Thứ sáu, 21/10/2022, 10:02 AM

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến

(CL&CS)- Là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, chiều ngày, 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đầu tư sản xuất, chế biến cà phê được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày. Theo đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Empty
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hồ Long

Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đối với TP. Buôn Ma Thuột.

Về mức dư nợ vay, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của TP. Buôn Ma Thuột.

Đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 4), dự thảo Nghị quyết quy định: Dự án đầu tư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, gồm: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Về quản lý quy hoạch (Điều 5), trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị TP. Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP. Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại TP. Buôn Ma Thuột.

Quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù..; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.

Về phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định này vì TP. Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 16% là người dân tộc thiểu số, nhu cầu chi nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh… trên địa bàn là rất lớn. Bên cạnh đó, Đắk Lắk là tỉnh chưa tự cân đối được thu chi ngân sách. Hiện nay, một số chính sách Trung ương ban hành nhưng chưa cân đối đủ và thành phố phải tự đảm bảo, dẫn đến áp lực rất lớn. Quy định trên phù hợp với Kết luận 67, đó là “triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”.

Empty
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hồ Long

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về mặt chủ trương cần có ưu đãi thuế, tuy nhiên đề nghị cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế; đặc biệt cần xác định cụ thể về nội hàm: “…thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo; sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics…”. Vì nếu quy định chung chung như dự thảo Nghị quyết thì phạm vi áp dụng ưu đãi thuế là rất rộng; một mặt sẽ là chưa công bằng, mặt khác có thể dẫn đến lợi dụng pháp luật, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung quy định để tạo căn cứ chặt chẽ cho thực hiện, tránh lợi dụng hoặc áp dụng tùy tiện.

Theo báo đại biểu nhân dân

Bình luận

Nổi bật

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:03

(CL&CS) - Các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.