Dữ liệu cũ
Thứ năm, 05/02/2015, 15:27 PM

Chồng chéo việc xử phạt thông tin sai sự thật trên báo chí

(NTD) – Sự việc các cơ quan báo chí gần đây liên tiếp bị tuýt còi và bị phạt nặng cộng với có quá nhiều bộ ban ngành xây dựng các nghị định“đòi” xử phạt thông tin sai sự thật trên báo chí khiến nhiều nhà báo và chuyên gia nhận định là đang hỗn loạn mức xử phạt thông tin sai của báo chí.

Theo pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ VH-TT ban hành) thì các bộ, ngành hiện đang có quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi. Như vậy là các bộ ngành xây dựng lên Nghị định xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Điều này đã gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng – Hàm Vụ trưởng, Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Báo chí muốn thông tin đúng sự thật thì phải là người chiếm lĩnh trận địa thông tin”. Tuy nhiên, hiện nay, báo chí lại gặp không ít khó khăn trên con đường “chiếm lĩnh trận địa thông tin” khi có quá nhiều cơ quan có thể xử phạt báo chí.

Ông Nguyễn Văn Hùng phân tích thêm: “Trong năm 2014 vừa qua, câu chuyện về các Cơ quan Bộ ngành có ý kiến về việc cần có những Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí. Trên thực tế, đã có nhiều Bộ, Ban ngành yêu cầu xử phạt các cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về họ, và ngay sau đó trên các phương tiện truyền thông báo chí đã có rất nhiều thông tin bày tỏ ý kiến của báo chí về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng những ý kiến đó đáng được ghi nhận và suy ngẫm. Tất nhiên, khi các bộ ngành có quyền lợi riêng của mình, cũng như Báo chí có quyền lợi riêng chính đáng thì sự va đập đó đem đến những quan điểm, suy nghĩ, lập luận, phản biện khác nhau. Về việc cơ quan Ban ngành nào được quyền xác định đúng, sai với thông tin được đưa ra bởi Báo chí. Tôi nghĩ, không nên để xảy ra tình trạng chồng chéo. Đấy là nguyên tắc. Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đầu mối để có thể xử phạt Báo chí khi có những thông tin không chính xác được giao cho Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hiện tại có thêm kiến nghị từ các Bộ ngành và có văn bản tới đây các Bộ ngành cũng có thể xử phạt thì câu chuyện này cũng phải được làm rõ. Bởi vì nếu không, mỗi Bộ ngành sẽ có một chế tài riêng, đồng nghĩa với việc văn bản sau chồng chéo lên văn bản trước và ai cũng có thể tham gia việc xử phạt đó thì sẽ tạo ra một sự nhiễu loạn.”

_MG_8600

Ông Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo "Ai cũng được phạt báo chí"

Ông Mai Phan Lợi – Trưởng đại diện báo Pháp luật TP HCM tại Hà Nội cho rằng, hiện nay mức xử phạt đối với việc thông tin sai của báo chí rất…hỗn loạn. Có tới 8 nghị định liên quan đến xử phạt thông tin sai của báo chí bao gồm:

NĐ số 79/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê;

NĐ số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

NĐ số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

NĐ số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục;

NĐ số 148/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực dạy nghề;

NĐ số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

NĐ số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, đo đạc bản đồ;

NĐ số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế);

Trong khi đó, cơ quan chủ quản của báo chí là Bộ Thông Tin và Truyền Thông soạn thảo Nghị định 159/2013 chỉ có chế tài cho hành vi không cung cấp thông tin với mức phạt rất nhẹ: 200-500 nghìn đồng. Mức phạt ấy so với mức phạt đến 100 triệu đồng tại điều 8a dự thảo tờ trình của Bộ tư pháp là rất bất hợp lý” – nhà báo Mai Phan Lợi nhấn mạnh.

_MG_8611

Nhà báo Mai Phan Lợi đưa ra câu hỏi về việc cung cấp sai thông tin về điều chỉnh giá xăng cho cơ quan báo chí thì ai bị xử phạt?

