khiến phần lớn cổ đông lâu năm và cả các cổ đông mới đều bức xúc.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), từ năm 2013 đến nay, nhà băng này gặp khá nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh. Điều này thể hiện tại báo cáo tài chính với những chỉ số lợi nhuận trước và sau thuế đều sụt giảm mạnh. Tính đến nay, trong khi phần lớn các ngân hàng khác đã hoàn tất kỳ ĐHCĐ, DongA Bank chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho kỳ đại hội năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7. Và nếu như tại ĐHCĐ năm 2014, nhà băng này đã làm cổ đông “ngậm ngùi” thất vọng với mức trả cổ tức khá “bèo” với tỷ lệ 5% thì dự kiến tại kỳ ĐHCĐ 2015, nhiều cổ đông đang tỏ ra lo lắng khi nghe tin đồn là cổ tức năm 2014 sẽ không được trả.

Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) đối tác trong “cuộc hôn nhân” sắp tới với Sacombank cũng là một trong những nhà băng đang khiến cổ đông đau đầu cũng vì vấn đề cổ tức.

Tại ĐHCĐ năm 2015 vừa qua, ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết, chỉ hoàn thành 2% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2014 và sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thì lợi nhuận còn lại chỉ ở mức 1,2 tỷ đồng nên cổ tức sẽ không được chia. Mặc dù không chia cổ tức nhưng việc chi thù lao cho HĐQT, ban kiểm soát vẫn được giữ nguyên theo kế hoạch là 13,7 tỷ đồng, điều này đã khiến nhiều cổ đông buồn rầu.

Khác với những tổ chức trên, do tình hình kinh doanh không được như mong muốn nên ảnh hưởng đến cổ tức, có một số khác kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn chậm trễ trong việc chi trả cổ tức.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) mới đây đã khiến cổ đông thất vọng khi kết quả kinh doanh trước và sau thuế đều tăng lần lượt 53,7% và 57,2% nhưng cổ tức lại giảm. Ngân hàng này chỉ dành 45 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho năm 2014 và điều này đồng nghĩa với việc cổ tức giảm từ 2% trong năm 2013 xuống còn chỉ 1,5% cho năm 2014.

Một ngân hàng có quy mô nhỏ là SaiGonBank, sau lời hứa trả cổ tức với tỷ lệ 3,5% cho cổ đông thì đến phút chót tại ĐHCĐ 2015, ngân hàng này chỉ trình lên hội đồng quản trị mức chi trả cổ tức 3% nguyên nhân do lợi nhuận trước thuế giảm, chỉ đạt mức 230 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một vài nhà băng được đánh giá là trả cổ tức ở mức cao như VIB, VietinBank, LienVietPostBank, HDBank nhưng cũng làm cổ đông đôi lần thất vọng do mức chi trả thực tế thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình cho biết: “Lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào tình trạng nợ xấu thực sự. Đã có nhiều ngân hàng lỗ đến mức bị quốc hữu hóa hoặc buộc phải sáp nhập sau khi “tính lại” nợ xấu. Những con số lợi nhuận mà chúng ta thấy chưa chắc đã phản ánh tình trạng sức khỏe thực sự của ngân hàng”.

Trong quý 1/2015 lợi nhuận hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh. Hiện nay, tình trạng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cũng rất tốt và hệ thống tài chính cũng đang ổn định. Theo lẽ thường lợi nhuận ngân hàng sẽ theo đà đó tăng lên và ngân hàng có quyền chi cổ tức. Tuy nhiên, ẩn số vẫn là nợ xấu nên nếu NHNN siết mạnh việc phân loại nợ xấu thì lợi nhuận nhiều ngân hàng không những không tăng mà còn sụt giảm. “Tôi cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng trong bức tranh lợi nhuận 2015. Do đó, việc chia cổ tức cũng sẽ có sự phân hóa tương tự”, ông Tình nói.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng chỉ chi trả 9% cổ tức cho năm 2014 thay vì 11% như kế hoạch trước đó; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) cắt 4% cổ tức, chỉ trả 6% so với kế hoạch 10% cổ tức ban đầu; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia 10% cổ tức. Hai ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) chi cổ tức ở mức 4-5%. Nhìn chung, nếu so sánh cổ tức của những “ông lớn” ngân hàng với những doanh nghiệp khác như Vinamilk hay Kinh Đô thì mặt bằng chung về cổ tức ngân hàng vẫn khá thấp và thận trọng.

                                                                               (Nguồn: Tổng hợp)

Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả đọc tại đây.

Ngọc Diễm

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.