Mặt khác mức phạt đưa ra cho các nhà báo, cơ quan báo chí cũng còn nhiều vấn đề. Ngành nào cũng cho rằng mình là ngành quan trọng thì làm sao kết luận ngành nào là quan trọng nhất. Nếu chỉ đơn thuần để xác định hành vi vi phạm là “đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật” thì lĩnh vực nào cũng có thể tham gia vào để “bắt giò” cơ quan báo chí… Lĩnh vực giá đòi sửa Nghị định 159/2013/NĐ-CP được thì các lĩnh vực khác, ngành khác cũng có thể đòi hỏi quyền này. Vì không thể nói thông tin sai sự thật của ngành nào quan trọng hơn ngành nào. Vậy thì khả năng xảy ra việc bổ sung vào điều 8 nghị định 159/2013 là hoàn toàn có thể. Cộng với việc tất cả các bộ ngành đều có quyền xử phạt báo chí. Quả thực là rất hỗn loạn!?

Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện thống nhất đưa về Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Điểm đáng chú nhất trong bản dự thảo này là Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bổ sung thêm điều 8a sau điều 8 của Nghị định 159/2013 với các mức phạt rất cao. Trong đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75 - 100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Trao đổi tại cuộc hội thảo “Ai cũng có thể phạt báo chí?” Luật sư Trần Vũ Hải cho biết: “Chúng tôi khá ngạc nhiên trước mức xử phạt đối với báo chí vì nó tăng hẳn so với trước đây, đặc biệt là việc nhà báo có thể bị phạt 100 triệu đồng, cơ quan báo chí có thể bị phạt 200 triệu đồng. Với những hành vi thông tin sai sự thật của báo chí cần xử phạt, nhưng phải xử phạt có mức độ”.

Đưa ra sự so sánh, luật sư Hải cho rằng, hiện nay có những phát ngôn không đúng, phát ngôn sai chỉ phạt tối đa 500 nghìn đồng, mà đòi phạt báo chí 100 triệu, như vậy là không có sự cân bằng.

“Nếu tiếp tục giữ như hiện nay thì kiến nghị nên chia mức phạt ở hai mức, từ 1-10 triệu đồng đối với nhà báo, từ 2-20 triệu đồng đối với cơ quan báo chí, phải căn cứ vào quy mô của tờ báo, báo lớn phải khác báo nhỏ” – luật sư Hải kiến nghị.

Ông Hải cho rằng, đối với các trường hợp đặc biệt bị xử phạt nặng thì cần có hội động giám định độc lập, đưa ra nhận xét, căn cứ vào đó mới có thể phạt được.

Tại cuộc hội thảo Nhà báo Phan Mai Lợi cũng đưa ra việc báo chí thông tin sai sự thật cũng có nguyên nhân từ việc cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực không tuân thủ đúng quy định tại Điều 3 Nghị định 51/2002, Điều 8 Luật Báo chí và Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Biểu hiện cụ thể là nhiều cơ quan nhà nước chậm cung cấp thông tin; cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí. Nhà báo chia sẻ: "Chúng ta đều biết vừa rồi, có chuyện giảm giá xăng, ban đầu căn cứ vào thông tư của Bộ Tài chính hàng loạt báo điện tử đăng giá xăng giảm hơn 1400 đồng/lit. Nhưng sau vài tiếng, tất cả các bản tin này đều bị gỡ hoặc sửa đổi, bởi vì bản thân Bộ Tài chính sau đó ít giờ đã rút lại, ban hành thông tư mới. Lúc đó, giá xăng giảm thực tế là gần 1900 đồng/lít.Trong vòng vài tiếng đồng hồ, cơ quan đầu nguồn tin là Bộ Tài chính còn thay đổi liên tục thông tin thì làm sao nhà báo có thể tránh được việc đưa thông tin không đúng? ".

Chính vì các lý do trên nhiều phóng viên báo chí cùng đại diện của một số bộ, ngành liên quan đề nghị các Bộ ngành cần xây dựng chế tài xử phạt cho các hành vi chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, không đầy đủ cho báo chí, và mức xử phạt này phải tương xứng với mức xủ phạt báo chí khi thông tin sai sự thật. Cùng với đó là không bổ sung thêm điều 8a và giao tất cả các việc liên quan tới báo chí về đơn vị chủ quản là Bộ TT-TT.

Tin tức cập nhật độc giả có thể đọc tại đây.

PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.